Khi bước sang năm Nhâm Dần 2022, nhiều người hy vọng rằng sẽ gặp nhiều may mắn và cuộc sống sẽ sung túc hơn năm cũ. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, hình ảnh con hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, uy thế, oai linh, vẻ đẹp quyền uy nhưng đầy bí hiểm, uyển chuyển. Với cơ thể vằn vện thấp thoáng lượn sóng cùng tính hung hãn của động vật săn mồi hàng đầu, hổ cũng là một biểu tượng của đẳng cấp chiến binh.
Để đáp ứng Tết Nhâm Dần 2022, các thương hiệu thời trang như Marc Jacobs, Coach, Dior và Clinique đã cho ra mắt nhiều sản phẩm phụ kiện và mỹ phẩm mang chủ đề hổ để bán trong dịp tết.
Nhà mốt Gucci cũng đã trình làng bộ sưu tập Gucci Tiger. Dòng thời trang được ra mắt bao gồm quần áo và phụ kiện có in hình hổ. Ngoài ra, những người mẫu quảng cáo sản phẩm mới cũng tạo dáng trong studio với một số con hổ thật.
Song, một số tổ chức đã lên tiếng chỉ trích hãng thời trang này. Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WAP) cho rằng trong năm Nhâm Dần, con người nên nâng cao nhận thức, tôn trọng và bảo vệ động vật hoang dã chứ không phải coi chúng như sản phẩm thương mại. Theo WAP, hổ đang bị đe dọa nghiêm trọng do bị khai thác làm thú cưng, đạo cụ chụp ảnh cho du khách hoặc do săn bắt trộm, biến đổi khí hậu.
Điều này làm dấy lên lo ngại về sự tồn vong của loài hổ trong tự nhiên khi số lượng hổ trên khắp Nam Á, Đông Á và một số vùng của Nga ước tính chỉ còn dưới 4.000 con.
Ở Malaysia, hổ Malayan được coi là biểu tượng quốc gia. Tuy nhiên số lượng loài đã giảm trong nhiều thập niên do mất môi trường sống cũng như nạn săn trộm.
Christopher Wong, người đứng đầu Chương trình Bảo tồn hổ tại WWF-Malaysia cho biết: “Nạn săn trộm và mất môi trường sống vẫn luôn là những mối đe dọa lớn nhất đối với hổ hoang dã”.
Từ năm 2016-2020, nhóm bảo tồn động vật hoang dã, Bộ Động vật hoang dã và Công viên Quốc gia Malaysia và các tổ chức phi chính phủ khác đã tiến hành một cuộc khảo sát cho thấy số lượng hổ trong tự nhiên đã giảm xuống còn dưới 200 con. Trong những năm 1950, Malaysia có tới 3.000 con.
Ông Wong cho biết: “Mọi bộ phận của hổ từ râu cho đến đuôi đều được bày bán ở các chợ động vật hoang dã bất hợp pháp. Xương và các bộ phận cơ thể khác của chúng được sử dụng để làm thuốc bổ cho sức khỏe con người. Da của chúng được coi là biểu tượng cho địa vị trong một số nền văn hóa châu Á”.
Hổ Malayan được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp trong Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Điều đó có nghĩa là chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cực kỳ cao.
Ông Wong cho biết cuộc chiến bảo vệ loài động vật này sẽ không bao giờ kết thúc: “Nguồn lực để bảo vệ các khu bảo tồn ở những quốc gia có hổ sinh sống thường bị hạn chế. Hổ có thể được tìm thấy ở 13 quốc gia, từ Nga đến các vùng tại Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, từ khu vực Tây Nam Á đến đảo Sumatra của Indonesia. Ngay cả những quốc gia thực thi mạnh mẽ luật bảo vệ hổ vẫn phải đối mặt với cuộc chiến không hồi kết để chống lại nạn săn trộm, vốn thường do các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia cầm đầu”.
Cơ quan Điều tra môi trường (EIA), một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu chuyên điều tra và thực hiện chiến dịch chống lại tội phạm và lạm dụng môi trường, cho biết số lượng hổ trên toàn cầu đã giảm 96% trong 100 năm qua.
“Các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tiếp tục thu lợi nhuận từ nhu cầu về các bộ phận và các sản phẩm từ hổ, chủ yếu ở Trung Quốc”, EIA cho biết.
Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Traffic, chuyên theo dõi việc buôn bán động vật và thực vật hoang dã, cho biết trung bình có 124 con hổ bị giết mỗi năm từ năm 2000 - 2018.
“Theo thống kê, có tổng cộng 1.142 vụ săn trộm diễn ra trên toàn thế giới. Trong số này, 95,1% xảy ra ở 13 quốc gia có hổ sinh sống, tương đương với 2.241 con hổ đã bị săn trộm”, báo cáo của Traffic.
Ông Wong cho biết việc săn trộm gây ra nhiều hệ lụy đến loài hổ. “Nếu một con hổ cái bị chết thì hổ con cũng khó có thể sống sót vì thiếu đi sự chăm sóc của hổ mẹ. Điều này cho thấy tiềm năng sinh sản của con cái hổ trong tương lai sẽ mất đi”, ông Wong chia sẻ.
Hiện nay WWF-Malaysia tập trung chủ yếu vào việc bảo tồn tại chỗ. Động vật hoang dã sẽ được sống trong hệ sinh thái tự nhiên, các hoạt động gồm tuần tra chống săn trộm, giám sát động vật hoang dã, vận động và giáo dục nâng cao nhận thức được tăng cường.
“Mất môi trường sống là một vấn đề lớn. Nhiều khu vực sinh sống của hổ đã bị phá hủy, suy thoái và ngày càng bị chia cắt bởi các hoạt động của con người”, ông Wong nói, và nhấn mạnh việc chặt phá rừng để làm nông nghiệp, lấy gỗ cũng như để xây dựng đường sá và các hoạt động khác đã đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của hổ.
“Hổ cần môi trường sống rộng rãi để sinh tồn vì chúng có phạm vi sống rộng. Số lượng hổ ít trên các hòn đảo nhỏ, nơi sinh sống rải rác dẫn đến nguy cơ giao phối cận huyết cao hơn. Điều này làm cho hổ dễ bị săn trộm hơn khi chúng mạo hiểm vượt ra ngoài các khu bảo tồn để thiết lập lãnh thổ của mình. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết trong việc kết nối môi trường sống giữa các khu bảo tồn nơi hổ sinh sống”.
Ông Wong cũng cho biết con người và hổ đang ngày càng cạnh tranh nhau để giành không gian sống. “ Khi rừng bị thu hẹp và con mồi trở nên khan hiếm, hổ có thể dấn thân vào các khu vực con người sinh sống để săn những con vật nuôi của con người. Việc con người vào rừng để đốn củi, tìm kiếm thực phẩm và lấy gỗ cũng làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa hổ và người”.
Bên cạnh đó, vi rút gây bệnh Canine, một căn bệnh thường thấy ở chó cũng có nguy cơ lây lan sang các loài động vật có vú. Điều này đã được báo cáo là mối đe dọa với loài hổ khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng.
“Khi chúng ta ngừng đe dọa các nguồn tài nguyên cần thiết cho một hệ sinh thái tự duy trì, thì sự chung sống hòa bình giữa con người và động vật hoang dã có thể được quản lý tốt hơn. Mục tiêu của chúng tôi là tăng quần thể hổ hoang dã bằng cách tạo điều kiện tốt nhất có thể và an toàn cho hổ sinh sản. Chúng cần những vùng lãnh thổ rộng lớn với đủ con mồi cho loài hổ”, ông Wong nói thêm.