Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Thiên tài và sự giáo dục từ sớm

02/08/2020 18:00
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Thiên tài và sự giáo dục từ sớm

Mỗi chúng ta đều có cơ hội để phát triển, nhưng nếu bỏ qua thời điểm vàng của nó thì từng khả năng một sẽ vĩnh viễn mất đi.

Kimura Kyuichi sinh năm 1883 tại tỉnh Yamagata, Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Tokyo từ năm 1915. Ông là nhà Tâm lý học và Giáo dục học nổi tiếng. Ông là Tổng biên tập Tạp chí Thời đại và đã tham gia biên tập cuốn “Bách khoa toàn thư hiện đại” đầu tiên của Nhật. Ông mất năm 1977 thọ 93 tuổi. Cuốn “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm” được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành với bản dịch của Hồ Phương. Sách đã được tái bản 8 lần tại Việt Nam.

Cuốn sách "Thiên tài và sự giáo dục từ sớm” của tác giả Kimura Kyuichi. (Ảnh: Blifevn.com)

- Nói rằng công việc kinh doanh bận rộn đến mức không có thời gian dành cho con cái chỉ là ngụy biện cho sự quá ham mê kiếm tiền của bản thân.

- Mình chỉ là nấc thang thứ nhất, con mình sẽ là nấc thang thứ hai, và những gì mình đã không thể làm được thì con cái sẽ tiếp tục giúp mình.

- Đứa trẻ sinh ra sẵn có 100 phần năng lực, nhưng nếu cứ để một cách tự nhiên thì nó có thể chỉ phát triển được 20, 30 phần.

Nếu được giáo dục tốt có thể khi trưởng thành nó sẽ phát triển đến 60, 70 phần, hay tốt hơn là được 80, 90 phần.

Lý tưởng nhất là đứa trẻ được giáo dục để phát huy được đủ 100 phần năng lực vốn có.

- Thời điểm bắt đầu càng muộn thì khả năng phát huy năng lực sẵn có càng giảm.

- Đối với việc học ngoại ngữ, nếu trẻ không bắt đầu trước 10 tuổi thì sau này sẽ không tiến bộ được. Những môn năng khiếu như piano, violin… cũng cần được dạy từ rất sớm.

- Mỗi chúng ta đều có cơ hội để phát triển, nhưng nếu bỏ qua thời điểm vàng của nó thì từng khả năng một sẽ vĩnh viễn mất đi.

- Không có bằng chứng nào về việc giáo dục từ sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

- Trẻ lớn lên trở thành nhân tài hay chỉ là người bình thường, ít nhiều cũng có yếu tố trời cho, nhưng quan trọng hơn là việc giáo dục trẻ từ khi mới sinh đến khi 5,6 tuổi.

Cả những đứa trẻ sinh ra rất bình thường, ta đều có thể giáo dục chúng trở thành những tài năng phi phàm.

- Đối với trẻ con thì việc được nghe kể chuyện là điều quan trọng nhất, vì trẻ là người lạ với thế giới này và chúng muốn tìm hiểu về mọi thứ.

Nhưng không phải chỉ nói cho trẻ nghe một lần, mà ta phải kể lặp đi lặp lại nhiều lần mới hiệu quả.

- Người lớn thường chỉ đọc cuốn tiểu thuyết một lần, nhưng trẻ con có thể nghe đi nghe lại nhiều lần mà vẫn thích thú. Cho nên người lớn cần lưu ý điều đó thì mới dạy được trẻ.

- Trò chơi của trẻ con không nên chỉ là một việc vô ích, mà phải thông qua đó giúp trẻ sử dụng được cái đầu. Như thế trẻ cũng sẽ không thấy chán và không quậy khóc.

- Có những đứa trẻ ăn không biết chán, ăn nhiều đến sinh bệnh. Người có cái bụng luôn no căng sẽ có xu hướng trì trệ. Điều đó làm giảm sút tinh thần và trí lực của trẻ.

- Cần khuyến khích mọi sở thích và trí tưởng tượng của con, đồng thời cố gắng để con hiểu rằng yêu hay ghét không phải chỉ dựa trên cảm tính, mà phải do đạo đức và lương tâm quyết định.

- Nếu được dạy bảo tốt ngay từ đầu, trẻ sẽ không có cảm giác khó chịu vì bị ép buộc. Cũng giống như việc xây nhà: phải sắp xếp có trật tự ngay từ những viên gạch ban đầu.

- Cái gì đã nói không thì nhất định không được làm, tránh thái độ bất nhất khi yêu cầu trẻ, lúc thì cho phép, lúc thì không cho.

- Điều khó trong việc giáo dục trẻ chính là giúp trẻ hình thành khái niệm: Cái gì là tốt, cái gì là xấu, những người làm cha mẹ phải nhất quán ngay từ đầu và không được thay đổi.

Việc giáo dục luôn đòi hỏi sự phối hợp thống nhất của cha, mẹ và cả những người trong nhà.

- Không được dùng quyền làm cha mẹ để che khuất lý trí và làm rối loạn năng lực phán xét của trẻ. Người làm cha mẹ thường có quan điểm sai lầm dẫn đến việc mắng con vô lý.

Đó là điều không nên. Cho dù việc trách mắng và ngăn cấm là chính đáng, nhưng nếu không cho trẻ biết rõ lý do thì vẫn đáng trách.

- Đức tính tốt là thứ cần nỗ lực rèn luyện và phải biết tự chủ cao mới có được. Còn học cái xấu chẳng mất chút công sức nào.

- Làm sao để con có thể cảm nhận niềm vui khi làm việc thiện, niềm vui trong việc nghiêm khắc với chính mình.

- Khen trẻ thái quá sẽ khiến con kiêu ngạo. Còn nhỏ đã tự phụ thì sau này lớn lên khó thành đạt.

- Con người ta, dù học rộng đến đâu thì cũng chỉ như là giọt nước trong đại dương. Cho nên người nào bằng lòng với lượng kiến thức của mình thì thật đáng thương.

- Chỉ dạy về tri thức, nhân cách, thể lực thôi thì chưa đủ mà còn phải thổi được cảm hứng vào trong đó, làm sao để việc dạy và học trở nên thú vị.

- Trẻ em thường sẽ tiêu phí khoảng thời gian thơ ấu của mình vào các trò chơi vô bổ. Nhưng trẻ em có thể tiếp thu một lượng tri thức khổng lồ ở đúng giai đoạn vốn hay bị bỏ qua một cách lãng phí này.

- Đa phần thanh thiếu niên chỉ học thuộc kiến thức và không phát triển tư duy.

Hơn nữa, họ cũng chỉ thụ động ghi nhớ kiến thức của người khác nên đã tự mình làm mai một khả năng đưa ra ý tưởng.

Cha tôi không làm như vậy. Ông không nhồi nhét kiến thức. Ông dạy tôi không nhất thiết phải suy nghĩ giống ông, mà tự tôi phải tìm ra cách tư duy vượt trội hơn cha mình.

Cha tôi cho rằng hễ suy nghĩ thì sẽ hiểu được. Ông thường bảo tự nghĩ và quyết không chỉ dạy khi tôi chưa đưa ra suy nghĩ của mình.

- Nếu đứa trẻ không được yêu cầu những điều ngoài khả năng của mình thì nó không bao giờ có thể phát huy hết tiềm lực vốn có.

- Những đứa trẻ được giáo dục từ sớm và được coi là thần đồng rất dễ có khuynh hướng kiêu căng, tự phụ.

Để tránh điều này cha mẹ cần rèn cho con tính khiêm tốn, bất kể con mình tài giỏi đến đâu.

- Goethe - một vĩ nhân trong nền thi ca thế giới – cũng là một người được giáo dục từ sớm.

Chưa đầy 4 tuổi, Goethe bắt đầu được dạy đọc thông qua những cuốn sách đơn giản có sử dụng những ca từ trong các bài đồng dao.

Lớn hơn một chút, cha của Goethe thỉnh thoảng dẫn con đi dạo quanh vùng Frankfurt và kể cho con nghe về địa lý, lịch sử của những nơi này.

Mẹ của Goethe không chỉ kể chuyện cho con, mà thỉnh thoảng bà còn để Goethe tự đọc và kể lại.

Mỗi lần đọc một đoạn trong cuốn tiểu thuyết nào đó, bà thường dừng lại ít phút để con có thời gian ghi nhớ và tưởng tượng.

Hôm sau, Goethe trao đổi với mẹ những cảm nhận của mình về câu chuyện.

Cứ như vậy kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Việc rèn luyện trí tưởng tượng này thật sự rất hiệu quả đối với Goethe và giúp ông rất nhiều trong sự nghiệp sáng tác sau này.

- Nếu được giáo dục đúng cách ở một môi trường lành mạnh thì ngay những trẻ em không hề có triển vọng, theo quan điểm của thuyết Ưu sinh, vẫn hoàn toàn có thể trở thành nhân tài.

- Nếu chỉ có tư chất thôi chưa đủ. Tư chất đó phải được phát huy trọn vẹn thông qua sự giáo dục từ sớm.

Đáng tiếc là rất nhiều người sẵn có tư chất, nhưng vì không được phát huy nên cuối cùng chỉ trở thành người bình thường. Thiên tài hiếm hoi là vì thế.

- Nếu biết giáo dục khôn khéo, đúng cách thì chúng ta muốn có bao nhiêu thiên tài cũng được. Và điều này đòi hỏi cha mẹ phải nắm bắt thời điểm vàng khi trẻ thể hiện sự hứng thú và tập trung cao độ.

Việc này càng để lâu càng khó và hiệu quả càng ngày càng giảm.

- Có thể xem niềm đam mê được thắp lên từ thời thơ ấu cùng với nỗ lực miệt mài là cơ sở để hình thành thiên tài.

Đam mê chính là phép thuật tạo nên những điều kỳ diệu. Nhưng đam mê này, nếu trong thời thơ ấu không có thì sau này cũng khó mà có được.

- Mozart bắt đầu sáng tác khi mới 4 tuổi, viết nhạc kịch La finta semplice khi 12 tuổi.

Beetthoven cũng sáng tác từ năm 3 tuổi. Weber năm 12 tuổi đã trở thành nhạc trưởng của dàn nhạc cung đình.

Lĩnh vực hội họa, mỹ thuật cũng có nhiều thiên tài được giáo dục từ sớm.

Vernet vẽ tranh từ 5 tuổi và nổi tiếng trước 20 tuổi. Rất nhiều nhà thơ nổi tiếng cũng sớm bộc lộ tài năng.

Pope khi 4 tuổi đã sáng tác thơ bằng tiếng Hy Lạp, Wieland từ 3 tuổi đã đọc sách, 7 tuổi đã đọc thông thạo tiếng La Tinh và có thơ nổi tiếng năm 16 tuổi.

Molière đã sáng tác rất nhiều vở kịch khi mới 10 tuổi. Voltaire đã làm thơ khi mới 12 tuổi.

Pascal nổi tiếng là thần đồng từ năm 12 tuổi và năm 16 tuổi đã hoàn thành luận án về đối tượng của hình học ánh xạ.

Lagrange trở thành giáo sư toán học tại Trường pháo binh Hoàng gia năm 18 tuổi và Maclaurin trở thành giáo sư ở Đại học Aberdeen năm 19 tuổi.

Bacon vào Đại học năm 13 tuổi và hoàn thành tác phẩm Novum Oraganum ngay khi còn là sinh viên.

Clairaud đã công bố luận văn về đường cong thứ tư năm 13 tuổi và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp năm 18 tuổi.

Lessing 15 tuổi đã diễn thuyết bằng tiếng La Tinh về luận đề toán học De Mathematica Barbaroru.

Luật sư Hamilton thông thạo 13 thứ tiếng khi mới 13 tuổi. Bác sĩ Jenner làm ra vaccine đậu mùa khi mới chưa đầy 20 tuổi…

Dù tự học hỏi hay nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, họ đều được lớn lên trong nền giáo dục sớm.

- Nước Nhật có câu thành ngữ Dưỡng dục hơn gia thế. Gia thế là di truyền, còn Dưỡng dục là hoàn cảnh, là sự giáo dục mà trẻ thừa hưởng từ gia đình.

Môi trường sống và sự giáo dục rõ ràng là hai yếu tố quan trọng hơn bộ mã di truyền hay tài năng thiên bẩm.

- Vì muốn trẻ vâng lời, hành động theo ý chúng ta như những con búp bê không hề phản kháng, chúng ta đã dán vào suy nghĩ của trẻ những khái niệm tượng trưng cho sự tưởng thưởng hay trừng phạt như Thiên đường, Địa ngục… Việc này rất nguy hiểm.

- Mục đích của giáo dục là tạo ra những con người lương thiện, giàu tình cảm, có nhiệt tình cống hiến, biết hy sinh vì hạnh phúc của cộng đồng và xã hội.

- Điều quan trọng trong giáo dục là không được nhồi nhét vào đầu óc trẻ các khuôn mẫu và từ ngữ học thuật.

Người lớn thường hành động máy móc, như chiếc xe lửa cứ chạy theo đường ray sẵn có, rồi dạy trẻ hành động và tư duy theo kiểu đó.

Nhưng việc hành động theo thói quen lâu ngày sẽ đánh mất đi tính sáng tạo vốn là điều kiện cần thiết để mở rộng và phát huy khả năng tiềm ẩn của con người, khiến tài năng thui chột.

- Trong việc giáo dục trẻ cần tránh gây áp lực ngay cả khi yêu cầu trẻ làm hoặc không làm một việc gì đó.

- Môn tâm lý học hành vi thừa nhận những hành động cơ bản của trẻ thường bắt đầu ở độ tuổi lên 2 lên 3.

Do đó nếu không được kích thích phù hợp đúng trong giai đoạn này thì cả hành vi, cảm xúc và tâm hồn đều không phát triển được đầy đủ.

- Chúng ta phải nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ thơ, dạy trẻ biết yêu thương và cố gắng phát huy hết khả năng tiềm ẩn của trẻ.

Đặc biệt là việc giáo dục không nhất thiết phải gò trong khuôn phép hay giới hạn trong những suy nghĩ hay ý tưởng cũ của lớp người đi trước.

Giáo dục thực sự phải là sự thường xuyên và kiên trì theo dõi và phát huy khả năng của trẻ, từng chút từng chút một.

- Nếu cha mẹ chú ý việc rèn luyện thể chất cho trẻ thì hoàn toàn không có việc học nhiều có hại như người ta vẫn nghĩ.

- Vận mệnh của nhân loại phụ thuộc vào chất lượng giáo dục, vì vậy, vấn đề giáo dục luôn là vấn đề trọng yếu trong bất kỳ thời đại nào và ở bất kỳ quốc gia nào.

- Sự sợ hãi, những điều u mê, sự kém hiểu biết… đều không tốt cho sự phát triển tinh thần của trẻ mà hậu quả thế nào chắc chúng ta đều biết.

- Nên tránh dạy trẻ những từ địa phương và những từ trừu tượng. Hãy dạy những từ chuẩn. Nếu cố gắng dạy thì trẻ 2 tuổi hầu hết đã có thể nói và phát âm chuẩn.

- Cần tập cho trẻ sử dụng 5 giác quan càng sớm càng tốt, trong đó trước hết phát triển thính giác.

Muốn vậy thì cách tốt nhất là hát cho con nghe. Trẻ được nuôi nấng bởi một người mẹ biết vẽ tranh là điều may mắn.

- Người ta nói trẻ em là một sinh vật sống và cần phát huy tối đa nguồn năng lượng dồi dào vốn có.

Cần cố gắng không lãng phí năng lượng này một cách vô ích để có thể tập trung hiệu quả vào việc phát triển năng lực của trẻ.

Nếu là được điều đó, trẻ sẽ luôn bận rộn với một công việc gì đó, không nhàn rỗi tay chân dẫn đến buồn chán, bực dọc, quấy khóc.

- Trẻ con nói chung rất thích nói, từ lúc nhỏ hễ nhớ được từ nào là lặp đi lặp lại liên tục và tỏ ra rất vui về điều đó.

Hãy tập cho con nhỏ những câu ngắn, đơn giản mà vẫn thú vị. Bé tỏ ra hứng thú và nhớ rất nhanh.

- Các bà mẹ không biết đàn, hát thì có thể cho con nghe từ đĩa. Trẻ nhất thiết phải được lớn lên trong môi trường âm nhạc với các nhịp điệu và tiết tấu. Cũng nên dạy con nhún nhảy theo nhịp bài hát.

- Cần dạy bé cách cầm bút từ sớm. Lúc đầu nên dùng bút chì đỏ. Lần đầu viết được tên mình và được khen bé rất đỗi vui mừng và càng chăm chỉ tập viết.

Khi bé viết được những câu đơn giản nên bắt đầu hướng dẫn bé viết nhật ký. Nhiều bé có nhật ký từ năm 2 tuổi. Cha mẹ cũng nên tự mình viết nhật ký cho con.

Đối với con, đây sẽ là một kỷ vật quý giá, giúp ích cả khi con lớn lên và có gia đình riêng.

- Để bồi dưỡng tình cảm và tâm hồn trẻ, tập cho trẻ tình nhân ái và vị tha, cũng nên cho trẻ nuôi vài con vật nhỏ trong nhà. Có thể là chim Hoàng Yến, chó, mèo hay cá cảnh.

- Có thể mua làm quà cho con quả địa cầu và chỉ cho con các châu lục, các đại dương…

- Để dạy trẻ thì không gì hiệu quả hơn là kể các câu chuyện - chúng giúp trẻ phát triển trí nhớ, kích thích khả năng tưởng tượng, mở mang tri thức.

Giáo dục và bồi đưỡng tri thức cho con trẻ là phải làm sao để con trở thành người có ích, chứ không muốn con lớn lên giống như một số người - đọc hàng ngàn vạn cuốn sách, biết rất nhiều thứ nhưng lại chẳng giúp ích gì cho bản thân và xã hội.

- Nhiều bà mẹ không hứng thú với các trò chơi của trẻ em. Người mẹ vì bận việc nhà mà bỏ mặc con cái tự chơi nghĩa là không hoàn thành nghĩa vụ giáo dục con.

Người lớn luôn phải giám sát khi trẻ con vui chơi, cả ở trong lẫn ngoài nhà.

- Có người nói rằng để bé trai và bé gái chơi với nhau là không tốt. Không phải như vậy.

Khi chơi như thế, bé gái sẽ dịu dàng, nữ tính hơn, còn bé trai sẽ có cơ hội để chứng tỏ sự dũng cảm, khí phách của mình

- Cha mẹ cần tập cho trẻ ngay từ nhỏ sự chuyên cần. Đây là một đặc điểm rất quan trọng trong tính cách con người.

- Sự dũng cảm cũng rất cần thiết đối với trẻ. Có những người mẹ nghĩ rằng khi con bị ngã hay bị đau, nếu không tỏ ra quan tâm thì sẽ làm trẻ tủi thân.

Nhưng thật ra trong những trường hợp đó, cha mẹ cần nhanh chóng chấm dứt những lời an ủi, vỗ về, mà nên hướng sự tập trung của con qua vấn đề khác, làm cho trẻ quên đi cái đau.

- Kiến thức thì khi lớn lên cũng có thể dạy được, nhưng hành vi ứng xử nếu không rèn luyện từ nhỏ thì khi lớn gần như không thể dạy.

Bởi vậy các bậc làm cha mẹ cần chú ý đến hành vi của con trẻ để kịp thời uốn nắn.

- Dối trá là một tính xấu. Trẻ không ý thức được điều đó, lại giàu trí tưởng tượng, nên nhiều khi nói dối mà không cho rằng như vậy là sai.

Việc này cần uốn nắn ngay từ nhỏ, nếu không sẽ dần dần trở thành kẻ nói dối có mục đích và làm tổn hại đến người khác.

- Một nguyên tắc dạy con là không bao giờ trừng phạt bằng roi vọt. Trong việc nuôi dạy trẻ, cha mẹ nên nói nhẹ nhàng, dịu dàng với trẻ ngay cả khi trẻ làm sai.

Cố gắng phân tích đúng sai một cách cặn kẽ để con hiểu.

Thay vì la rày trẻ, cha mẹ hãy cố gắng làm cho trẻ hiểu quy tắc thưởng phạt phân minh trong mọi việc mình làm.

- Để rèn tính kiên trì cho trẻ thì cách tốt nhất là kể những câu chuyện về sự nhẫn nại, quyết tâm vượt khó của các danh nhân.

- Đặc biệt là cha mẹ không được nói dối, vì nếu trẻ phát hiện ra sẽ mất lòng tin vào cha mẹ, việc giáo dục sẽ không thực hiện được, hơn nữa bản thân trẻ sẽ học thói xấu đó và lừa dối người khác.

- Tránh để trẻ sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, tức giận, bất mãn… vì những cảm xúc này ảnh hưởng xấu đến tinh thần trẻ, làm cho trẻ suy yếu cả thể chất lẫn tinh thần, sinh ra bệnh tật và không phát triển được.

- Rất nhiều bà mẹ không hiểu được tầm quan trọng của việc dạy trẻ từ trong bào thai, mà hiện nay vẫn gọi là thai giáo.

- Một trong những đòi hỏi quan trọng nhất trong việc nuôi dưỡng con trẻ chính là sự giáo dục trong gia đình.Và nhất là trong giai đoạn trước tuổi đến trường.

- Đừng nên tin vào quan điểm cho rằng tài năng là do trời phú.

- Giáo dục sớm không phải là dạy đọc viết sớm, mà là làm phong phú vốn từ vựng cho trẻ qua việc nói, hát, đọc cho trẻ nghe.

- Cha mẹ cần nuôi dưỡng tham vọng cho con trẻ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024