Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Suối nguồn tươi trẻ

31/07/2020 08:00
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Suối nguồn tươi trẻ

Tất cả những ai chán nản, mặc cảm, cho rằng mình không xứng đều là những người có thể chẳng bao giờ được nhận lãnh những phần thưởng của cuộc đời.

Bác sĩ Peter Kelder là con nuôi trong một gia đình ở Trung Tây nước Mỹ. Từ tuổi thiếu niên ông đã thám hiểm nhiều vùng đất xa xôi và hoang dã của thế giói. Ông là một người uyên bác, tinh tế. Niềm đam mê cả đời ông là sách, thư viện, văn chương và thơ ca.

Kelder gặp đại tá Bradford, nhân vật chính trong sách "Suối nguồn tươi trẻ" vào năm 1930, tại nơi ông viết cuốn sách này. Đây là cuốn sách đã được khen ngợi trên toàn cầu trong suốt hơn 70 năm qua.

Sách được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành với bản dịch của Lê Thành.


Đại tá Bradford từng phục vụ trong Đoàn ngoại giao Hoàng gia, vậy nên ông mới có dịp chu du quanh thế giới. Khi trú đóng tại Ấn Độ, tại một huyện lỵ có một câu chuyện thú vị liên quan tới một nhóm Lạt Ma hay còn gọi là các nhà sư Tây Tạng. Nhóm Lạt ma này đang nắm giữ bí quyết về Suối nguồn tươi trẻ. Tu viện của các vị Lạt Ma này nằm sâu khuất trong một hốc núi của dãy Himalaya.- Một chiều cách đây vài năm, khi tôi đang ngồi đọc báo trong công viên thì một cụ già xuất hiện. Tôi không ngờ rằng cuộc gặp gỡ này đã thay đổi hẳn cuộc đời tôi.

Khi bước vào tuổi 40, cơ thể của Đại tá cũng bắt đầu tiến trình lão hóa như hầu hết mọi người. Ông thuật lại với tôi rằng, ông quyết định phải sang hẳn Ấn Độ để đích thân tìm kiếm tu viện cùng cái bí quyết trường sinh. Về sau ông kể rằng ngay khi đặt chân đến Ấn Độ ông đã nhằm thẳng hướng biên giới Tây Tạng, tìm đến cái huyện nơi huyền thoại Suối nguồn tươi trẻ được cho là tồn tại.

Ông kể mình đã tìm ra cái tu viện cất giữ bí mật trường sinh và cải lão hoàn đồng trong truyền thuyết.

- Điều đầu tiên các Lạt Ma dạy tôi là thân thể con người có bảy trung tâm năng lượng gọi là Luân xa. Bảy Luân xa này tuy không thể trông thấy bằng mắt thường nhưng hoàn toàn có thực. Mỗi Luân xa điều khiển hoạt động một trong bảy tuyến nội tiết của cơ thể và nhiệm vụ của chúng là kích thích sản xuất hormone. Chính những hormone này điều hành toàn bộ chức năng của các cơ quan nội tạng và cả tiến trình lão hóa.

Luân xa đầu tiên nằm ở tuyến sinh dục. Luân xa thứ hai nằm ở tuyến thượng thận. Luân xa thứ ba ở tuyến tụy. Luân xa thứ tư tại tuyến ức. Luân xa thứ năm ở tuyến giáp trạng. Luân xa thứ sáu ở tuyến yên. Luân xa thứ bảy nằm tại tuyến tùng.

Khi tất cả đều xoáy với một tốc độ cực nhanh, cơ thể đang ở trạng thái toàn hảo. Khi có một hoặc nhiều Luân xa bị chậm lại thì tuổi già và suy thoái bắt đầu tiến trình xâm thực.

- Với một người khỏe mạnh, những Luân xa đó sẽ giúp lan tỏa sinh lực ra đến tận bề mặt da. Ngược lại, những Luân xa này khó mà tạo được tác động tương tự với một cơ thể già nua, bệnh hoạn. Cách nhanh nhất để giành lại sự tươi trẻ, sức khỏe và sinh lực là làm cho những Luân xa này hoạt động bình thường trở lại.

Để đạt mục đích này, chúng ta cần đến 5 bài tập. Nếu mục tiêu bạn nhằm đến là kết quả tối ưu thì bạn không nên bỏ sót một bài tập nào. Ở Himalaya, các Lạt Ma gọi chúng là những “thức”.

- Thức thứ nhất là một phương pháp tập rất đơn giản. Để bắt đầu, ta chỉ cần đứng thẳng, hai tay dang ngang song song với mặt đất, lòng bàn tay úp xuống và xoay tròn tại chỗ đến khi hơi chóng mặt.

Lưu ý, xoay tròn cơ thể từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ.

Các Lạt Ma chỉ xoay khoảng chục vòng mỗi lần, đủ để khởi động các Luân Xa mà thôi.

- Thức thứ hai còn đơn giản hơn cả thức thứ nhất. Đầu tiên ta nằm ngửa trên sàn, mà tốt nhất nên nằm trên một tấm thảm dầy.

Tiếp theo, hãy đặt hai cánh tay sát hông, lòng bàn tay úp xuống, các ngón tay sát vào nhau. Sau đó ta nhấc đầu lên khỏi sàn và chạm cằm vào ngực. Vừa giữ tư thế đó vừa giơ hai chân lên thẳng đứng. Nhớ là đầu gối phải thẳng. Vươn chân hết cỡ về phía đầu và đừng quên là đầu gối phải luôn được giữ thẳng. Sau đó từ từ hạ đầu và hai chân xuống sàn, đầu gối vẫn giữ thẳng. Thả lỏng cơ bắp rồi lặp lại thức tập này.

Hãy tuân theo nhịp thở cho mỗi lượt thực hành. Hít sâu khi nhấc đầu và hai chân lên. Thở ra hết cỡ khi hạ đầu và hai chân xuống. Ngay cả trong các khoảng nghỉ giữa mỗi lần tập lại thức tập, trong khi thả lỏng cơ bắp vẫn tiếp tục hít thở theo nhịp như vậy, càng hít thở sâu càng tốt.

- Thức thứ ba cần phải được thực hành ngay sau thức thứ hai. Ta chỉ cần quỳ gối trên sàn và giữ thẳng thân người.

Hai bàn tay áp sát đùi, sau đó nghiêng đầu và cổ về phía trước, cằm chạm vào ngực. Tiếp đến, ngửa đầu và cổ ra sau, càng xa càng tốt, đồng thời ngả người ra sau, cong hẳn cột sống. Khi cong mình như thế, bàn tay nên ôm lấy đùi để làm điểm tựa. Cuối cùng, ta trở về tư thế ban đầu và lặp lại toàn bộ thức thứ ba thêm lần nữa.

- Thức thứ tư thực hiện như sau: Trước tiên, ta ngồi thẳng lưng trên sàn nhà, hai chân duỗi ra phía trước, hai bàn chân đặt cách nhau khoảng 20 cm, lòng bàn tay úp xuống sàn bên cạnh mông.

Sau đó, cúi đầu sao cho cằm chạm ngực. Tiếp đến, ta ngửa đầu hết cỡ ra phía sau, đồng thời co đầu gối và nhấc thân mình lên, hai cánh tay giữ thẳng. Với tư thế này, thân mình sẽ song song với sàn nhà, thẳng góc với hai cánh tay và hai cẳng chân. Tiếp theo, ta gồng căng mọi cơ bắp của cơ thể. Cuối cùng, hãy thả lỏng cơ bắp và quay về tư thế ngồi ban đầu. Hãy nghỉ một lúc rồi tập lại các động tác của thức tập này.

Ta phải hít thật sâu khi nhấc thân mình lên và thở ra thật sâu khi hạ người xuống. Tiếp tục duy trì nhịp thở này khi tạm nghỉ giữa các lần tập.

- Thức thứ năm, ta chống hai cánh tay xuống sàn nhà, cong cột sống và uốn thân trên lên theo hướng thẳng đứng.

Chú ý là thân không tiếp đất và hai bàn chân phải gồng căng để đỡ trọng lượng cơ thể, đầu ngón chân cong lại. Đầu ngả hết cỡ ra phía sau. Sau đó ta nâng hông lên cao, tạo thành hình chữ V ngược, rồi cúi đầu tới trước để cằm áp sát vào ngực.

Thực hành xong ta trở lại tư thế ban đầu và lặp lại toàn bộ thức tập này. Hãy hít vào thật sâu khi nâng người lên và thở ra hết khi hạ người xuống.

- Để bắt đầu nên thực hành mỗi ngày một buổi, mỗi buổi tập lại từng thức tập ba lần.

Trong những tuần kế tiếp hãy lặp lại từng thức thêm hai lần nữa trong mỗi buổi tập. Cứ thế đến khi thực hiện được 21 lần tập cho từng thức trong mỗi buổi tập.

Thực hành 5 lần mỗi thức trong tuần lễ thứ hai, 7 lần trong tuần lễ thứ ba, 9 lần trong tuần lễ thứ tư… Sau 10 tuần có thể thực hiện được 21 lần mỗi thức cho mỗi ngày.

- Ta có thể thực hành vào buổi sáng hoặc buổi tối, buổi nào thuận tiện nhất cho mình là được.

Sau khoảng 4 tháng tập luyện những thức này, ta có thể tập cả hai buổi, nhưng chỉ tập đủ 21 lần vào buổi sáng, còn buổi tối thì 3 lần mỗi thức rồi từ từ tăng số lần luyện tập lên, cho đến khi thực hành đủ 21 lần.

- Nếu bạn đang theo một chương trình thể dục nào đó thì cứ tiếp tục. Bất cứ hình thức thể dục nào, nhất là những bài thể dục có lợi cho tim và phổi, đều sẽ giúp cơ thể duy trì sự quân bình và tươi trẻ.

Năm thức tập sẽ giúp bạn đưa vòng quay của các Luân xa vào chuẩn mực thông thường, giúp cơ thể càng dễ dàng đón nhận những thành quả do các bài thể dục mang lại hơn.

- Bạn phải giữ nhịp thở đều và sâu trong những khoảng nghỉ khi lặp lại một thức tập.

Ngoài ra, giữa mỗi thức, bạn nên đứng thẳng người, hai tay đặt lên hông trong khi vẫn đều đặn duy trì nhịp thở sâu.

Khi thở ra bạn hãy tưởng tượng mình đang đẩy mọi căng thẳng chất chứa bên trong cơ thể ra để được thư giãn và nhẹ nhõm hơn.

Còn khi hít vào, hãy tưởng tượng bạn đang rót đầy bản thân bằng cảm giác thoải mái và toàn mãn.

Sau khi tập bạn nên tắm bằng nước ấm hoặc nước mát. Tốt hơn nữa, bạn nên lau người nhanh bằng một chiếc khăn ấm, rồi sau đó lau bằng khăn khô.

- Thức thứ sáu chỉ phát huy tác dụng khi bạn đã đạt được những kết quả tốt đẹp qua năm thức tập trước đó.

Đứng và thở ra một hơi dài. Gập người lại và chống hai tay lên đầu gối. Đẩy hết phần không khí còn lại ra ngoài.

Trở lại tư thế đứng thẳng. Chống hai tay lên hông và nhấn xuống, đẩy hai vai nhô lên. Thóp bụng lại và nâng lồng ngực lên.

Giữ nguyên như vậy càng lâu càng tốt. Hít vào thật sâu bằng mũi. Thả lỏng hai cánh tay, đồng thời thở ra bằng miệng. Hít thở sâu vài lần.

- Không ăn chế phẩm tinh bột trong cùng một bữa với thịt, về lâu dài chúng không có ích gì cho sức khỏe của bạn.

Nếu thấy cà phê khó uống hay khó tiêu, hãy uống cà phê đen, không pha sữa hay kem. Nếu uống đen mà vẫn khó chịu thì bạn cứ bỏ hẳn cà phê đi.

Nhai kỹ thức ăn cho đến khi thành chất lỏng và giảm dần lượng thức ăn mà bạn tiêu thụ.

Mỗi ngày ăn một lòng đỏ trứng gà tươi trước hoặc sau bữa ăn, không ăn trong bữa. Giảm số món ăn khác nhau trong mỗi bữa ăn xuống mức tối thiểu.

- Theo Lời giới thiệu của nhà xuất bản Harbor Press thì một khi bạn đã đọc cuốn sách này và quyết định đi vào con đường tập luyện bạn hãy tâm niệm hai điều sau:

Thứ nhất, hãy nhận thức rằng mình hoàn toàn có khả năng vượt hẳn người khác. Nếu không tâm niệm như thế, cuốn sách này sẽ không hấp dẫn với bạn.

Thứ hai, bạn phải nhận thức rằng mình xứng đáng đạt được những gì mình ao ước, ngay cả khi điều bạn ao ước là sức sống và vẻ ngoài tươi trẻ.

Bởi tất cả những ai chán nản, mặc cảm, cho rằng mình không xứng đều là những người có thể chẳng bao giờ được nhận lãnh những phần thưởng của cuộc đời.

Những ai biết lấp đầy tâm hồn mình bằng lòng quý trọng bản thân và yêu thương cuộc đời thì mọi sự trong cuộc sống của họ đều trở nên khả hữu.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024