Đừng sợ lỡ cuộc chơi: Để có một tâm trí ngăn nắp

06/05/2021 08:30
Đừng sợ lỡ cuộc chơi: Để có một tâm trí ngăn nắp

Con người thường có xu hướng nhồi nhét quá nhiều quyết định tủn mủn vào cuộc sống.

 

Trung bình mỗi ngày, chúng ta đưa ra hàng nghìn quyết định, dù đó là những lựa chọn có ý thức, hay tự động diễn ra theo quán tính. Vậy hãy thử nghĩ xem, cuộc sống sẽ trở nên thế nào nếu ta dùng toàn bộ tâm trí mình cho từng quyết định? Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ tủn mủn như "hôm nay mặc áo màu gì", đến những chuyện quan trọng như "giờ mình nghỉ việc thì có đem lại rủi ro gì không"?

Lo lắng về chuyện lớn là điều dễ hiểu, vì nó có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời bạn. Nhưng nếu quyết định nào cũng khiến bạn trăn trở, thì bạn chỉ đang tự làm cuộc sống mình trở nên khó khăn hơn mà thôi.

Vậy làm sao để đặt những quyết định lên bàn cân và biết được, đâu là điều mình cần lưu tâm, đâu là điều mình nên phó mặc cho vũ trụ?

Đừng sợ lỡ cuộc chơi: Để có một tâm trí ngăn nắp - 1

Mô hình 3 nhóm quyết định trong "Đừng sợ lỡ cuộc chơi"

Trong cuốn sách "Đừng sợ lỡ cuộc chơi" bàn về cách con người đưa ra quyết định, tác giả Patrick J. McGinnis đã vẽ ra mô hình mang tên Nhóm quyết định để bạn đọc tự định giá các vấn đề của mình, bao gồm: Quyết định mang lại giá trị cao, Quyết định mang lại giá trị thấp, và Quyết định không mang lại giá trị.

Mục tiêu của việc phân chia này là để bạn đơn giản hóa mọi thứ diễn ra trong đầu. Quan trọng hơn, Patrick tin rằng, ta nên dành trọn tâm trí của mình cho những Quyết định mang lại giá trị cao - những lựa chọn buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng vì nó tác động nhiều đến cuộc đời từ trung hạn đến dài hạn. Việc này giúp ta giải tỏa bớt những căng thẳng không đáng có, và giành lại "mảnh đất quý giá" trong bộ não cho những điều sẽ giúp ta tiến xa hơn trong cuộc sống.

Chẳng hạn như câu chuyện về người sáng lập Apple - Steve Jobs. Trong khi mọi người sẵn sàng dành cả tiếng đồng hồ mỗi ngày cho việc chọn lựa trang phục, thì Steve luôn xuất hiện với chiếc áo cổ lọ đen, quần jeans xanh và đôi giày thể thao. Đó là vì "đối với một số người, việc chọn trang phục mỗi ngày là một cách thể hiện bản thân, nhưng đối với Steve Jobs, đó chỉ là chuyện vặt".

Dành trọn tâm trí cho Quyết định mang lại giá trị cao, với 2 nhóm quyết định còn lại, thay vì "phó mặc cho vũ trụ", Patrick đem đến cho bạn đọc giải pháp để dọn sạch những suy nghĩ tủn mủn trong tâm trí.

Có một tâm trí ngăn nắp nhờ biết cách ngó lơ những điều không quan trọng

1. Quyết định không mang lại giá trị: Áp dụng nguyên tắc 1/2 chiếc đồng hồ

Đây là những vấn đề mà khi ta chọn A hay B đều không có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới, và dĩ nhiên là cả tương lai của mình, chẳng hạn như "hôm nay nên mặc sơ-mi xám hay đen" vậy.

Với những vấn đề không có kết quả đúng - sai này, theo Patrick, mỗi người hãy tự tin đặt cược số phận mình vào tay tạo hóa, hay chính xác hơn là chiếc đồng hồ.

Luật chơi rất đơn giản: Ta chỉ cần thu hẹp quyết định của mình về 2 phương án: Có - không, hoặc cái này - cái kia. Sau đó, ta quy định mỗi lựa chọn cho mỗi bên của đồng hồ, rồi nhìn xem, chiếc kim giây của đồng hồ đang chỉ về phía bên nào. Vậy là bạn đã có đáp án! Nếu đồng hồ không có kim giây, thì hãy quy định số chẵn - số lẻ.

Nguyên tắc ½ chiếc đồng hồ chính là giải pháp cho những vấn đề vô cùng tủn mủn mà Patrick đã được Francesca - bạn học thời sinh viên - giới thiệu khi anh trăn trở "mình nên học bài rồi ăn trưa, hay ăn rồi học". Có thể bạn sẽ phì cười, nhưng rồi ngẫm lại, bạn thấy đâu đó hình ảnh của chính mình - bỏ nhiều thời gian và công sức cho những chuyện chẳng đâu vào đâu.

"Bằng một cách kỳ lạ nào đó, dường như chiếc đồng hồ và trí tuệ siêu việt của nó luôn biết tôi muốn gì", Patrick cho hay. Anh tin rằng, với những quyết định không mang lại giá trị, ta nên phó mặc nó cho chiếc đồng hồ và xem như đó là một trò chơi kỳ quặc giúp cuộc sống thêm phần thú vị.

Đừng sợ lỡ cuộc chơi: Để có một tâm trí ngăn nắp - 2

Bìa cuốn sách.

2. Quyết định mang lại giá trị thấp: Ủy thác cho đồng đội

Khác với các Quyết định không mang lại giá trị, các Quyết định mang lại giá trị thấp luôn tồn tại một câu trả lời đúng. Nhóm quyết định này thường dành cho chuỗi những hành động được lặp đi lặp lại, chẳng hạn như địa điểm hẹn hò hay mặc gì trong các dịp trọng đại.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng, việc ra quyết định cũng sẽ khiến ta trăn trở, vì khi ấy, "FOMO thúc đẩy bạn cố gắng làm tất cả mọi thứ, trong khi FOBO xúi giục bạn đừng chọn bất cứ điều gì vì sợ rằng không nhận được kết quả tối ưu", Patrick chia sẻ. FOMO và FOBO là 2 thuật ngữ được Patrick giới thiệu, đại diện cho nỗi sợ bỏ lỡ và nỗi sợ có lựa chọn tốt hơn, hai nỗi sợ phổ biến khiến trì trệ các quyết định.

Trong "Đừng sợ lỡ cuộc chơi", Patrick chỉ ra, nếu mỗi người để ý, họ sẽ nhận ra trong danh sách bạn bè luôn có ít nhất một người sở hữu gu thẩm mỹ tuyệt vời, hoặc một ai khác nắm sẵn trong tay danh sách những nhà hàng ngon nhất trong thành phố. Mọi thứ đều có sẵn, chỉ cần ta chịu ủy thác.

"Trong công việc, đó là đồng nghiệp, nhân viên hành chính; ngoài công việc, đó là bạn đời, gia đình, bạn bè hoặc những người mà bạn tin tưởng và luôn quan tâm đến lợi ích của bạn. Tất cả đều là đồng đội của bạn", Patrick chia sẻ trong "Đừng sợ lỡ cuộc chơi".

Tuy nhiên, khi trao quyền cho người khác, có 2 điều cần lưu ý. Thứ nhất, bạn phải luôn thiết lập các tiêu chí cơ bản và thường xuyên trao đổi với người được ủy thác để chắc chắn rằng, mọi việc đang đi đúng hướng. Thứ hai, tuyệt đối không thăm dò ý kiến đám đông và áp đặt lên người được trao quyền. Do đó, ta cần phải tuyệt đối tin tưởng, và chắc chắn việc đó nằm trong khả năng xử lý của họ.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng "một vấn đề có vẻ nhỏ đối với bạn lại có thể là một trách nhiệm lớn lao đối với người khác", và ngược lại. Do đó, chỉ có bạn mới biết mình cần gì, nên ưu tiên điều gì và phải làm gì để có thể đến được đích đến mà mình muốn.

Patrick J. McGinnis là nhà văn, diễn giả, nhà đầu tư mạo hiểm. Trong cuốn sách "Đừng sợ lỡ cuộc chơi", Patrick giới thiệu 2 nỗi sợ phổ biến, ảnh hưởng đến cách con người ra quyết định: FOMO (Fear Of Missing Out, nỗi sợ bỏ lỡ) và FOBO (Fear Of a Better Option), nỗi sợ còn có lựa chọn tốt hơn.

Kerry Kennedy, tác giả sách bán chạy theo New York Times, bình luận về cuốn sách: "Dù là với những tiểu tiết trong cuộc sống hay với những giao lộ lớn của đời người, thì việc đưa ra quyết định cũng đều có thể gây căng thẳng và tốn nhiều công sức. Trong cuốn sách rất cần thiết và kịp thời này, Patrick J. McGinnis sẽ chỉ ra cho bạn tại sao chúng ta không nhất thiết phải khổ sở như vậy".

Thuận Nguyễn


Gửi bình luận
(0) Bình luận