Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Sara Ryding thuộc trường Khoa học môi trường đại học và đời sống (đại học Deakin) ghi nhận trong 150 năm qua, kích thước mỏ các loài vẹt tại Úc như vẹt gang-gang hay vẹt lưng đỏ tăng trung bình 10% cùng với mức nhiệt độ tăng tại môi trường tự nhiên nơi chúng sống.
Vẹt không phải nạn nhân duy nhất. Một số loài chim khác tại Úc và Bắc Mỹ cũng tăng kích thước mỏ, tai chuột đồng đuôi dài trở nên to hơn, vài loài dơi cũng sở hữu đôi cánh lớn hơn.
Bộ phận kích thước lớn làm tăng diện tích bề mặt để giải phóng thân nhiệt, qua đó giúp động vật sống sót tốt hơn dưới điều kiện thời tiết nóng. Theo tiến sĩ Ryding: “Gia tăng không nhất thiết có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng vẫn quan trọng về mặt chức năng”.
Dù tiến hóa không ngừng xảy ra kể từ lúc sự sống xuất hiện trên Trái đất, tiến sĩ Ryding vẫn lo ngại quá trình này diễn biến quá nhanh. Nhóm của bà thông qua xem xét hàng loạt tài liệu nghiên cứu xu hướng thay đổi hình dạng của động vật trước biến đổi khí hậu phát hiện tình trạng thích nghi tràn lan xảy ra sớm so với dòng thời gian biến đổi khí hậu dự kiến.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu vào tháng 8 từng cảnh báo mục tiêu hạn chế mức nóng lên toàn cầu trong vài thập kỷ tới ở 1,5 - 2 độ C nằm ngoài tầm với trừ phi các quốc gia giảm phát thải quy mô lớn và ngay lập tức.
“Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Tuy tiến hóa có thể là quá trình chậm kéo dài hàng nghìn năm hoặc hơn, nhưng chúng ta cũng biết rằng sự chọn lọc mạnh mẽ có thể thúc đẩy thay đổi tiến hóa diễn ra nhanh hơn”, tiến sĩ Ryding phân tích.
Sự chọn lọc mạnh mẽ mà tiến sĩ Ryding nhắc đến chính là cường độ chọn lọc tự nhiên: nếu chỉ 1 trong 10 thành viên của một loài sống sót khi khí hậu ấm lên nhờ phần cơ thể nào đó tăng kích thước, 9 thành viên còn lại sẽ không sống đủ lâu để truyền lại gien cho thế hệ tiếp theo.