Kuching là một thành phố đa sắc tộc gồm người Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và các bộ lạc địa phương như Iban, Bidayuh, Orang Ulu, Melanau... Có nhiều cách giải thích về nguồn gốc tên gọi Kuching. Khi vương công Anh James Brooke, người cai quản Sarawak đến Kuching vào năm 1839, ông chỉ vào khu dân cư và hỏi tên nơi này. Một người địa phương tưởng ông chỉ con mèo vừa đi qua nên trả lời là “Kuching”, nghĩa là mèo.
Cư dân bản địa yêu quý mèo, xem mèo là biểu tượng may mắn, giúp kiểm soát côn trùng. Năm 1950, chính quyền sử dụng hóa chất diệt muỗi và chuột mang mầm bệnh sốt rét, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, khiến mèo bị vạ lây chết hàng loạt. Không quân Hoàng gia Anh đã thực hiện đặc vụ “Operation Cat Drop”, thả 14.000 con mèo vào vùng này.
Hình ảnh những chú mèo ăn sâu vào cuộc sống người dân Kuching. Các tượng đài mèo có mặt khắp chốn, đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc, chất liệu, trạng thái và sống động đến kinh ngạc. Mèo hiện diện trên đường phố, quảng trường, công viên cho đến cửa hàng, cơ quan và gia đình. Có hẳn trường học mang tên mèo (I CATS - Trường cao đẳng Quốc tế Công nghệ Sarawak).
CATS FM là Đài phát thanh địa phương… Nơi cao nhất của thành phố, trên một trụ cao là hình ảnh cán cân công lý và mèo bằng vàng cùng bốn mèo trắng bên dưới. Meow Meow Cat Café ở gần sông Sarawak là không gian mèo dành cho những người mê mèo nhưng không có điều kiện. Ở đây, có nhiều giống mèo như mèo Kiwi to lớn, lông trắng xù; mèo Bengal Suria vương giả; mèo Ba Tư Honey mắt to tròn; mèo April lông dài màu xám…
Bảo tàng mèo
Ấn tượng nhất của thành phố Kuching là bảo tàng mèo. Trên thế giới hiện có 8 bảo tàng mèo, Kuching Cat Museum là bảo tàng duy nhất ở ASEAN. Nằm trên quả đồi nhỏ cao 60m trong khu vực Tòa thị chính Kuching, bảo tàng có diện tích 1.035m2 và trưng bày hơn 4.000 hiện vật về mèo, từ tranh, ảnh, tượng, đồ lưu niệm của đại gia đình mèo qua 5.000 năm lịch sử.
Khai trương vào năm 1993, Bảo tàng mèo Kuching là điểm hẹn lý thú của những ai yêu thích mèo, trong đó có rất nhiều học sinh, sinh viên các trường đến nghiên cứu học tập. Bảo tàng như một từ điển phong phú, sống động làm ngạc nhiên du khách, từ cách trang trí, trưng bày và những thông tin về mèo.
Cửa ra vào là chiếc đầu mèo khổng lồ đang há miệng “nuốt và nhả” khách. Không gian tràn ngập muôn mặt mèo với đủ loại cảm xúc, trạng thái mèo khắp thế giới. Bảo tàng còn có phòng chiếu phim tư liệu, các tượng mèo thiếu mặt để du khách đưa mặt mình vào thay thế để chụp những tấm ảnh ngộ nghĩnh. Ngoài ra, nơi đây còn có vô số quà lưu niệm về mèo, từ tranh, tượng, gối ôm, gối cổ cho đến xâu chìa khóa, miếng gắn tủ lạnh...
Những điều mới biết về mèo
Mèo là thú nuôi trong nhà, phục vụ đời sống con người. Xưa người ta nuôi mèo để bắt chuột, còn nay nuôi mèo chủ yếu làm thú cưng. Ở Việt Nam, mèo xếp thứ tư trong 12 con giáp, được gọi là Mão hay Mẹo. Các nước khác, mèo được thay bằng thỏ.
Tổ tiên mèo nhà là mèo rừng châu Phi, được thuần hóa hơn 9.500 năm và trở thành vật cưng phổ biến nhất của con người. Nếu chó được xem là tuyệt đối trung thành, chỉ phục vụ chủ thì mèo được xem là bạn, hay nhõng nhẻo và được cưng chiều.
Mèo nhà gồm 69 loài, có lông mịn và đuôi dài nhưng vài loài nhẵn thín và không có đuôi; nặng trung bình từ 2,5kg - 7kg. Guiness mèo nhí chỉ nặng 1,8kg; còn vô địch mèo bự nặng 23kg; tuổi thọ trung bình 14 - 20 tuổi, mèo nhà thọ hơn mèo rừng.
Mèo có thể chạy với vận tốc hơn 48km/h và bật cao 2,3m. Không có xương đòn cứng, mèo dễ dàng chui qua những lỗ nhỏ, chỉ cần lọt đầu. Tai mèo cấu tạo đặc biệt, luôn vểnh cao và xoay nhẹ như một thứ ngôn ngữ cơ thể.
Mèo ngủ nhiều, ban đêm hiếu động hơn ban ngày. So với con người, thân nhiệt mèo cao hơn 2 độ, nhịp tim gấp đôi. Tính khí mèo thay đổi tùy giống, hoàn cảnh, giới tính. Mèo cái quấn chủ hơn mèo đực. Mèo lông ngắn thường gầy và siêng, mèo lông dài thường to và biếng.
Mèo bước rất chính xác, dùng đầu các ngón chân, vuốt cúp vào, chân sau luôn đặt lên dấu chân trước. Chúng thích trèo cao vì dễ quan sát, có phản xạ thăng bằng cực tốt khi ngã từ trên cao. Khứu và thính giác không nhạy như chuột nhưng thị, vị và xúc giác thì hơn hẳn, nhất là vào ban đêm.
Mắt mèo có nhiều màu, phổ biến là vàng, xanh lá, cam. Nếu mắt xanh dương là bị điếc. Do khuyết tật bẩm sinh di truyền, mèo không cảm nhận được vị ngọt nên không thích đường, rất ghét socola. Sạch sẽ nhưng sợ nước, mèo thường dùng nước bọt bôi vào chân rồi xoa lên mặt và toàn thân, nhất là khi ngủ dậy hay đi chơi về. Khi vệ sinh, mèo dấu nhẹm chất thải.
Tại Nhật Bản, tượng mèo Maneki Neko là biểu tượng phú quý, giàu có. Thánh Muhammad của đạo Hồi có nuôi mèo cưng tên là Muezza…