Nghệ nhân Phan Lạc Hùng, 67 tuổi, sinh ra và lớn lên tại thôn Sen, xóm Chùa, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngôi làng từ xưa đã nổi tiếng với nghề mộc, đồ gỗ chất lượng cao "xuất xưởng" đi khắp tỉnh thành trên cả nước.
Ông Hùng không qua bất kì trường lớp đào tạo nào nhưng những bài học mà các cụ truyền dạy, cộng với "gen di truyền" đam mê đã giúp ông nâng cao tay nghề mộc, đến nỗi "ai trong làng cũng biết đến". Hơn 50 năm, ông nhận xây dựng, thiết kế công trình. Đến căn nhà 3 tầng cả gia đình đang ở, cũng một tay người nghệ nhân lão luyện lên bản vẽ và thiết kế.
Thời gian gần đây, ông Hùng nổi tiếng vì đã cho ra đời mô hình bằng gỗ gụ siêu nhỏ, có tỷ lệ 1/1.002, nặng 60kg, mô phỏng đình làng Hữu Bằng - nơi cả cuộc đời ông gắn bó. Mỗi khi nhắc về ngôi đình có niên đại gần 350 năm tuổi, trong ánh mắt và lời nói của ông, đều ẩn chứa niềm tự hào mãnh liệt.
Đình làng Hữu Bằng thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, xưa được gọi với tên nôm là đình Kẻ Nủa, được công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa năm 1989, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía Tây
Nghệ nhân Phan Lạc Hùng bên mô hình đình làng thu nhỏ tỷ lệ 1/1.002
Góc nhìn từ giữa "sân đình" hoàn hảo từng chi tiết
Các gian nhà được nhìn từ trên cao
Trải qua chiến tranh, bom đạn, nhưng đình làng Hữu Bằng vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu, nơi lưu giữ những nét văn hóa, nơi người dân xóm Chùa nói riêng hay xã Hữu Bằng nói chung cùng sinh ra, lớn lên rồi già đi.
"Đình làng đẹp lắm, hiếm khi nào tôi thấy công trình hàng trăm năm tuổi vẫn giữ nguyên dáng vẻ như ban đầu. Ngôi đình gắn bó với tôi suốt cả cuộc đời, từ hình ảnh mái đình cho đến các cột, kèo đã in sâu vào tâm trí", ông Hùng kể.
Người nghệ nhân dành 2 năm nghiên cứu, lên ý tưởng chế tác mô hình đình làng bằng gỗ gụ. Mỗi ngày ông đều ra đình làng quan sát kết cấu các gian, cột, kèo dựng, thậm chí cả các tiểu tiết trên mái. Ông chụp ảnh, lưu giữ, về nhà tiếp tục mạch suy nghĩ.
"Ngắm đình cả cuộc đời rồi tôi vẫn thấy đình làng tôi quá đẹp", ông tấm tắc.
Trước khi bắt tay vào chế tác, ông tìm mua dụng cụ mài, dũi, tiện, lưỡi dao,... Tất cả khoảng 30 chiếc. Nếu chợ làng không bán, ông lặn lội ra quận Hà Đông. Với công trình này, ông "làm đến đâu, vẽ đến đấy", không cần bản vẽ cụ thể, mọi hình ảnh thiết kế đều "nằm sẵn trong đầu".
Nghệ nhân Phan Lạc Hùng đã dành 5 năm để "thu nhỏ" đình làng ngoài đời thực
Mặt sau của đình làng
Sự tài hoa thể hiện qua từng chi tiết nhỏ nhất
Giữa năm 2018, nghệ nhân Phan Lạc Hùng chính thức bắt tay vào chế tác. Nguyên liệu là gỗ gụ. Mỗi ngày, ông dành 6 - 8 tiếng thao tác các công đoạn gia công phức tạp. Ông tỉ mẩn từ chi tiết nhỏ nhất như tấm ngói bằng gỗ ép, đến cái mộng nhỏ trên cột, khung cửa hình chữ thọ sao cho giống với bản chính một cách hoàn hảo nhất.
Sau đó, ông gắn keo, thêm cây tùng, cây hoa đại siêu nhỏ. Tuổi già mắt kém, để làm được mô hình đình làng, ông Hùng sử dụng bộ kính lão từ 2,5 - 4 độ tùy từng chi tiết to hay nhỏ.
Từ phần móng, dựng cột, làm gian giữa, gian phụ, đến lợp mái,... đều yêu cầu độ chính xác cao và sự tỉ mỉ. Bởi nếu sai, ông không muốn làm lại ngay vì có quá nhiều chi tiết. "Mỗi bước, mỗi công đoạn tôi buộc phải làm cẩn thận, chậm cũng được nhưng phải đúng", ông nói.
Theo lời ông Hùng, mái đình bản thực được dựng từ 100.000 viên ngói, nhưng bản mô hình chỉ khoảng 75.000 viên. Mỗi ngày, ông dập được 1.500 viên và mất đến 2 tháng mới làm xong toàn bộ chi tiết mái ngói.
Phía bên phải của đình làng được mô phỏng hoàn hảo trong phiên bản thu nhỏ
Đến từng bậc thềm cũng được chế tác hoàn chỉnh
Nghệ thuật chạm khắc ở đình Hữu Bằng được đánh giá là rất đặc biệt, nhất là các mảng chạm khắc hình rồng
Thiết kế 2 tầng mái của ngôi đình
Đi vào phía trong, hai bên sân gạch rộng là hai dãy tả, hữu vu, mỗi dãy đều gồm 7 gian; bộ khung gỗ bào trơn đóng bén
Không chỉ dành thời gian ban ngày, nhiều đêm, ông không tài nào ngủ được, trằn trọc suy nghĩ "làm cách nào có thể biến đình làng thành mô hình thu nhỏ". Thậm chí vào mùa hè, trời nắng nóng, ông không dám bật quạt vì sợ các chi tiết nhỏ bị thổi bay và phải bỏ công làm lại từ đầu.
Dù lo lắng cho sức khỏe của bố nhưng con cháu ông Hùng cũng không dám can ngăn vì đó là đam mê của ông. Thỉnh thoảng các thành viên trong gia đình còn cùng ông ngắm nghía, góp ý để mô hình trông giống thật hơn.
Đầu năm 2021, đình làng Hữu Bằng "phiên bản mini" hoàn thiện, được ông Hùng nâng niu và trân trọng cất giữ trên căn phòng thờ tự của gia đình. Người dân xóm làng kéo đến tấp nập, mong muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc, chứa đựng hồn quê của mô hình.
Tiếng lành đồn xa, có người ngỏ ý trả giá đến 2 tỷ đồng, nhưng ông Hùng nhất quyết từ chối, bởi "đó không phải mục đích ban đầu định làm".
"Đình làng Hữu Bằng là nơi gắn bó với tuổi thơ và lưu giữ những ký ức đẹp trong tôi. Tôi làm mô hình đình làng chỉ với mong muốn được bảo tồn, lưu giữ những nét kiến trúc cổ để con cháu sau này biết quý trọng. Còn tính ra tiền bạc, thì nó vô giá!"
Trong thời gian tới, ông Hùng dự định sẽ chế tác công trình chùa Một Cột bằng gỗ gụ. Hiện tại ông đã bắt đầu lên ý tưởng cho các bản vẽ và cách chế tác, dự định sẽ mất 1 năm để hoàn thiện.
Mỗi ngày, người dân trong làng đều tề tựu về đình, ngồi nói chuyện. Các bô lão ôn lại những câu chuyện của ngày xưa
Nét đặc sắc trong nghệ thuật chạm khắc
Phía bên trong tòa chính cũng được người nghệ nhân phục dựng một cách cầu kỳ
Dù có người hỏi mua với giá 2 tỷ đồng, nhưng ông Hùng nhất quyết không bán, vì với ông, mô hình này "không khác gì tuổi thơ, là cả cuộc đời"
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ