Ra rạp từ ngày 1/1, bộ phim Việt về võ cổ truyền là Võ Sinh Đại Chiến chứng kiến sự thể hiện hụt hơi về cả doanh thu lẫn danh tiếng. Mặc dù được phần đông khán giả đánh giá tích cực, tác phẩm này vẫn chỉ có thể mang về khoảng 1,2 tỷ đồng (theo số liệu của Box Office Vietnam) - một con số quá thấp và khẳng định rõ thất bại của phim trong thời điểm phòng vé đang sôi động trở lại. Nhà sản xuất lẫn đạo diễn nhiều lần đăng đàn phản ánh việc phim bị các cụm rạp “chèn ép”, không cho chiếu vào giờ đẹp đến mức bị “sang chấn tâm lý”. Chiều ngày 6/1, phim chính thức đưa ra thông báo sẽ ngừng chiếu tại rạp từ ngày 7/1.
Võ Sinh Đại Chiến không phải là bộ phim duy nhất ngã ngựa trên đường đua phim Việt cuối năm cũ - đầu năm mới tưởng yên bình mà lại vô cùng khốc liệt. Sau Tiệc Trăng Máu , đã có nhiều kỳ vọng được đặt ra cho phim Việt chỉ để rồi hiếm cái tên nào có thể đạt được, cả về chất lượng lẫn doanh thu. Bài viết sau đây chỉ ra những bộ phim Việt được coi là “thua cuộc” tại rạp chiếu nội địa, với số doanh thu dựa trên dữ liệu từ Box Office Vietnam.
1. Trái Tim Quái Vật
Có line-up nhiều sao là Hoàng Thùy Linh , Bê Trần , Trịnh Thăng Bình và Hứa Vĩ Văn , bộ phim Trái Tim Quái Vật lấy cảm hứng từ án mạng ở chung cư được dự đoán sẽ là tác phẩm giật gân, kinh dị đáng mong chờ của điện ảnh Việt thời điểm rạp chiếu vừa kịp nguội sau cơn sốt của Tiệc Trăng Máu. Đáng tiếc, nội dung bị đánh giá là thiếu logic của phim đã không thể cứu tác phẩm. Kết thúc quá trình “điều tra phá án”, bộ phim thu về chỉ hơn 12 tỷ đồng - một con số khó có thể coi là “lời lãi”.
2. Sài Gòn Trong Cơn Mưa
Tác phẩm Sài Gòn Trong Cơn Mưa là một phim độc lập nữa của điện ảnh Việt, tuy nhiên không để lại dấu ấn sâu đậm tại phòng vé vì nội dung “dễ hiểu dễ quên”. Phim bị so sánh nhiều với Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi năm nào vì mô típ nhân vật thơ thẩn, hay ôm đàn ca hát. Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng khán giả đã qua cái thời mê kiểu phim về "tuổi trẻ lạc lối”, sáng ngày mơ mộng chuyện xa xôi trên nóc nhà. Phim chỉ mang về được gần 3 tỷ tại phòng vé.
3. Chồng Người Ta
Được quảng bá là bộ phim “đánh ghen, giật chồng”, Chồng Người Ta tạo được sự hứng thú của khán giả trước khi ra mắt vì hứa hẹn nhiều drama, cảnh nóng. Đáng tiếc, phần nội dung của phim sau khi ra mắt đã bị đánh giá là không thức thời, nhiều lỗ hổng và thiếu tính thuyết phục. Chính yếu tố “đánh ghen, giật chồng” mà phim quảng bá cũng không phải là yếu tố quan trọng trong kịch bản, làm khán giả mất niềm tin. Bộ phim dán nhãn 18+ này chỉ mang về hơn 4,5 tỷ đồng và được xếp vào hàng "thảm họa".
4. Bí Mật Của Gió
Quốc Anh, Khả Ngân và Hoàng Yến Chibi hội ngộ trong một bộ phim tình cảm - kinh dị mang tên Bí Mật Của Gió. Mảnh đất Đà Lạt lại một lần nữa bị gán với từ khóa “ma ám” trên màn ảnh. Kịch bản nhiều vấn đề, kém thu hút cùng với hoạt động quảng bá kém rầm rộ của phim đã mang lại cái kết thảm không thể né tránh của tác phẩm. Bí Mật Của Gió Mang về gần 2 tỷ đồng, là bộ phim “thất thu” nhất trong danh sách này sau Võ Sinh Đại Chiến.
5. Người Cần Quên Phải Nhớ
Được mệnh danh là “con át chủ bài” của nhà phát hành Lotte, kèm với đó là sự hậu thuẫn của nhà sản xuất Charlie Nguyễn danh tiếng, có sự tham gia của “ông vua phòng vé” Thái Hòa, thế nhưng Người Cần Quên Phải Nhớ lại là tác phẩm khiến giới chuyên môn phải giật mình vì sự thể hiện quá tệ. Đây cũng là bộ phim thứ 2 của Hoàng Yến Chibi thất bại trong năm. Bên cạnh nội dung yếu, nhiều người cho rằng sự thể hiện kém của phim cũng là do hoạt động quảng bá nhạt nhẽo dù khá rầm rộ. Ra rạp cho đến nay là gần 2 tuần, phim chỉ mang về được 1,8 tỷ đồng - con số thấp đến ngỡ ngàng.
Mặc dù khó có thể điều tra và rút ra kết luận về số suất chiếu và giờ chiếu của các bộ phim trên, vẫn có thể thấy ngay một điểm chung: tất cả đều gặp vấn đề lớn về nội dung. Những cái tên này cho dù quy tụ gương mặt "bảo chứng phòng vé" thì vẫn bị đánh giá kém. Hoặc là kịch bản bị chê rườm rà, nhiều lỗ hổng, hoặc là khán giả đã quá chán chường với thể loại mà nhà làm phim lại không hề hay biết. Kết hợp với mức độ thành công của chiến dịch quảng bá, nhiều phim ngã ngựa ở thời điểm mà khán giả Việt có nhiều hơn một vài lựa chọn.
Giờ đây, khán giả Việt đang ngày càng trở nên khắt khe khi ai cũng có thể trở thành một nhà phê bình trên mạng xã hội - công cụ có tính chất tuyên truyền lớn. Sự xuất hiện của nhiều cái tên như Mắt Biếc , Ròm hay Tiệc Trăng Máu đã đẩy cao thêm tiêu chuẩn của khán giả Việt. Cùng lúc đó, khái niệm "phim rác" và cảm giác "bị lừa" khi ra rạp nhiều lần cũng đang giết chết niềm tin của nhiều người với những bộ phim mới mẻ, non trẻ của điện ảnh nước nhà. Làm phim ở thời đại này không còn chỉ là câu chuyện của đam mê và sự sáng tạo cá nhân khi khán giả có quyền từ chối tiếp nhận những thứ họ không thích (và lựa chọn xem lậu vẫn phổ biến). Nhà làm phim thương mại cần phải xác định họ đang dấn thân vào hành trình theo đuổi, nắm bắt thị hiếu khán giả - nếu không muốn tác phẩm của mình bị cho "đi bụi" giữa đường đua tàn khốc, "đốt tiền" của điện ảnh.
Nguồn ảnh: Tổng hợp
Trí thức trẻ