Một doanh nhân nổi tiếng người Mỹ có hai người con trai, cả hai đều rất xuất sắc và thể hiện những năng lực xuất chúng. Mặc dù vậy, nhiều người đánh giá cao về cậu con trai thứ hai của ông hơn, vì nếu so sánh, cậu có nhiều điểm nổi trội hơn anh trai. Ai cũng cho rằng, người em sẽ được thừa hưởng cơ nghiệp của cha. Đối mặt với những tin đồn này, vị doanh nhân chỉ mỉm cười và im lặng.
Tại hội nghị cổ đông của công ty, ông bất ngờ tuyên bố trước công chúng rằng, kể từ bây giờ, ông sẽ hoàn toàn rút khỏi ban lãnh đạo và con trai cả của ông sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, tiếp quản công ty. Ông vừa dứt lời, bốn phía đều nổi lên những tiếng rì rầm bàn tán và nghi hoặc.
Trong bài phỏng vấn với truyền thông, ông giải thích rằng: "Đúng vậy, con trai thứ hai của tôi có nhiều ưu điểm hơn con trai cả. Trong những năm qua, tôi luôn quan sát cả hai một cách lặng lẽ, dần dần tôi phát hiện, sự quả quyết của con trai thứ hai mặc dù tốt hơn một chút nhưng có một yếu điểm chết người, đó là lúc nào nó cũng muốn tìm đường tắt để đi".
"Theo người bình thường nhìn nhận, thì có lẽ đây là sự khôn ngoan để làm được nhiều việc thành công, nhưng họ không hề biết, không phải bất cứ chuyện gì cũng có lối tắt. Hầu hết mọi chuyện đều phải tuân theo một số quy định khách quan nhất định, làm theo từng bước một, làm việc đến nơi đến chốn mới là tốt nhất, nếu không việc sắp thành lại hỏng, tất cả chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Bền bỉ, kiên nhẫn trong công việc cực kỳ quan trọng".
Sự bền bỉ là yếu tố dự báo thành công chính xác hơn so với tài năng. Không có sự bền bỉ, tài năng chỉ là tiềm năng không được khai phá. Tài năng chỉ có thể trở thành kĩ năng dẫn tới thành công khi kết hợp cùng sự nỗ lực.Tài năng có thể là một lợi thế lớn cho nhiều người nhưng đó chỉ là một phần của bức tranh thành công. Thành công là kết quả của rất nhiều yếu tố. Vì thế, trước khi đổ lỗi cho sự "tầm thường" của bản thân, bạn cần biết: Thành công là kết quả của sự luyện tập từ sớm. Năng khiếu bẩm sinh không thể giúp bạn chơi quần vợt giỏi hay giải toán nhanh. Nếu không luyện tập, mọi tài năng bẩm sinh đều sẽ bị lãng phí.
Năm 1889, Édouard Michelin thành lập một nhà máy sản xuất lốp xe. Do hoạt động đúng cách nên quy mô của nhà máy ngày càng được mở rộng. Như có thêm động lực, Édouard mở thêm các nhà máy đóng tàu, công ty bia và các công ty vận tải đường sắt.
Không khó để tưởng tượng những gì xảy ra tiếp theo. Édouard không thể xử lý hết tất cả mọi chuyện, khiến bản thân ông thường mệt mỏi đến mức kiệt sức. Vài năm sau, tất cả các doanh nghiệp của ông, kể cả nhà máy sản xuất lốp xe, bắt đầu thua lỗ, điều này khiến ông không thể lý giải được, không tìm được nguyên nhân thực sự.
Một ngày nọ, khi Édouard đi qua một vườn nho, ông nhìn thấy những người nông dân đang vứt bỏ những trái nho xanh đi, Édouard kinh ngạc hỏi: "Những quả nho này nhìn chẳng có vấn đề gì cả, sao lại vứt đi? Lãng phí quá!".
"Ngắt đi một phần, có thể khiến những quả nho còn lại của chùm nho càng có nhiều chất dinh dưỡng, phát triển càng tốt hơn", những người nông dân trồng nho giải thích.
Khoảnh khắc đó, Édouard chợt hiểu ra, ông quyết định: loại bỏ tất cả những doanh nghiệp làm mình mất tập trung.
Chỉ trong vòng nửa năm sau, ông đã đóng cửa hoặc bán hết những công ty và nhà máy của mình, chỉ để lại nhà máy sản xuất lốp xe, tập trung toàn bộ sức lực vào phát triển nhà máy lốp xe.
Không lâu sau đó, Michelin có hoạt động kinh doanh tại 5 châu lục, các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Công ty đã tiến hành tiếp thị sản phẩm tại hơn 170 quốc gia trên thế giới và được biết đến như một trong những thương hiệu tiên phong của ngành công nghiệp lốp xe.
Có nhiều người trong chúng ta hay “tiếc” khi phải từ bỏ một điều gì đó. Tiếc thời gian, tiền bạc, công sức mà họ đã đầu tư vào lựa chọn của mình, để rồi khi mọi việc không như ý, chúng ta không thể dứt áo ra đi.
Không thể phủ nhận, không dễ dàng gì để từ bỏ và bắt đầu lại từ đầu. Nhưng biết khi nào nên từ bỏ, và từ bỏ như thế nào lại càng khó hơn. Đôi khi chúng không chỉ đơn giản là buông bỏ những gì bạn đang thực hiện. Nó là việc biết cách thả đi những kỳ vọng vượt quá tầm với của bản thân mình. Nó là việc biết buông bỏ những lối quan niệm xưa cũ và nhìn mọi thứ với một tâm thế mới. Và sẽ có những lúc, bạn lạc hướng và sai lối. Đừng vội lo lắng, vì bạn sẽ phải bước từng bước một trên con đường sự nghiệp của mình, phân tích, đánh giá lại tình hình, tìm kiếm thứ đáng được ưu tiên phát triển nhất.
Chìa khoá thành công trong việc đặt ưu tiên là có tầm nhìn chiến lược. Bạn có thể đánh giá mức độ quan trọng của một việc nào đó ở thời điểm hiện tại bằng cách xem xét mức độ ảnh hưởng của nó với bạn trong tương lai và từ đó đưa ra những lựa chọn tỉnh táo nhất!
Theo Trí Thức Trẻ