Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu Kỳ 2: Tuổi thơ hạnh phúc của cậu bé PK

11/02/2019 08:00
Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu Kỳ 2: Tuổi thơ hạnh phúc của cậu bé PK

Ngay từ khi mới chào đời cậu bé có cái tên PK đã được nhà tiên tri vạch sẵn cho thì tương lai của mình một định mệnh. Và cuộc đời của cậu bé đã được vạch sẵn ra từ đó.

Gia đình của PK

Tên đầy đủ của chú bé là Jagat Ananda Pradyumna Kumar Mahanandia. Một cái tên sung sướng. Jagat Ananda có nghĩa là hạnh phúc chung, còn Mahanandia có nghĩa là lạc quan. Nhưng đó chưa phải là toàn bộ cái tên nó đâu, mới chỉ là phần rút gọn thôi đấy. Ghi hết ra cả mọi tên hiệu lưu truyền từ đời ông nội, dòng tộc, đẳng cấp thì phải mất 373 chữ cái.

Nhưng ai mà nhớ nổi 373 chữ cái chứ? Bạn bè nó rốt cuộc chỉ chọn hai chữ cái thôi. P (tức là Pradyumna) và K (tức là Kumar). PK.

Người lớn chẳng hề dùng bất kỳ cái tên khai sinh nào khi họ gọi với theo thằng bé đang chạy băng qua làng hay trèo tót trên những cây xoài. Cha gọi nó là Poa, có nghĩa là thằng nhỏ, ông bà nội thì luôn gọi nó là Nati, cháu nội, còn mẹ lại gọi nó là Suna Poa, thằng bé vàng, vì nước da nó hơi sáng hơn hai người anh ruột một chút.

Những ký ức đầu tiên của nó về ngôi làng ven sông bên bìa rừng chỉ hình thành sau khi nó lên ba. Hay có lẽ là bốn. Hoặc chỉ mới lên hai. Tuổi tác chẳng quan trọng. Chẳng ai bận tâm đến ngày sinh. Nếu bạn hỏi tuổi dân làng này, câu trả lời của họ luôn thay đổi và chẳng bao giờ chính xác. Khoảng mười tuổi, bốn mươi mấy, gần bảy mươi, hay còn nhỏ mà, lớn tuổi rồi, già lắm đó.

Mấy tuổi cũng được, PK còn nhớ lúc đó mình đang đứng trong căn nhà có vách đất dày, mái lợp tranh vàng úa. Hình ảnh dần rõ nét. Những cánh đồng ngô với những ngọn lá bụi bặm xào xạc trong gió chiều và những lùm cây lá tròn căng bừng sáng trổ hoa trong mùa đông và nặng trĩu quả ngọt trong mùa xuân.

Một con suối chảy qua làng hòa vào sông lớn, bên kia suối là một bức tường cây lá dày đặc từ dưới đất vươn cao. Đó là chỗ bắt đầu rừng già, từ đó thỉnh thoảng vọng ra tiếng voi rống hay tiếng hổ báo gầm. Ta thường thấy mặt đất bùn in hằn vết thú hoang, cùng với những đống phân voi hay dấu móng vuốt cọp, kèm theo đó là âm thanh vo ve của côn trùng bay vòng vòng và tiếng líu lo chim hót.

Tuổi thơ hạnh phúc của cậu bé PK (Kỳ 2) - 1

Ngôi làng và rừng già trong trí nhớ tuổi thơ PK

Thế giới của nó vươn xa hơn vào tận giữa rừng. Chẳng có gì khác. Rừng bất tận, bí mật, khó hiểu, nhưng cũng quen thuộc và an toàn. Rừng khôn lường nhưng rừng cũng là một điều chắc chắn, một niềm an ủi. Còn đô thành là nơi nào đó nó có nghe nói nhưng chưa bao giờ thấy tận mắt.

Nó sống trong căn nhà tranh với mẹ, cha và hai anh. Và ông bà nội, tất nhiên rồi. Hầu hết các gia đình đều sống như thế; truyền thống bắt buộc con trai trưởng phải ở cùng cha mẹ, ngay cả khi anh ta đã cưới vợ và có gia đình riêng. Shridhar, cha của PK, giữ đúng truyền thống ấy.

PK ít thấy mặt cha. Ông là trưởng bưu cục ở Athmallik, thị xã gần nhất, nơi có nhiều chợ, nhiều tiệm trà, một đồn cảnh sát và một nhà giam. Do quãng đường hai chục cây số quá xa, không thể đạp xe đi về hàng ngày, cha nó có một phòng có giường ngủ ở bưu điện để ở lại suốt tuần làm việc. Mỗi tối thứ Bảy ông lại về nhà cùng một chuyến với hai anh của PK đang học nội trú ở thị trấn.

PK thấy mình như con một. Suốt cả tuần, mẹ dành hết quan tâm cho nó. Gần như ngày nào cũng chỉ có hai mẹ con và ông bà nội trong căn nhà tranh ở ngôi làng ven rừng.

Ánh nắng tràn ngập ngôi làng, xuyên qua những tán lá dày đặc thường bao phủ nền rừng trong bóng râm khá tăm tối. Hầu hết mọi nhà đều xây theo một kiểu: nhà tranh hình tròn hay chữ nhật, vách đất nâu, mái lá xám cùng những chuồng tre nhốt bò với dê. Cạnh những căn nhà là mấy vạt đất trồng rau và những đụn rơm chất đống làm thức ăn cho gia súc.

Rải rác trong làng có mấy ngôi nhà gạch, do người Anh xây cho tầng lớp tiện dân dưới đáy xã hội như một cách ban ơn. Nhưng những trận mưa gió mùa đã phá huỷ những ngôi nhà này trước khi có người kịp dọn tới ở và bây giờ mái đã đổ sụp, nhà bỏ trống. Ngoài mấy thứ này, thế giới của PK chỉ còn một trường tiểu học và một ngôi nhà khác làm chỗ họp hội đồng làng.

Mẹ PK thường nói là họ đang sống trong khu rừng lớn nhất Ấn Độ và Kondpoda là ngôi làng cổ xưa nhất. Theo bà, đây là quê hương của cả người sống lẫn người chết. Những bờ cát hai bên sông được dùng làm nơi hỏa táng, nơi những linh hồn người chết đêm đêm tụ tập lại múa hát. Một chỗ xoáy nước dưới sông mấy năm gần đây đã bắt đi hai người phụ nữ, cả hai đều mới lấy chồng và đang mang thai.

Mẹ đã nhìn thấy xác họ đặt trên bãi cát bờ sông, trán họ được tô điểm những chấm đỏ chói, biểu tượng sáng ngời của cuộc đời trong sạch, không ô uế. Mắt họ mở to như đang tìm kiếm điều gì, miệng há rộng cứ như đang thét lên cầu cứu trong những phút cuối cùng. Thực ra, mẹ bảo nó, đó là do linh hồn của hai người này đã rời thể xác họ mà quên đóng lại cửa khi ra đi.

Đêm đêm mẹ nằm cạnh nó trên tấm đệm rơm, thì thầm kể chuyện những linh hồn, thần nam, thần nữ và tà thuật. Bà lắc mấy đồ trang sức cho kêu lanh canh để tạo ra những hiệu ứng âm thanh ma quái. PK rùng mình nín thở, tim đập dồn. Nó nghe chuyện, vừa há hốc miệng vừa thở hổn hển trong lúc những bóng ma trong bóng tối nhích lại gần.

Nhưng rồi thân thể mẹ lại tỏa hơi ấm kề bên. Bà nhận ra mình đã làm thằng con khiếp sợ và bà kéo nó lại gần. Nó đã chuyển tiếp từ tiếng cười của buổi chiều chơi đùa trong rừng sang nỗi kinh hãi âm ty địa ngục của giờ đi ngủ rồi tiến vào cõi an toàn của vòng tay mẹ. Trong cảm giác yên tâm đó, PK ngủ thiếp đi.

Mẹ nó không sợ người chết. Bà tin rằng cách tốt nhất để đương đầu với những hồn ma là phải tỏ ra tự tin, điều mà bà tự cho là mình có sẵn. Chỉ có thiếu tự tin người ta mới sa vào quyền năng của cái chết.

“Miễn là con gan dạ thì không ai làm hại được con, kể cả người chết.” – Bà thường nói thế.

Trích "Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu"

>> Đạp xe vì tình - Kỳ 3: Có một cô bé phương Tây mơ về phương Đông


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024