Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947, quê tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm lên 4 tuổi, do một cơn bạo bệnh bất ngờ, ông bị liệt cả hai bàn tay.
Thế nhưng, không chịu đầu hàng số phận, lên 7 tuổi, ông quyết tâm luyện viết chữ bằng chân để được đi học như bạn bè cùng trang lứa. Vượt lên khó khăn, với nghị lực phi thường, ông thi đỗ đại học, trở thành một nhà giáo ưu tú.
Dù bị liệt cả hai tay nhưng nhờ đôi chân, ông không những viết chữ mà còn làm thơ, sáng tác và là tác giả của nhiều đầu sách hay.
Mới đây, trong chương trình Gõ cửa thăm nhà trên HTV7, "người phi thường" Nguyễn Ngọc Ký đã chia sẻ nhiều điều về cuộc sống cũng như chuyện tình đặc biệt của mình.
Ở tuổi 70, sức khỏe của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã yếu đi nhiều. Ông hiện là bệnh nhân chạy thận năm thứ 11 tại bệnh viện 175. Hàng ngày, để chống chọi với bệnh tật, ông dành thời gian viết văn đặc biệt là các sách dành cho thiếu nhi. Hiện, ông vừa hoàn thành xong cuốn truyện cổ tích "Bí mật cây gậy thần" và đang tiếp tục viết cuốn truyện thứ 2.
"Tôi viết văn để chống chọi với bệnh tật, tìm niềm vui trong cuộc sống. Trước đây tôi viết bằng chân nhưng từ năm 1995, tôi sử dụng máy tính. Vì ngón chân to, phím chữ hay bị dính nên tôi sử dụng chiếc bút chì gắn hai đầu tẩy để không bị trượt... Nhiều người hỏi tôi viết chữ bằng chân có khó không?
Thật sự nếu không có tay thì người ta sẽ phải dùng đôi chân, đó là một quá trình luyện tập, nỗ lực liên tục. Và cho đến bây giờ hàng ngày tôi vẫn phải luyện tập", thầy Nguyễn Ngọc Ký tâm sự.
Kể về chuyện tình đặc biệt của mình, "người phi thường" Nguyễn Ngọc Ký không giấu nổi xúc động. Ông cho biết, cuộc đời mình may mắn gặp được 2 người phụ nữ đều hết lòng, kề cận chăm sóc và là cánh tay của ông trong cuộc sống.
Người vợ đầu của ông là bà Vũ Thị Nhiễu đã mất sau một cơn tai biến vào năm 2002, người vợ thứ 2 là bà Vũ Thị Đậu. Điều đặc biệt và hiếm có là cả hai người phụ nữ này lại là chị em ruột.
"Bà xã đầu của tôi mất năm 2011, khi đó tôi 47 tuổi. Lúc bà xã bị tai biến lần đầu vào năm 1994, trong lúc thập tử nhất sinh cô ấy có nói với tôi: 'Nếu em có mệnh hệ gì thì anh cố gắng thương yêu cái Đậu, giúp nó dạy dỗ các con vì chồng cô ấy mất sớm. Với em gái mình, bà xã cũng dặn cô ấy chăm sóc cho tôi vì lo sức khỏe tôi kém. Bảy năm sau thì cô ấy ra đi. Lúc vào chịu tang chị gái, cô Đậu - tức là bà xã hiện tại của tôi đã đồng ý ở lại", nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký kể.
Với ông, mối tình với hai người phụ nữ quan trọng nhất đời đều là chữ "duyên". Với bà Vũ Thị Nhiễu, cả hai gặp nhau khi tuổi đời còn rất trẻ. Khi ấy, một người anh kết nghĩa đã giới thiệu cho ông Ký làm quen với người em gái vợ của mình là bà Nhiễu.
Ngay trong lần gặp đầu tiên, vẻ xinh đẹp, thùy mị nết na của cô gái đã khiến ông "bị sét đánh", ngược lại cô gái cũng "phải lòng" ngay chàng trai có ánh mắt cương nghị, thông minh. Họ hẹn sẽ gặp lại nhau sau 15 ngày.
"Cô ấy một mình vượt qua quãng đường xa đến thăm tôi. Khi đó tôi đã giữ cô ấy ở lại. Buổi tối, tôi có làm một bài thơ tặng như một lời hẹn ước. Tối nay hai đứa bên thềm/ Trời không trăng, đất dịu hiền lặng im/ Khuya về thăm thẳm màn đêm/ Vẫn đôi mắt ấy ánh lên sắc hồng/ Đây của em cả tấm lòng/ Một mình anh trọn giữa vòng yêu thương/ Đây của anh cả yêu thương/ Xin dành em hết/ Bốn phương đất trời", nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký kể.
Tuy nhiên, chuyện tình yêu đẹp của họ gặp phải phản ứng của gia đình nhà gái. Bố mẹ cô dâu lo lắng con gái sẽ chịu khổ nếu yêu và cưới một người khuyết tật như ông. Dù vậy, trong những lá thư gửi người yêu, bà Nhiễu khi đó vẫn thể hiện sự chung thủy, quyết tâm bảo vệ tình yêu của mình đến cùng.
Về sau, nhà thơ Đoàn Cừ - là anh họ của bà Vũ Thị Nhiễu đã ra sức vun vén, ủng hộ cặp đôi. Chính ông Cừ đã sang, động viên gia đình gả con gái cho nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.
"Ông Cừ bảo với bố vợ tôi: Trên đời ai cũng chết hết, chỉ riêng mỗi nhà văn, nhà thơ là không chết. Không ngờ câu nói tếu táo, vui vẻ đó lại khiến cho gia đình vợ tôi đồng ý cho chúng tôi thành đôi. Bố mẹ vợ tôi sau đó đã đạp xe 30km xuống thăm tôi và đám cưới được tổ chức sau đó 1 tuần lễ", nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký kể.
Gặp khó khăn trong việc sinh hoạt do đôi tay bị liệt nhưng nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký luôn cố gắng giúp và chia sẻ công việc nhà với vợ. Ông giặt quần áo, tưới rau, ru con ngủ bằng chính đôi chân của mình.
"Tôi nhớ thời điểm vợ mới sinh, cô ấy thường mang quần áo, tã lót của con ra cầu ao cho tôi ngồi giặt. Mẹ tôi thấy thế không vừa ý, bà bảo: "Vợ có tay, còn chồng thì không, sao lại bắt tội chồng giặt?".
Dù tôi nói làm được nhưng bà vẫn rất gay gắt. Thế là hôm sau, tôi lặng lẽ dậy sớm từ 4h giặt đồ, sau đó cho cô ấy mang đi phơi, còn mình thì vào giường nằm. Đúng lúc vợ đang phơi đồ thì mẹ tôi dậy, tưởng con dâu giặt giũ, bà rất vui, vợ tôi cũng phấn khởi", nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký cười nhớ lại.
Cuộc hôn nhân với người vợ đầu gắn bó được 30 năm hạnh phúc thì bà Nhiễu bị tai biến và ra đi vào năm 2011. Khi đó cả hai người có với nhau 3 người con.
"Lúc đó tôi rất hụt hẫng, buồn và trống trải vô cùng", ông Ký trải lòng về quãng thời gian khó khăn của bản thân.
Về phần bà Vũ Thị Đậu, người phụ nữ này cho biết, chưa bao giờ nghĩ sẽ nên duyên với người đàn ông từng là anh rể của mình. Ban đầu khi chị gái cầm tay nhờ cậy, chăm sóc chồng và các con nếu mình ra đi, bà Đậu giãy nảy. "Ai đời em vợ đi lấy anh rể". Tuy nhiên, bà Nhiễu nghẹn ngào bảo: "Chị còn sống thì không được phép nhưng nếu chị mất đi thì đó là cái nghĩa, cái tình". Lời nói này khiến bà Đậu rất trăn trở.
"Lúc chị gái tôi mất được một thời gian, nhiều người cũng giới thiệu cho anh Ký cô giáo này, cô giáo kia nhưng anh ấy đều từ chối. Anh ấy bảo các con: "Mẹ có dặn nếu ra đi thì thương lấy mẹ con dì Đậu". Nói là làm, anh Ký sau đó nhờ người chị gái xuống nhà nói chuyện với tôi", bà Đậu xúc động nhớ lại.
Khi đó, bà Đậu cũng có 2 người con với người chồng quá cố. Nghĩ đến lời trăn trối của chị, cộng với việc thấy anh rể "gà trống nuôi con", sức khỏe lại kém nên bà Đậu gật đầu đồng ý "thay chị vun vén gia đình".
Quyết định của cả hai nhận về sự phản đối của những người con. "Con tôi khi đó bảo, bố mất sớm, mẹ đã vất vả chăm sóc chúng con, giờ mẹ già rồi không nên đi bước nữa cho khổ. Về sau, anh Ký đã phải động viên, thuyết phục, các con của cả hai mới ủng hộ, vun vén", bà Đậu nhớ lại.
Người phụ nữ này xúc động cho biết, cuộc hôn nhân này của bà "tình nghĩa nhiều hơn là tình yêu". Đó là sự đến với nhau từ hai thân phận "cùng khổ". Ông gà trống nuôi con, bệnh tật, sức khỏe kém còn bà cũng nếm trải nhiều va vấp, đắng cay của cuộc đời. Ở tuổi xế chiều, hai ông bà hàng ngày nương tựa, chăm sóc động viên nhau, tìm niềm vui trong cuộc sống.
Sau 11 năm gắn bó, bà hiểu từng sở thích, thói quen ăn uống của ông. Bà chăm sóc ông rất tận tụy, chu đáo. Ngược lại, với ông Ký, bà xã của mình hơn cả một tri kỷ. Viết xong tác phẩm văn chương nào, ông cũng đưa bà đọc, lắng nghe nhận xét của bà. Bất kỳ ngày lễ, sinh nhật nào của vợ, ông cũng không quên làm thơ tặng bà.
Ông bảo, cuộc đời này may mắn nhất của mình là gặp được hai người phụ nữ tâm đầu ý hợp, hết lòng vun vén vì gia đình.
"Hạnh phúc không phải là đến với nhau được mà giữ gìn nó như thế nào", nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký nói về cuộc hôn nhân đặc biệt của mình.
Hiệp Nguyễn