Tối 5/1, số đầu tiên của "Ai là triệu phú" phiên bản 2021 đã lên sóng. "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng cũng ra mắt khán giả với vai trò người dẫn dắt chương trình. Người chơi ở số đầu tiên này là Travel Blogger nổi tiếng Trần Đặng Đăng Khoa, người đã có 1111 ngày chu du thế giới bằng xe máy, qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bằng sự bình tĩnh, tự tin, lập luận logic... Đăng Khoa đã chinh phục một mạch đến câu hỏi số 14, sử dụng hết 4 quyền trợ giúp và có 85 triệu đồng.
Đến câu hỏi thứ 15 với nội dung Văn học "Những vần thơ Trường Sơn chí lớn ông cha/ Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào nằm trong tác phẩm nào của nhà thơ Lê Anh Xuân"?. Anh khá phân vân và dành thời gian để suy nghĩ về việc nên chơi tiếp hay dừng lại.
Sau một hồi suy nghĩ, anh không bảo toàn số tiền 85 triệu đồng mà quyết chơi đến cùng và chọn câu trả lời "A: Dáng đứng Việt Nam", nhưng đáng tiếc, "câu B: Nguyễn Văn Trỗi" mới là câu trả lời chính xác. Vì vậy, Đăng Khoa đã để tuột mất mất 63 triệu và quay về nhận mốc tiền thưởng ở câu 10 là 22 triệu đồng.
"Giáo sư Xoay" nhận định, người chơi mở màn Travel Blogger Trần Đặng Đăng Khoa là một người vô cùng xuất sắc. Anh là người thứ 2 trong lịch sử chạm đến mốc câu hỏi số 15. Trước đó, trong lịch sử chương trình "Ai là triệu phú", kỹ sư Lê Anh đã trả lời đúng 14 câu hỏi và giành phần thưởng 80 triệu đồng. Chính vì lẽ đó, khi đáp án câu 15 hiện lên, Đinh Tiến Dũng đã suýt khóc.
"Giáo sư Xoay" tâm sự, anh đã rất hồi hộp khi bắt đầu ghi hình những số đầu tiên của "Ai là triệu phú". Nếu chỉ xem qua những chương trình đã phát trên tivi thì không thể hiểu được mỗi một cảnh quay là sự phối hợp nhịp nhàng của biết bao nhiêu người cùng một lúc.
Từ đạo diễn, DOP, người chơi, người dẫn, người chỉnh ánh sáng, người chỉnh âm thanh (nhạc hiệu), người chỉnh máy tính, các quay phim, người chỉnh màn hình LED và tất cả khán giả... Bất kể một người trong đội hình đó gặp lỗi, tất cả sẽ phải quay lại.
"Người dẫn chương trình như tôi khó nhất có lẽ là sự kiềm chế để không bước qua ranh giới của việc động viên người chơi và gợi ý đáp án. Rồi phải luôn đọc tâm lý người chơi xem họ đang ở tình trạng nào, có cần dừng việc hỏi đáp lại để rủ người chơi nói chuyện phiếm cho vui hay không. Rồi khi được lệnh của đạo diễn là gây áp lực thì sẽ phải gây áp lực thế nào cho phù hợp, tại gây áp lực quá người chơi lại cuống.
Một chương trình dẫn mà không hề có kịch bản, bởi bản thân mỗi người chơi là một kịch bản rồi. Vấn đề là làm sao để đọc được kịch bản này và tung hứng cùng nó. Có những lúc tôi cũng "phá rào", chen vào ngăn cản người chơi ra quyết định một cách khá "thô", bởi luật của chương trình là khi nào người chơi nói: "Đây là câu trả lời cuối cùng của tôi" thì MC hết "cứu" dù cuộc chơi mới bắt đầu.
Nhưng có những "quả" cũng vì tôi gây áp lực mà người chơi không tự tin nữa, tung ra mấy quyền trợ giúp và vì thế mà không đi xa được. Sau cuộc chơi cũng thoáng có chút áy náy, nhưng biết sao được, tôi cũng là một phần của cuộc chơi mà", Đinh Tiến Dũng bộc bạch thêm.
Theo "Giáo sư Xoay", mấy ngày nay anh nhận được rất nhiều lời chúc mừng của người thân, bạn bè và khán giả. Và điều đó khiến anh tự nhiên cảm thấy áp lực. Không biết với những kỳ vọng như thế, chương trình có đủ sức để đáp lại hay không. "Nhưng dù gì thì tôi cũng đã làm xong việc đó rồi. Đó là những gì tốt nhất mà cả một tập thể có thể làm ra nên tôi không có gì phải đắn đo cả. Và nếu có lỡ chưa hay thì cũng còn biết bao chương trình tiếp theo để mà điều chỉnh", Đinh Tiến Dũng tự trấn an.
Hà Tùng Long