Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó phòng Tham mưu (Công an TP.HCM) đã nhấn mạnh như trên về tình trạng các trường hợp lên mạng xã hội livestream công kích, xúc phạm người khác, thu hút sự chú ý của cộng đồng, tại buổi họp báo chiều 7.11.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người lên mạng xã hội livestream chửi bởi, xúc phạm người khác, thậm chí xúc phạm cả những tu sĩ, thu hút sự chú ý của cộng đồng. Điều này dễ tạo điều kiện cho những đối tượng xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thượng tá Long, tại Việt Nam, mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật, kể cả các hoạt động trên không gian mạng. Đảng và Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận của công dân, đây là một trong các quyền cơ bản của con người và quyền này nằm khuôn khổ pháp luật.
Những phiên livestream công kích, xúc phạm người khác trên có thể tạo điều kiện cho những đối tượng xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: dàn dựng, xuyên tạc sự thật, tung tin sai trái, thất thiệt với ngôn ngữ, nội dung phản cảm, thô tục, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm quyền và lợi ích hợp của cá nhân, tổ chức…
Để lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội, góp phần thúc đẩy, bảo đảm tự do ngôn luận của các tổ chức, cá nhân, mỗi người dân, theo ông Long, cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận, nêu cao ý thức trách nhiệm khi ứng xử trên mạng xã hội, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi sử dụng không gian mạng, nhất là Quyết định số 874/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành ngày 17.6.2021 về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định cho tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội.
“Đối với các phiên livestream có nội dung công kích người khác, đề nghị mọi người không tham gia ủng hộ, bình luận, cần lên án các hành vi sai trái, thông báo đến cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật”, ông Long nhấn mạnh.