Lặng nhìn chiếc bóng, cô đưa đôi tay lên ngúng nguẩy vài điệu múa dưới ánh nắng mặt trời.
"Mới đầu mình nghĩ đấy là người khác nhưng dần dần mình chấp nhận cái bóng đấy là mình chứ không ai khác. Phải làm thế nào cho cái bóng đó, cho cuộc sống hiện tại có một con đường", cô nói.
Bế Thị Băng - cô gái múa một chân - Video: DƯƠNG LIỄU
Tốt nghiệp Trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên, Bế Thị Băng quyết định rời vùng núi Cao Bằng xuống Hà Nội lập nghiệp và xin vào làm tại một phòng khám nha khoa.
24 tuổi, Băng nghĩ mình đã "đủ lông đủ cánh", độc lập về tài chính, tự chủ cuộc đời mình. Bỗng một ngày, "hung thần đường phố" khiến cuộc đời cô gái trẻ rẽ ngoặt sang một hướng khác.
19h30, đường Cầu Diễn sáng rực đèn điện. Băng chạy xe máy về phòng trọ sau khi đến thăm người bạn bị ốm. Thình lình, chiếc xe container từ phía sau trờ lên húc vào đuôi xe, kéo rê cả người cô gái và xe một đoạn.
Taxi cấp tốc đưa Băng vào Bệnh viện 198 gần nhất, nhưng bác sĩ vẫn quyết định chuyển thẳng xuống Bệnh viện Việt - Đức.
Bốn ngày sau, Băng tỉnh lại và phát hiện hai tay mình đang bị… buộc vào thành giường. Cô cử động, nhấc chân lên nhưng chỉ chân trái động đậy.
Thấy cô gái cựa quậy trên giường, y tá vội vàng chạy đến.
Băng hỏi "sao chân phải của em không cử động?". Y tá nhìn Băng trân trối và rồi bằng cách nào đó đã thông báo chiếc chân phải của cô đã bị cắt bỏ.
"Tôi nghĩ chắc cắt một nửa thôi. Khi dây tay được gỡ ra, tôi chạm vào chân phải nhưng lại đụng sang đầu gối trái. Tôi dịch dần lên, tay chạm đến… mông. Tôi khựng lại, lặng đi. Và nước mắt cứ thế trào ra", cô gái trẻ nhớ lại giây phút hay tin dữ.
Trong khoảnh khắc, xung quanh giường bệnh trắng toát chuyển hết sang màu tối sẫm…
Nhưng rồi Băng tự nhủ "mất một chân nhưng mình còn sống, còn sống thì mình cố gắng vượt qua nỗi đau". Băng thôi không nghĩ đến điều tiêu cực, tránh xa tin xấu, cô tìm đọc các thông tin tích cực để truyền cho mình năng lượng.
Băng nghĩ bước ngoặt đến với cuộc đời là điều chẳng ai mong muốn nhưng quan trọng là nhìn vào đó để sống mạnh mẽ hơn.
Hơn một tháng trên giường bệnh, chân trái còn lại teo dần nhưng Băng không chấp nhận cuộc sống nằm trên giường đợi người đến chăm sóc.
"Mình phải tập đứng, tập đi, nhưng tập đi bằng cách nào", Băng nghĩ, "phải tập đi bằng nạng". Không có nạng, cô nhắn tin cho anh lái xe container nhờ mua giúp đôi nạng gỗ. Nhưng việc đi nạng đâu phải dễ dàng, đến ngồi dậy cô còn không làm nổi, lưng cứ thẳng đuồn đuột.
Cô gắng sức bám chặt tay vào thành giường để rướn mình dậy. Nhấc chân ra khỏi giường, mồ hôi nhễ nhại, đôi mắt tối sầm, Băng ngã xuống.
"Phải chiến đấu", rớt nước mắt không biết bao nhiêu lần nhưng Băng không từ bỏ. Số lần ngã xuống giường không đếm nổi, cuối cùng cô cũng đứng được.
Cô nhớ lần đầu tiên đứng được là 20 giây dù chân trái run bần bật.
"Đứng được, tôi vui lắm, về sau cứ tập dần. Đến ngày đứng được rồi, không ngã nữa thì tập đi với nạng. Hai nách chống đôi nạng vẫn bật ngửa ra sau, ngã cả người cả nạng.
Ngã lại đứng lên, mỗi lần tập đầu gối, khuỷu tay thâm tím, đầu đập xuống đất... Nhiều khi nghĩ lại không hiểu sao ngày xưa lại có thể làm được như thế, tự rèn luyện cho mình đi như bây giờ", Băng nở nụ cười nhớ lại.
Băng kể, mất một chân, đa chấn thương, bụng được ghép từ da của chiếc chân phải đã tháo bỏ, sỏi chui hết vào nội tạng nên bác sĩ phải mổ phanh gắp sỏi ra... lời kể rành rọt như những thước phim về ca mổ hiện trong đầu.
"Nhưng tôi không chết, hạnh phúc nhất là vẫn còn sống", Băng tâm niệm.
Băng còn tìm đến yoga và điều kỳ diệu hơn cả là mỗi lần đau buồn, cô tìm đến âm nhạc, tìm những điệu múa, điệu nhảy và tự biên đạo điệu múa để phù hợp với một chân còn lại của mình.
10 tháng sau tai nạn, Băng về lại bản làng người Tày ở vùng núi Cao Bằng. Một buổi sớm mai, mẹ thức cô con gái dậy lên ngắm bình minh. Không muốn mẹ buồn, Băng chống nạng lên tầng.
Bình minh thật đẹp, nắng mai chiếu rọi, Băng buông đôi nạng. Bỗng dưng, cô nhìn thấy hình dáng một cô gái đang ngúng nguẩy đôi tay rất đẹp… nhưng chiếc bóng chỉ còn một chân.
"Là mình đây sao?", cô tự hỏi, "khi mình ngúng nguẩy bàn tay dưới nắng mình vẫn múa được. Là mình đây sao, mình thử múa xem sao".
Băng tìm đến múa, trước hết để rèn đôi chân khỏe mạnh, giữ được thăng bằng. Ban đầu cô tập múa với chiếc giày bệt bên trái, tập được rồi cô "tham vọng" tập múa bằng giày cao gót.
"Sau tai nạn, tôi nghĩ cả đời không đi giày cao gót được nữa. Nhưng không chấp nhận, tập đi giày bệt được rồi, tôi quyết tâm đi với giày cao gót. Tôi lôi đôi giày cao gót giấu dưới xó giường ra.
Lúc đó đi thấp không dám đi cao, dần dần cao dần và bây giờ mua giày thấp nhất là 12cm", cô gái trẻ khoe chiếc giày cao gót đang mang và như để chứng minh, cô mở một bản nhạc sôi động và thả mình theo tiếng nhạc giữa đồi cỏ xanh.
...Băng vực dậy nhờ điệu múa, tiếng nhạc, kiên trì tập luyện thể thao.
Mỗi sớm cô chống đôi nạng ra sân vận động Hàng Đẫy ném lao, tập gym ở CLB Người khuyết tật. Rảnh rỗi cô đi tập võ, đi bơi, cưỡi ngựa, đi lặn…
Cô nói khó nhất với người còn một chân là đi lặn. Phù hợp với từng hoàn cảnh, Băng sẽ đi nạng hay thoải mái đi bằng chiếc chân trái còn lại.
Từ nhỏ, Băng đã thường xuyên tham gia văn nghệ ở trường và đoạt giải cao. Sau tai nạn, cô gái trẻ tìm lại đam mê, học điệu múa Ba Tư (Persian Dance).
Mới đây, hình ảnh cô gái dân tộc Tày trong vũ điệu bốc lửa "một chân" trong đêm chung kết cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết năm 2019 khiến cả khán phòng thán phục.
Phần vũ điệu này do chính cô sáng tạo bằng cách mix ba chủ đề: nhảy Tây Ban Nha, Ba Tư và Ấn Độ cho phù hợp với chiếc chân trái còn lại của mình.
Trải qua ba vòng thi, Bế Thị Băng xuất sắc đoạt vương miện hoa khôi một cách xứng đáng và giành thêm hai giải thưởng phụ là giải Thí sinh được yêu thích nhất và Tài năng.
Chiếc vương miện là món quà xứng đáng nhất cho hành trình nỗ lực không biết mệt mỏi, vượt qua nghịch cảnh của cô gái trẻ người dân tộc Tày Bế Thị Băng.
Băng nhớ lại, cuối năm 2015 cô nhận được tấm vé mời từ một người bạn đến cổ vũ cho các bạn thi chung kết Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết. Bước vào hội trường, đập vào tâm trí cô là dòng chữ "Vầng trăng khuyết".
Ký ức vụ tai nạn dội về, Băng cũng có một ký ức, ký ức từ một người bình thường trở thành người khuyết tật.
"Hiện tại tôi vẫn được đứng đây, được đọc dòng chữ Vầng trăng khuyết, tôi muốn tham gia cuộc thi", Băng tự nhủ với lòng.
29 tuổi, cô đăng ký dự thi với mong muốn gặp gỡ nhiều người bạn mới, hiểu hơn về cuộc sống của các bạn khuyết tật, không ngờ được lọt vào vòng trong. Đến đêm chung kết, khi MC đọc số báo danh 20 đoạt giải nhất, Băng khuỵu xuống vì quá bất ngờ.
"Hành trình của mình diễn ra tự nhiên, không phải là sự sắp xếp của số phận hay điều gì đó mình muốn là được. Bác sĩ nói với bố tiên lượng chỉ 5% thôi, còn lại phụ thuộc vào sức khỏe con bác. Tôi mất một chân, mất vĩnh viễn và phải chấp nhận sống với nó.
Không ai khác mà là chính mình, là cuộc sống của mình hiện tại. Không phải quá khứ mà là hiện tại, mình chấp nhận sống với nó bằng chính năng lực của mình", cô gái trẻ bày tỏ.
Sau cuộc thi, Băng được mời làm đại sứ cho chương trình Mottainai 2019 "Trao yêu thương, nhận hạnh phúc", tham gia nhóm hát Thương Thương Handmade hát cho người bệnh…
Tiếp xúc với Băng, cô gái trẻ giàu nghị lực như truyền đi năng lượng cho người xung quanh.
"Tôi thấy mình không phải là người may mắn mà là người hạnh phúc. Hạnh phúc vì vẫn còn được sống, được tận hưởng cuộc sống hiện tại, được thấy xã hội ngày một phát triển, đi được nhiều nơi gặp gỡ bạn bè…
Cuộc sống rất quan trọng nên mình rất trân trọng", cô hoa khôi tâm niệm.
HÀ THANH - HOÀNG THANH TÙNG
Kiều Nhi - Bảo SuZu