Cô gái Hà Nội lan tỏa hương trà Việt tại xứ sở kim chi

04/12/2021 19:00
Cô gái Hà Nội lan tỏa hương trà Việt tại xứ sở kim chi

Đặng Thu Trang (1993) tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học Sejong, hiện đang là chủ một cửa tiệm trà Việt tại thủ đô Seoul – Hàn Quốc.

Đang theo học chương trình Quản trị kinh doanh của trường đại học Ngoại Thương – Hà Nội, cô gái trẻ 9x sang Hàn tiếp tục theo đuổi đam mê học tập và quyết định sinh sống tại đây.

Ngày trước, ông của Trang từng có một quán trà đá vỉa hè, vì vậy niềm yêu thích với thức uống thanh lành ấy ngấm vào cô một cách tự nhiên. Ngay từ những ngày còn đi học, Trang luôn có mong muốn khoe trà Việt với bạn bè Hàn Quốc. “Thời gian đầu mới đọc tài liệu về trà, mình khá là bất ngờ vì trà Việt rất ít được nhắc đến trong các sách viết về trà. Nhiều khi thấy bất công lắm vì phở Việt, cà phê Việt thì ai cũng biết thế mà trà Việt lại không mấy người biết”, cô chia sẻ.

Cô gái Hà Nội lan tỏa hương trà Việt tại xứ sở kim chi - Ảnh 1.

Chị Đặng Thu Trang. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau khi tốt nghiệp tại đại học Sejong, Trang ban đầu chỉ có ý định nhập trà Việt Nam để bán online trên nền tảng Naver một thời gian mới góp vốn để mở quán. Nhưng may mắn, Trang tình cờ thấy bài đăng nhượng quyền quán với giá hợp lí, nên cô gái trẻ quyết định vay của hai gia đình bên nội - ngoại, thêm với khoản tiết kiệm nho nhỏ của bản thân sau thời gian đi làm thêm, mở quán sớm hơn so với dự định. 

Khó khăn của người tiên phong

Đến thời điểm hiện tại, quán của Trang là quán chuyên trà Việt duy nhất tại Hàn. Quán trà bé xinh nằm trong một ngõ nhỏ thuộc Yeonnam-dong – gần khu Hongdae nổi tiếng của Seoul. 

Mặc dù được đào tạo chuyên ngành liên quan đến dịch vụ, nhưng chọn Trà Việt – một thức uống mang đậm nét văn hóa - để bắt đầu, Trang gặp không ít khó khăn, như việc xin được các thủ tục hồ sơ mở quán cũng đòi hỏi Trang tốn rất nhiều thời gian để gặp gỡ, liên lạc với các cơ quan ban ngành có liên quan. “Mặc dù tiếng Hàn không kém nhưng việc tiếp xúc với một nhóm từ chuyên ngành đòi hỏi sự chuẩn xác cao thì không dễ chút nào. Hồi đầu mình sợ nghe điện thoại của các bên cơ quan gọi đến xác nhận lắm nhưng bây giờ mình quen rồi, không sợ nữa”, Trang nhớ lại.

Trang chia sẻ, thời gian đầu, mới khởi nghiệp gặp nhiều trở ngại, nhiều lúc rất nản, mệt mỏi. Nhưng may mắn, Trang luôn có gia đình ở bên hỗ trợ. Bố mẹ, em gái, thậm chí là bạn bè ở Việt Nam hỗ trong khâu vận chuyển và nhập trà. Ở Hàn, bố chồng và chồng cô cũng dành rất nhiều thời gian phụ giúp sửa sang quán xá. 

Kinh doanh trà đòi hỏi người đứng đầu phải có hiểu biết sâu và rộng. Vì vậy, Trang đã dành một khoảng thời gian dài đầu tư nghiên cứu chuyên môn và tập huấn. Không chỉ về trà, mà các kiến thức về pha chế, về thị trường, luật pháp, kế toán hay kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, đồ uống… cũng đều phải tìm hiểu. 

“Trà Việt không hề thua kém các nước có văn hóa trà đạo. Nhưng do một số nguyên nhân nên ít được xem trọng. Đây là yếu tố thuận lợi cho mình khi khởi nghiệp vì mọi người chưa biết đến, thị trường sẽ tiềm năng cho mình phát triển. Nhưng đó cũng là khó khăn do giai đoạn đầu, chỉ có một mình, sẽ vất vả gây dựng. Tôi đã phải vận dụng tối đa các kênh bán hàng, từ trực tiếp, gián tiếp, online, đến người quen... để phân phối sản phẩm”, 9x chia sẻ.

Tên quán là “Teasubway” (tên tiếng Hàn là 티하철) , được một người bạn thân của Trang đặt. Đây là một từ chơi chữ, kết hợp giữa 티: trà và 지하철: tàu điện ngầm, một phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến tại Hàn Quốc. Với ý nghĩa đây như một đoàn tàu trà, chở từng chuyến đầy ắp hương vị trà Việt, mỗi một chén trà, mỗi một lá trà đều chứa đựng những câu chuyện mang đầy màu sắc, văn hóa Việt đến với bạn bè Hàn Quốc và quốc tế. 

Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Trải qua nhiều vất vả giai đoạn đầu, hiện nay “chuyến tàu trà” của Thu Trang đã được nhiều người biết đến. Hiện tại, Trang có gần 20 dòng trà khác nhau. Các dòng trà mang đặc trưng của Việt Nam như trà Đinh, trà Sen, trà Thái Nguyên, bạch trà Tà Xùa (dân tộc H'Mong)… rất được ưa chuộng. 

Trang thường đóng trà thành những túi 3g nhỏ đủ cho 1 ấm trà và hiện tại đây là dòng sản phẩm bán chạy nhất ở quán. Bên cạnh đó, một số dòng trà có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được Trangkì công biến tấu, ủ thử nghiệm và rất thành công, như: phổ nhĩ, hồng trà ướp hoa quả, trà Ô Long ướp hoa. Ngoài những dòng trà truyền thống, các món đồ uống từ trà như: trà Mót Hội An, trà Đào Cam Sả… cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ Hàn khi tới quán. 

Cô gái 9x chia sẻ, có rất nhiều yếu tố để tạo ra một ấm trà ngon như chất lượng trà, chất lượng dụng cụ pha trà, nước pha trà, nhiệt độ pha trà… Không yếu tố nào là thừa và cũng không yếu tố nào được thiếu, tất cả hài hòa, hòa quyện và bổ trợ cho nhau. 

Cô gái Hà Nội lan tỏa hương trà Việt tại xứ sở kim chi - Ảnh 2.

“Chuyến tàu trà” ấm áp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trang đặc biệt tập trung vào yếu tố con người và sự trải nghiệm trên bàn trà. Một bàn trà ngon - thơm, hài hòa mọi yếu tố mà thiếu người cùng uống thì cũng bớt ngon. Một bàn trà đơn sơ, nhưng ngồi cùng người tri kỷ thì có đi đâu cũng sẽ không thể nguôi nhớ về. “Mình thích được nghe khách tâm sự những câu chuyện giản đơn của cuộc đời họ và mình cũng thích ánh mắt hào hứng mà khách tặng mình mỗi lúc được nghe kể câu chuyện trà Việt”, Trang tâm sự.  

Trang luôn hi vọng quán trà nhỏ của mình ở Hàn Quốc có thể trở thành một nơi chốn thân thuộc và bình an cho các anh chị em người Việt đang sinh sống xa quê hương. Mọi người có thể tìm gặp nhau, san sẻ những nỗi niềm, chia lửa cùng nhau cố gắng và nỗ lực hơn trong cuộc sống. 

Khát khao viết tên Việt Nam lên bản đồ Trà thế giới

Lúc còn đi học, khi đọc những trang sách viết về trà của những chuyên gia thế giới, hầu hết đều viết về trà Trung Quốc, Đài Loan, hoặc văn hóa trà Nhật… Nhưng những trang viết về trà Việt Nam rất ít, chỉ nhắc qua sơ sài về trà sen, trà xanh. Buồn vì thấy trà Việt không được xem trọng, Trang đã ấp ủ mong ước giúp trà Việt được vang danh.

Tâm sự lý do chọn Hàn Quốc làm nơi khởi nghiệp, Trang thấy ngành đồ uống của Hàn Quốc rất phát triển nhưng vẫn có rất nhiều thị trường ngách bị bỏ qua mặc dù rất màu mỡ. Vì vậy cô quyết định chọn thử sức ở đây – một môi trường bản thân cũng khá thân thuộc thay vì tới một nơi mới và bắt đầu lại từ đầu. 

Cô chia sẻ, phản ứng của các khách hàng, từ khách Việt tới khách Hàn cũng như khách nước ngoài về các sản phẩm trà của quán rất tốt. Đánh giá thị hiếu chung, người Hàn khá chú trọng hương thơm và hương vị trà nhẹ, thanh nên Trang tập trung quảng bá các dòng bạch trà và các dòng trà ô long ướp hoa do mình tự tay ủ.

Nhận thấy người Hàn khi nhắc tới trà vẫn quan tâm Trung Quốc, Đài Loan hơn, nên Trang sử dụng nhiều cách để tạo nét khác biệt cho trà Việt. Từ bài trí quán, 9x ưu tiên sử dụng các vật dụng rất Việt Nam như ấm trà Bát tràng hay chiếu cói đậm chất Việt... Ngoài ra thì trên các trang Facebook hay Instagram của quán luôn ưu tiên viết giới thiệu sản phẩm có cả tiếng Việt. Đặc biệt, khi giới thiệu sản phẩm Trang luôn giải thích tới khách hàng ý nghĩa của từng loại trà hay từng món đồ uống. Vì theo cô, nếu hiểu tường tận: tại sao có tên như vậy, vì sao sử dụng nguyên liệu ướp/ ủ như thế… khi uống sẽ cảm thấy trà thơm và ngon hơn. 

Cô gái Hà Nội lan tỏa hương trà Việt tại xứ sở kim chi - Ảnh 3.

Thu Trang đang giới thiệu với một khách Hàn Quốc về các sản phẩm trà. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Khách hàng đến quán rất thích và thấy uống trà ý nghĩa hơn, thích thú hơn. Bởi họ nói cảm nhận đó không đơn thuần là một loại thức uống, mà còn cả một miền văn hóa, mỗi lá trà đều chứa linh hồn, sinh động lắm”, Trang nói.

Tháng 5/2021, Trang đã triển khai “Khóa thưởng trà Việt 3 món”, hoạt động được thực khách rất đón nhận và đánh giá cao. Khách tới quán sẽ được chọn 3 món trà lá bất kỳ của Việt Nam, ngồi xuống bên bàn trà nhâm nhi từng ấm trà và cùng cô chủ nhỏ đàm đạo chuyện về đất nước Việt Nam, cũng như chuyện trà Việt. Vì mục đích của khóa là để quảng bá văn hóa trà Việt, vì thế nên mỗi khóa chỉ nhận 1 đến 2 khách. “Mỗi một câu chuyện trên bàn trà đều giúp mình hiểu thêm về thị hiếu của khách cũng như cách nhìn nhận của họ về trà. Từ đó, mình cũng có thể lên kế hoạch để tạo ra các sản phẩm thân thiện với thị trường hơn”, cô chia sẻ. 

Hiện tại diễn biến của dịch Covid tại Hàn vẫn còn rất phức tạp, nhưng năm 2022, Trang ấp ủ tổ chức nhiều sự kiện quảng bá văn hóa Việt hơn ở quán. Tết Âm lịch 2022 tới đây, cô dự định tổ chức sự kiện trải nghiệm tết Việt và sẽ có sự góp mặt của nhiều thức quà Việt trên bàn trà. Nhìn xa hơn, cô gái 9x sẽ tích cực tham gia nhiều hơn các hội chợ về trà để quảng bá cho hình ảnh trà Việt đến nhiều hơn với người dân Hàn Quốc. 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 15/10/2024