Chi tiền làm lăng mộ cho mình
Những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện vợ chồng ông Hồ Thiết (87 tuổi) và bà Văn Thị Thuận (86), ở làng An Bằng, xã Vinh An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đang sống khỏe mạnh nhưng đã chi 3 tỷ đồng tự xây lăng mộ đồ sộ cho mình. Điều đáng nói, 2 vợ chồng này không phải đại gia nhưng đã bỏ số tiền lớn để lo nơi yên nghỉ.
Phóng viên Dân trí đã có mặt tại khu nghĩa trang An Bằng hay còn được biết đến với nhiều cái tên khác, như: "thành phố ma", "thành phố lăng mộ", để ghi nhận thực tế.
Khu lăng mộ của vợ chồng ông Thiết, bà Thuận nằm ở mặt tiền một con đường trong khu nghĩa trang, có quy mô xây dựng tương đối lớn, bề thế hơn so với các lăng mộ khác.
Kết cấu khu lăng mộ gồm: bậc cấp trước lăng, 4 cặp trụ biểu (8 cột), tượng Phật, nhà bia và bình phong ở phía sau cùng. Khu mộ được trang trí đắp nổi hình linh vật rồng, phượng, cảnh quan sông núi, hoa lá; tầng trên của nhà bia và bình phong đều được lợp ngói đỏ, trang trí nhiều màu sắc. Bên trong lăng chưa có mộ phần.
Một người dân sống bên cạnh đường cho biết lăng mộ của vợ chồng ông Thiết thuộc top công trình lớn và có kiến trúc độc đáo nhất tại khu "thành phố lăng An Bằng". Theo người dân, ngày nào cũng có du khách, thậm chí cả khách nước ngoài về thăm và chụp ảnh, quay phim lăng mộ này.
Thời điểm chúng tôi ghi nhận, một đoàn du khách đến từ tỉnh Kon Tum đã không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên khi tận mặt chứng kiến "thành phố ma An Bằng" cũng như lăng mộ do gia đình ông Thiết xây dựng.
"Thấy đăng tải nhiều trên báo chí, mạng xã hội rồi nhưng hôm nay được chiêm ngưỡng tận mắt, tôi đánh giá rằng đây là khu dành cho người chết hoành tráng nhất Việt Nam", một người trong đoàn khách chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông Hồ Thiết xác nhận khu lăng mộ mà mọi người đang bàn tán là của gia đình bỏ tiền xây dựng từ năm 2021. Đây không phải là chuyện lạ tại làng An Bằng, khi có rất nhiều người ở đây đều chuẩn bị mộ phần cho mình lúc đã xế chiều.
"Năm 2021, tôi và mấy con cùng lên ý tưởng, tự thiết kế rồi kêu thợ về xây. Quá trình xây dựng kéo dài và mới hoàn thành năm ngoái (2023), với chi phí khoảng 3 tỷ đồng, chứ không đến 4 tỷ đâu", ông Thiết cho biết.
Theo bà Thuận, vợ chồng ông bà có 9 người con. Trước đây gia đình làm nghề chài lưới, nên điều kiện kinh tế thuộc diện khó khăn. Sau này, con của ông bà sang Mỹ định cư, làm việc, có tiền gửi về phụng dưỡng cha mẹ.
Hiện cả 9 người con đều sống ở Mỹ, thi thoảng mới về thăm quê. Ông Thiết, bà Thuận đã từng sang Mỹ sống cùng con nhưng không hợp nên trở về Việt Nam.
Bà Thuận cho biết việc xây lăng mộ được thực hiện khi 4 người con sau của ông bà chưa đi nước ngoài.
Do yếu tố lịch sử để lại
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại khu nghĩa trang An Bằng không chỉ riêng lăng mộ của gia đình ông Thiết có quy mô đồ sộ, hoành tráng, mà hầu hết các phần mộ ở đây đều được thiết kế, xây dựng rất cầu kỳ.
Tại khu nghĩa trang này, bên cạnh các lăng đã có mộ phần, có rất nhiều lăng khác để trống và thường được gọi là "lăng dành cho người còn sống".
Người dân An Bằng bắt đầu xây dựng lăng mộ cho cha ông với quy mô bề thế từ cách đây hàng chục năm. Lăng sau hoành tráng hơn lăng trước.
Nét độc đáo của "thành phố lăng" không chỉ về quy mô của những phần mộ mà còn về kiến trúc xây dựng lăng mộ đa dạng phong cách từ Phật giáo, Thiên Chúa giáo đến Nho giáo... kết hợp những nét đặc trưng kiến trúc lăng mộ ở Huế được các thợ xây sáng tạo theo ý nguyện của gia chủ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế), cho biết ông Hồ Thiết là đương kim thủ bộ (giống già làng) của làng An Bằng.
Theo ông Phụng, không riêng gia đình ông Thiết mà hầu hết người dân làng An Bằng khi có điều kiện đều xây dựng lăng mộ cho ông bà, cha mẹ, bản thân.
"Ngày xưa cha mẹ nghèo chưa có điều kiện để xây, nay con cái đi làm ăn xa, có thu nhập quay về báo hiếu, xây lăng mộ, nhà thờ để thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việc người dân xây dựng khu lăng mộ gia đình, dòng tộc là do yếu tố lịch sử để lại, trên phần diện tích mà gia đình đã canh tác từ trước đây. Còn họ bỏ ra bao nhiêu tiền để xây, chính quyền không thể quản lý", ông Phụng lý giải.
Theo Chủ tịch UBND xã Vinh An, toàn khu nghĩa trang An Bằng có diện tích khoảng 60ha và người dân chỉ cải tạo lại trên phần mộ cũ. Hiện chính quyền đã quy hoạch khu nghĩa trang nhân dân ở xã thôn An Mỹ với diện tích 5ha; đồng thời kêu gọi, vận động người dân không cơi nới lăng mộ, thực hiện nếp sống văn minh mới, sử dụng phương án hỏa táng khi có người thân qua đời.