Cuối tháng 9, xưởng chế tác tượng của anh Phan Văn Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho ngày 20/10. Tượng ở đây sẽ được thiết kế theo yêu cầu của khách, đa phần là tượng người mini.
"Toàn bộ tượng ở xưởng đều làm thủ công nên thời gian hoàn thiện khá lâu. Do đó, các đơn đặt hàng cho dịp 20/10, tôi chỉ nhận trước ngày 13/10. Năm nay, xưởng tôi nhận làm hơn 500 tượng người, mỗi tượng sẽ có giá từ 1 triệu đồng", anh Thắng nói.
Để kịp làm đơn trả khách, xưởng anh phải đẩy nhanh công suất và liên tục tăng ca. Bởi thời gian để hoàn thành ra một bức tượng hoàn chỉnh sẽ mất 1 - 2 tuần.
"Khó nhất khi làm tượng người là phải làm cho giống thật nên việc tạo khuôn mặt, nhất là đôi mắt rất tốn thời gian. Vì thế, mỗi khi khách gửi ảnh, chúng tôi đều nhắn mọi người chọn hình rõ mặt, rõ người, còn mẫu dáng nào thì chúng tôi đều tạo được", anh Thắng cho biết.
Thông thường, một sản phẩm tượng người sẽ có kích thước từ 15 - 20 cm. Trong đó, vật liệu chế tác tượng sẽ là nhựa nguyên sinh ABS và sơn mầu Acrilic Vllejo. Khi những bức tượng thô ra đời sẽ được tô màu đa dạng từ da, tóc, mắt, môi cho đến quần áo, giày dép, phụ kiện.
Theo anh Thắng, điều khiến bức tượng trở nên đắt giá nhất không phải ở nguyên liệu mà nằm ở khâu chế tác. Vì muốn làm ra một bức tượng phải trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó, sự khéo léo, thẩm mỹ của người thợ là yếu tố hàng đầu.
"Tôi bắt đầu thương mại sản phẩm từ tháng 10/2020 qua một lần tình cờ xem được video nói về ngành chế tác tượng ở nước ngoài. Khi nhìn lại thị trường Việt Nam, tôi thấy mọi người cũng biết đến một loại tương tự là tò he nhưng chúng đang có nguy cơ bị mai một dần và mất đi. Cho nên, tôi cũng muốn sản xuất loại tượng gì đó của người Việt, bán cho người Việt", anh tâm sự.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của anh Thắng lại là dân ngoại đạo, không có nhiều kiến thức nhiều về mỹ thuật, kiến trúc, hội họa nên anh phải đi khắp nơi tìm kiếm thợ về làm, sản xuất. Ban đầu, xưởng anh chỉ có 1 thợ, sau đó là 2 thợ, 3 thợ và đến nay là hơn chục thợ làm việc theo 2 hình thức full-time và part-time.
Trung bình mỗi ngày, xưởng anh Thắng đều xuất bán ra thị trường 10 - 15 tượng, còn vào những ngày lễ lớn có thể lên tới 20 - 30 tượng/ngày. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các sản phẩm của xưởng anh đều được bán theo hình thức online trên panpage, website và sàn thương mại điện tử.
Theo tiết lộ của anh, mỗi sản phẩm tượng bán ra thị trường, anh thu về 10 - 15% lợi nhuận.
Hoàng Dung