LTS: Tác giả “Chân trần chí thép” (Bare feet, Iron will) - Trung tá Thủy quân Lục chiến James G. Zumwalt có một người anh trai sống sót trở về từ cuộc chiến để rồi lại phải chiến đấu, và thất bại, trước một cuộc chiến khác chống bệnh ung thư do phơi nhiễm Chất độc Cam do chính Cha mình gây nên. Điều đó khiến ông trở nên nhạy cảm hơn đối với khổ đau mà cuộc chiến gây ra.
Nhưng mãi đến khi trở lại Việt Nam năm 1994 cùng cha và sau hơn 10 năm ông mới nhận ra rằng nỗi đau chiến tranh đã giáng xuống cuộc đời những con người dũng cảm chiến đấu ở cả hai đầu chiến tuyến. Ông viết “Chân trần chí thép” để xây dựng nền tảng cho hàn gắn. Với hy vọng rằng, bằng cách hiểu hơn nỗi đau của hai phía phải chịu đựng trong cuộc chiến, những ai vẫn còn nhói đau vì thương tích có thể tìm thấy trong trái tim mình sức mạnh để hàn gắn.
Địa đạo Củ Chi, Xa lộ ngầm dưới lòng đất
Trong chiến tranh, có nhiều hệ thống địa đạo khác nhau đã được đào ở nhiều nơi, nhưng địa đạo Củ Chi là ấn tượng nhất. Là một hệ thống rộng lớn (một xa lộ ngầm vào lúc cao điểm có tổng chiều dài 340 cây số, kết nối hầu hết thôn làng lại với nhau), sự hiện diện trong suốt cuộc chiến của hệ thống địa đạo ngay bên rìa của thủ đô quân thù là nguồn cơn của nỗi bẽ bàng lớn đối với chính quyền Sài Gòn cũng như là niềm tự hào bất tận của du kích quân.
Thiếu tướng đã quá cố Trần Hải Phụng, tư lệnh của lực lượng tại địa đạo Củ Chi, đã cho chúng ta một hình dung cơ bản về quy mô của ma trận dưới lòng đất: “Chỉ riêng một hệ thống địa đạo đã rộng tới 16.000 hécta – một khu vực bao gồm sáu ngôi làng”. Địa đạo lớn tới mức người ta đã phải đặt “biển chỉ đường” tại một vài nơi để người mới đến khỏi đi lạc.
Nằm cách Sài Gòn bảy mươi cây số về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi ra đời vào năm 1945, theo sau thất bại của quân Nhật trong Thế chiến thứ II và việc Pháp nỗ lực tái chiếm đóng Việt Nam.
Tướng Phụng kể: “Sự hình thành địa đạo Củ Chi là một hệ quả từ cuộc chiến toàn dân của chúng tôi. Là cuộc chiến tranh nhân dân, có nghĩa là không cần phải gia nhập quân đội rồi mới chiến đấu – mà chiến đấu ngay tại nhà mình. Năm 1945, chúng tôi bắt đầu tấn công các mục tiêu ở Sài Gòn. Khi người Pháp phản công, chúng tôi rút về làng. Quân Pháp sau đó tìm cách tàn phá thôn làng và đuổi dân đi chỗ khác. Nhưng chúng tôi quyết tâm bám trụ, vì thế chúng tôi đào hầm ở những nơi chiến sự có khả năng xảy ra. Sau đó các hầm được kết nối lại với nhau. Công việc đào hệ thống hầm Củ Chi bắt đầu vào cuối năm 1946, tại thôn Tân Phú Trung”.
Ban đầu hệ thống hầm ngầm và địa đạo kết nối ra đời với mục đích phòng thủ, nhưng Tướng Phụng giải thích rằng điều đó đã thay đổi: “Tân Phú Trung có hệ thống địa đạo hoàn thiện sau khi hoàn tất vào đầu năm 1947, thời điểm quân Pháp mở chiến dịch trên bộ rất lớn nhằm vào chúng tôi. Vì điều này cũng như tính hiệu quả của địa đạo mà chúng tôi đã quyết định tiếp tục đào thêm.
Từ đó, các làng khác cũng đào địa đạo. Ban đầu, chúng tôi chỉ cặm cụi đào – miễn sao có thể chui xuống lòng đất là được – nhưng không chú trọng việc kết nối hầm lại với nhau. Sở dĩ như vậy là vì chúng tôi chỉ nghĩ rằng hầm là phương tiện phòng thủ, giúp trốn tránh quân Pháp. Không có hầm, chúng tôi có thể bị đánh bật ra khỏi làng mạc. Nhưng sau đó chúng tôi nhận thấy rằng hầm hào cũng có thể được sử dụng để tấn công – vì chúng giúp chúng tôi tiến vào sát nách kẻ thù và bất ngờ ra tay”.
Tướng Phụng cho biết việc đào địa đạo Củ Chi được triển khai theo ba giai đoạn khác nhau: “Giai đoạn thứ nhất diễn ra suốt thời kỳ chín năm kháng Pháp. Giai đoạn thứ hai gồm: Từ 1954 đến 1959, khi xung đột diễn ra trên mặt trận chính trị chứ không phải trên chiến trường, địa đạo ít được mở rộng, quân của chúng tôi luôn tránh đụng độ và chỉ sử dụng nơi này để trú ẩn. Từ 1959 đến 1964, khi tình thế cho thấy cuộc chiến chống (Ngô Đình) Diệm không thể dừng lại ở mặt trận chính trị, chúng tôi bắt đầu triển khai tấn công và mở rộng phạm vi hoạt động.
Giai đoạn ba diễn ra vào cuối năm 1964 khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam và chúng tôi nhận thấy rằng chiến tranh sẽ sớm trở nên khốc liệt. Cần phải mở rộng mạng lưới địa đạo ngay lập tức, làm cho địa đạo lớn hơn và phức tạp hơn. Để bảo vệ hầm ngầm tốt hơn, chúng tôi triển khai bố phòng trên mặt đất, làm ra nhiều loại bẫy nguy hiểm và sử dụng cả mìn chống tăng”.
Thời điểm quân Pháp bại trận vào năm 1954, hệ thống địa đạo chỉ có quy mô chừng mười phần trăm so với hệ thống dài 350 cây số khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. Trong giai đoạn 1954-1959, công việc đào địa đạo được triển khai nhỏ giọt; còn giai đoạn 1959-1964 thì ngưng trệ hoàn toàn; phần lớn việc đào địa đạo diễn ra trong thời gian Mỹ tham chiến.
![]() |
Chiến dịch Crimp, cuộc càn quét đầu tiên
Vào tháng 1 năm 1966, quân Mỹ mở cuộc tấn công đầu tiên ở vùng này – Chiến dịch Crimp (Chiến dịch Nhử địch) được triển khai từ ngày 8 đến 14 tháng 1 năm 1966, với khoảng 8.000 lính bộ binh và dù của Mỹ, Úc đã tấn công khu vực Củ Chi.
Điều lưu ý là Chiến dịch Crimp không nhằm mục đích đánh bật Việt Cộng ra khỏi địa đạo, bởi lúc bấy giờ người Mỹ vẫn chưa hề biết đến sự hiện diện của hệ thống hầm ngầm. Chiến dịch bao gồm một cuộc tấn công ở rừng Hố Bò, phía tây “Tam giác sắt” (nằm giữa sông Thị Tính và sông Sài Gòn, giữa ba vùng đất Bến Cát, Trảng Bàng và Củ Chi). Nơi du kích quân có thể đi lại an toàn trong khu vực này vào ban ngày thông qua hệ thống địa đạo Củ Chi mà không một lần đặt chân lên mặt đất.
Crimp là một chiến dịch “trên đe dưới búa” – lực lượng Mỹ trên sông Sài Gòn đóng vai trò là cái đe, còn cuộc càn quét do Sư đoàn Lục quân số 1, biệt danh “Anh cả đỏ”, đóng vai trò như cái búa. “Anh cả đỏ” đổ quân xuống Bắc Củ Chi, chuẩn bị quét sang vùng Đông Nam, hướng về phía sông Sài Gòn để vây hãm du kích quân.
Kế hoạch này rất đơn giản và có vẻ như sẽ dễ dàng bẫy được bất cứ du kích quân nào trong vùng. Sau khi đổ xuống từ trực thăng, Sư đoàn số 1 của Mỹ lập tức bị đối phương tấn công bằng súng nhỏ. Hỏa lực tiếp tục mạnh lên khi Sư đoàn 1 tiến về phía sông Sài Gòn. Tuy nhiên, mỗi lần quân Mỹ tìm cách rượt đuổi, dường như du kích quân đột nhiên bốc hơi hết vậy.
Quân Mỹ phát hiện một số hầm ngầm và hào nhưng tất cả đều trống. Khi quân Mỹ tới được bờ sông Sài Gòn thì đã chịu tổn thất lớn – và không hề tìm thấy một lính Việt Cộng nào. Người Mỹ bắt đầu bấn lên với cảm giác như đang đối đầu với một kẻ địch vô hình vậy.
Khi Sư đoàn 1 quành lại khu vực Tam giác sắt một lần nữa, một lính cảnh giới đã phát hiện ra một cửa sập được ngụy trang kỹ càng dẫn tới đường hầm bên dưới. Giữa lúc binh sĩ Sư đoàn 1 đang kiểm tra lối vào hầm thì một du kích quân trồi lên từ cánh cửa sập gần đấy. Khẩu súng tự động trong tay khạc lửa vào khu vực xung quanh trước khi anh ta chui tọt xuống hầm. Lính Sư đoàn 1 sau đó lần xuống lối vào địa đạo thứ hai này. Nhưng khi họ vừa chui xuống thì có tay súng thứ hai trồi lên từ một cửa địa đạo thứ ba xả súng vào họ. Các quân nhân Sư đoàn 1 nhanh chóng nhận ra rằng họ đang đối diện với một tình huống hoàn toàn mới. Chương trình huấn luyện trước đây chưa từng chuẩn bị cho Sư đoàn 1 kỹ năng đối phó với du kích quân tại mặt trận dưới lòng đất.
![]() |
Một người lính "chuột chũi" |
Mặt trận dưới lòng đất
Trong Chiến dịch Crimp, một nhóm lính mới có biệt danh “chuột chũi” đã được triển khai khi quân Mỹ tìm cách đánh bật du kích ra khỏi hầm ngầm. Cửa vào hầm thường rất nhỏ – quá nhỏ so với cơ thể trung bình của người Mỹ. Vì thế, những binh sĩ nhỏ con xung phong bò vào hầm để thám xét. Nếu may mắn thì lính chuột chũi có thể gặp hầm trống không; nhưng sẽ là thảm họa nếu sa vào bẫy hoặc đối mặt với du kích quân – những tình huống thường có lợi cho phía phòng thủ.
Một nguyên tắc chiến tranh được các tư lệnh quân đội quán triệt qua hàng thế kỷ đó là, nếu điều kiện cho phép, phải huy động càng nhiều quân càng tốt. Nhưng du kích quân ở Củ Chi lại không nghĩ như thế. Bên dưới hầm ngầm, lực lượng càng nhỏ thì khả năng thành công càng cao – bởi lẽ càng ít người thì di chuyển càng dễ.
Đại tá Châu Lâm được điều tới Củ Chi vào năm 1962 và ở đó suốt cuộc chiến tranh. Vào thời điểm Chiến dịch Crimp nổ ra, ông đang là trung úy. Ông Lâm giải thích: “Chúng tôi có ít người và luôn triển khai cách đánh đem lại lợi thế cho lực lượng nhỏ”.
Nguyên tắc càng ít càng tốt được quân Việt Cộng áp dụng trong suốt Chiến dịch Crimp. Trong khi hơn 8.000 quân Mỹ và Đồng minh càn quét về hướng sông Sài Gòn, vài trăm du kích quân – thường được tổ chức theo nhóm ba, bốn người – liên tục gieo rắc nỗi kinh hoàng cho đối phương.
Ông Lâm cho biết. “Họ không biết chúng tôi ở đâu. Chúng tôi nổ súng khi họ tiến lên, sau đó lại chui xuống hố rồi chuyển qua vị trí khác và tiếp tục đánh bất thần. Chúng tôi bắn trúng nhiều người, và khi họ dừng lại để cứu thương hoặc quy tập người chết, chúng tôi tiếp tục tràn lên đánh. Khi họ đuổi theo thì chúng tôi biến mất. Họ bị bất ngờ trước chiến thuật này, và lúc đầu thì họ chẳng biết các cuộc tấn công được triển khai từ hướng nào”.
Ông Lâm chỉ rõ tính hiệu quả trong chiến thuật của Việt Cộng: “Với lực lượng nhỏ hơn nhiều, chúng tôi vẫn có thể đánh lui được một đội quân rất lớn”. Ông nói tiếp: “Tuy nhiên, phải nói là chiến thuật mà người Mỹ áp dụng để đối phó với địa đạo cũng rất ghê gớm”.
Kỳ tới: Tấn công địa đạo