Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu (có biệt danh Chúa đảo Tuần Châu) cho biết công ty con của ông khởi kiện vì họ bỏ kinh phí cho Việt Tú đi nước ngoài học tập, chi tiền đầu tư và thuê đạo diễn này dàn dựng theo ý tưởng của họ. Nhưng sau đó, Việt Tú "ngấm ngầm đăng ký bản quyền" kịch bản vở diễn.
Theo Công ty CP Tuần Châu giải thích, hợp đồng hơn 7,4 tỉ được chính Công ty DS (đại diện là đạo diễn Việt Tú) đã nhận thực hiện tư vấn, thiết kế kỹ thuật, dàn dựng vở diễn có tên "Ngày xưa" (tên khác là "Thủa ấy xứ Đoài") tại Khu Du lịch Tuần Châu Hà Nội (nằm trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Theo hợp đồng, DS có nhiệm vụ tiếp cận và tìm hiểu quy mô dự án theo yêu cầu của chủ đầu tư, thiết kế hạ tầng biểu diễn, đưa ra các giải pháp biểu diễn cho dự án, tổ chức hoạt động biểu diễn, đào tạo diễn viên, thiết kế kịch bản, nội dung biểu diễn...
Rất đông các phóng viên đã đến theo dõi vụ kiện
Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội khẳng định đã đầu tư xây dựng kịch bản vở diễn, thanh toán cho đạo diễn Việt Tú (giám đốc DS) hơn 7 tỉ đồng và chi gần 6 tỉ đồng cho việc biểu diễn năm 2017 nên có quyền sở hữu. Do vậy, việc đạo diễn Việt Tú tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả với tác phẩm tại Cục Bản quyền; khai thác trái phép nhãn hiệu "Thủa ấy xứ Đoài"... là không đúng quy định.
Trả lời tại tòa, đạo diễn Việt Tú lại khẳng định "Thuở ấy xứ Đoài" là sản phẩm sáng tạo của ông. "Đầu bài họ đặt ra là tôi muốn làm cái gì cũng được, miễn là có bán vé. Các cáo buộc còn lại cũng vô lối và không có bằng chứng", vị đạo diễn nói và cho biết ông có trong tay bằng chứng hình ảnh không thể chối cãi về việc vở diễn ''Tinh hoa Bắc Bộ'' - sản phẩm Công ty CP Tuần Châu Hà Nội thuê người khác dàn dựng sau này là tác phẩm dựa trên ý tưởng sáng tạo của mình.
Đạo diễn Việt Tú cho biết, anh đã có ý tưởng về việc tổ chức biểu diễn vở thực cảnh tại Việt Nam từ năm 2009. Khi đó, anh đã manh nha hình thành vở thực cảnh có tên gọi “Mặt nước hồn người”. Việc này có hai người làm chứng là nghệ sĩ Chu Lượng và nghệ sĩ Đinh Công Đạt.
Sau đó khi ông chủ của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội có nhu cầu thì Việt Tú có cơ hội thực hiện ý tưởng này. Đạo diễn Việt Tú khẳng định anh đã có ý tưởng dựng vở thực cảnh “Ngày xưa” từ trước khi Công ty CP Tuần Châu Hà Nội tìm đến hợp tác. Vị đạo diễn này cho rằng, cũng bởi không phải chuyện đặt hàng đơn thuần nên phía Công ty CP Tuần Châu Hà Nội mới đồng ý với điều khoản sẽ để Công ty DS hưởng 10% doanh thu từ vở “Ngày xưa” trong suốt vòng đời vở diễn này, ngoài việc chi trả các chi phí đầu tư dựng vở.
Đạo diễn Việt Tú vừa ra khỏi tòa án đã được các phóng viên tới hỏi về thông tin cụ thể
Bên cạnh đấy, đạo diễn Việt Tú muốn tòa án phải tuyên Công ty CP Tuần Châu Hà Nội phải trả phần nợ chưa thực hiện được theo nghĩa vụ đã cam kết trước đó. Hơn nữa, đạo diễn Việt Tú phủ nhận việc vi phạm hợp đồng về quyền công bố tác phẩm. Anh khẳng định không có vở thực cảnh nào trên thế giới lại được dàn dựng trên nền không gian của một vở trước đó.
Tuy nhiên luật sư của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội cáo buộc Việt Tú vi phạm nhiều nguyên tắc thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên, cụ thể là cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn. Và chính Công ty CP Tuần Châu Hà Nội đòi Công ty DS cụ thể là đạo diễn Việt Tú bồi thường hơn 6 tỉ đồng là chi phí thuê người làm vở diễn thay thế, thuê luật sư.
Về cáo buộc trên, đạo diễn Việt Tú cho rằng các cáo buộc của nguyên đơn mang tính áp đặt. Hầu hết các luận điểm không có chứng cứ thuyết phục. Ông Việt Tú cho biết thêm cũng đệ đơn khởi kiện Tuần Châu Hà Nội đòi công nhận quyền sở hữu vở diễn nói trên, tiền bản quyền, chi phí khác... Đơn này được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý trong vụ án khác.
Sau khi nghe hai bên trình bày, Hội đồng xét xử phiên tòa đã tiến hành xét hỏi hai bên. Một trong những điểm tranh luận đáng chú ý giữa hai bên tại phiên tòa là việc phía Công ty DS trưng ra các tấm vé mà bên này cho rằng được bán trong 10 buổi công diễn đầu tiên của vở “Ngày xưa”. Tuy nhiên, phía Công ty CP Tuần Châu Hà Nội bác bỏ chi tiết này và cho rằng, 10 buổi diễn đó thực tế là buổi diễn thử, không phát hành vé hay thu bất cứ chi phí nào, đồng thời cho biết các tấm vé trên không có dấu của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng đã trưng ra bản đánh giá từ Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam để phục vụ việc xét xử vụ án. Chủ tọa phiên tòa cho biết, ngày 3.1.2018, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã thành lập hội đồng thẩm định để xem xét 2 vở thực cảnh “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc Bộ” dựa trên kịch bản, video quay, bản vẽ, thiết kế 3D, ý tưởng nghiên cứu ban đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng…của cả 2 vở.
Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định đưa ra kết luận vở “Tinh hoa Bắc Bộ” có nhiều điểm giống nhau về cơ bản với vở “Ngày xưa”. Trong trường hợp một vở có sau mà có sự giống nhau như vậy thì ở góc độ sân khấu, vở đó không thể coi là sáng tạo nghệ thuật độc lập mà chỉ được coi là vở diễn phái sinh.
Phiên xét xử sơ thẩm vụ án kéo dài đến tối ngày 14.3. Hội đồng xét xử quyết định sẽ tuyên án vào 20.3.2019.
Đạo diễn Việt Tú khẳng định sẽ theo vụ kiện Công ty Tuần Châu tới cùng
Đạo diễn Việt Tú phải đối mặt với đơn kiện bồi thường hơn 6 tỉ đồng
Chuyện 'Thủa ấy xứ Đoài' đến 500 tỉ của đạo diễn Việt Tú
Dạ Thảo