Nhà văn Trần Hương Giang - em gái của nhà văn, nhà thơ Trần Hữu Lục báo tin buồn, anh trai của bà đã mất lúc 8 giờ 30 phút ngày 30.8.2021 tại Bệnh viên Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) do nhiễm COVID-19.
“Anh tôi nhập viện cách đây mấy ngày do sốt và có biểu hiện triệu chứng của COVID-19 nên gia đình đưa vào viện. Vì đã 80 tuổi, có nhiều bệnh nền lại bị mắc COVID-19 nữa nên bác sĩ không thể cứu chữa được. Anh cũng không kịp trăng trối lại điều gì. Là người em gắn bó, sâu sát gần như cả cuộc đời với anh, tôi vô cùng tự hào vì những đóng góp của nhà văn - nhà thơ Trần Hữu Lục cho văn học, điện ảnh và báo chí nước nhà cũng như quê hương xứ Huế" - Nhà văn Trần Hương Giang nói.
Nhà văn, nhà thơ Trần Hữu Lục ra đi giữa lúc TP.HCM đang thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội để chống COVID-19 nên giới văn nghệ sĩ bạn bè đồng nghiệp của ông như nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, nhà thơ Ngô Minh... chỉ biết ngậm ngùi viết lời tiễn biệt ông trên mạng xã hội Facebook.
Nhà văn Bích Ngân -Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM viết: “Xin được chia buồn sâu sắc cùng nhà thơ Trần Hương Giang, cùng gia đình nhà thơ Trần Hữu Lục và tang quyến. Xin tiễn biệt 'một giọt Huế' của sông Hương...”
Nhà văn, nhà thơ Trần Hữu Lục sinh ngày 13.4.1944 tại Huế, ông chủ yếu sống ở Sài Gòn, viết văn làm thơ làm báo và thành danh tại đây. Ông là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học đô thị miền Nam trước năm 1975. Ông là thành viên nòng cốt của Nhóm Việt - nhóm văn học nghệ thuật đối kháng tại miền Nam trước 1975, chống lại khuynh hướng lai căng, vong bản. Ông từng là chủ biên của tập san Thân Hữu (Đại học Sư phạm Huế - 1967), chủ bút báo Sinh viên Huế (1968), phụ trách văn nghệ trên Nguyệt san Đối diện (từ 1972 đến 1975), viết văn trên các báo và tạp chí Việt, Đất nước, Ý thức…
Trần Hữu Lục cũng là gương mặt nổi bật trong phong trào “xuống đường” tranh đấu của học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ đô thị miền Nam vào những năm 1960-1970. Ông sát cánh cùng với những văn nghệ sĩ tiêu biểu của phong trào này ở Huế như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền, Đông Trình, Võ Quê, Nguyễn Phú Yên…
Về văn chương, tác phẩm của Trần Hữu Lục đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài, và ông cũng dành khá nhiều tình cảm với Huế - quê hương của ông qua loạt tác phẩm Tượng đài Sông Hương (năm 2004), Chuyện Huế ít người biết (Biên soạn 2004), Sông Hương ngoài biên giới (năm 2006).
Với những tác phẩm văn chương Trần Hữu Lục viết về Huế, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người đồng hương của ông nhận xét: "Những hoài niệm Huế đã kết tủa thành ngôn từ trong tâm hồn Trần Hữu Lục. Trong Lục cho đến nay vẫn luân lưu một dòng thi ca như thế. Rất nhẹ nhàng mà nồng ấm, ngọt ngào mà tinh tế, lay động với những kỷ niệm mang mang tình yêu, quê nhà…”
Ngoài những trang viết về Huế, Trần Hữu Lục còn có nhiều tác phẩm khác như Cách một dòng sông (tập truyện ngắn - Đối diện xuất bản 1971), Chiếc bóng (tập truyện 1987), Lời của hoa hồng (tập thơ 1997), Thời tôi yêu (tập truyện 1998), Đưa đò (bình văn - tản văn 2002), Thu phương xa (tập thơ 2003), Vạn Xuân (tập thơ 2006), Mẹ và con (truyện - bút ký 2007).