Anh Nguyễn Minh Tiến (sống ở Hà Nội) từng có dịp ghé thăm làng cổ Đường Lâm và nhanh chóng bị thu hút bởi những gian nhà cổ kính, nhuốm màu thời gian. Tranh thủ đợt nghỉ lễ Tết dương lịch vừa qua, anh quyết định trở lại nơi đây để thực hiện bộ ảnh về Tết cổ truyền miền Bắc.
Để có những bức hình chân thực, giàu cảm xúc nhất, anh Tiến cũng dành nhiều thời gian để làm quen, trò chuyện, tâm sự với các cụ già ở Đường Lâm. Các cụ ông, cụ bà trong trang phục truyền thống luôn nở nụ cười thân thiện, hiếu khách, hỗ trợ du khách thực hiện các bộ ảnh tái hiện không khí Tết xưa.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45km, làng cổ Đường Lâm là điểm đến nổi tiếng được đông đảo du khách thập phương yêu thích. Nơi đây còn được gọi là "đất hai vua" vì là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng. Năm 2006, Đường Lâm vinh dự trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta và đã được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân trong làng từ trẻ em đến người già lại tất bật trang trí nhà cửa, chuẩn bị nguyên vật liệu để gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống để đón chào năm mới.
Đây cũng là thời điểm du khách thập phương ghé thăm làng rất đông. Họ thích thú chụp hình, ghi lại những khoảnh khắc mang đậm không khí Tết cổ truyền ở làng quê miền Bắc, gợi nhắc về kỷ niệm tuổi thơ một cách thân thuộc, gần gũi.
Có nhiều lối vào làng cổ Đường Lâm nhưng cổng làng Mông Phụ vẫn mang nhiều dấu ấn nhất. Đây là cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở khu vực Bắc Bộ, được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và lớp đá ong. Cạnh cổng làng là cây đa hơn 300 năm tuổi, tạo nên khung cảnh thực sự thanh bình và cổ kính.
Khi xưa, người dân trong làng đã đào những lớp đá ong dưới lòng đất để xây nhà, tạo nên những gian nhà cổ kính, bền vững theo thời gian như ngày nay. Khắp các con đường, ngõ ngách đều được lát gạch sạch sẽ. Hai bên là những bức tường đá ong màu vàng sậm, trở thành nét đẹp đặc trưng riêng khó tìm thấy ở nơi đâu.
Ảnh: Nguyễn Minh Tiến