Không gì quen thuộc với con người hơn nước. Nhưng có lẽ cuốn sách Bí ẩn của nước của tác giả người Ý Paolo Consigli sẽ khiến nhiều người phải nghi ngờ hiểu biết của mình về nước, đặc biệt là nguồn nước đô thị mà ta đang sử dụng hàng ngày.
Tác giả Paolo Consigli - bác sĩ và nhà tâm lý học người Ý - đưa ra con số đáng giật mình: 35% dân số thế giới thậm chí không được tiếp cận với nước có thể uống được, chứ đừng nói là nước tốt. Còn ngay tại các đô thị phát triển nhất, "đa phần người dân phải sử dụng thứ nước chứa vô số chất ô nhiễm, độc hại, và đe doạ sức khoẻ con người".
Ông giải thích rõ hơn: "Nền văn minh chú trọng sự tiện nghi đã giúp chúng ta có được nước sinh hoạt ngay tại nhà mà không phải đi xa như ngày xưa, để rồi chúng ta phải đánh đổi bằng chất lượng nước.
Nước chảy từ vòi của chúng ta là loại nước đã tiếp xúc với vô số chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, các hợp chất nitrat và phân bón nitơ ngấm vào đường nước từ đất nông nghiệp hay các khu công nghiệp".
Lội ngược về hàng nghìn năm trước, tổ tiên chúng ta vốn rất trân trọng nguồn nước mà họ có. Hầu như các nền văn minh cổ xưa đã ý thức được tầm quan trọng của nguồn nước đối với sức khỏe và vệ sinh.
Chẳng hạn, người dân sống ở các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có độ cao lớn (như Tây Tạng, Ecuador, Mông Cổ, Caucasus) ý thức rằng họ sống thọ được là nhờ nguồn nước uống có độ tinh khiết cao.
Hoặc như, tác giả dẫn kết quả nghiên cứu, cho thấy "nước tinh lọc" (nước qua xử lý) không hẳn là nước tốt vì không có sự cân bằng ion cũng như các chất cần thiết để duy trì sự sống như nước tự nhiên.
Tác giả Paolo Consigli hiện đang khám chữa bệnh tại Milan (Ý) và giảng dạy tại Hiệp hội Đông y châu Âu.
Ông dành thời gian nghiên cứu sâu và đa dạng về nước, từ nguồn gốc cấu tạo, các giả thuyết tiến hóa liên quan đến nước, cách các nền văn minh cổ xưa tận dụng sức mạnh của nước, và đặc biệt là nước trong cơ thể con người,
Không chỉ cảnh tỉnh chất lượng nước trong đô thị và sức khỏe, cuốn sách Bí ẩn của nước còn cung cấp những hiểu biết quan trọng về hiện trạng các hoạt động văn minh đang can thiệp tiêu cực đến nguồn nước sông ngòi, đại dương ra sao.
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả khuyến khích một sự quan tâm xác đáng hơn và sự can thiệp hòa hợp hơn của con người vào nguồn nước và tự nhiên, "đề cao tính chuẩn xác, chú trọng sự cân bằng tinh tế của tự nhiên".
Tinh thần đó "hướng đến việc xây dựng một xã hội không chỉ hiệu quả hơn, mà còn nhân văn, năng động và cởi mở hơn".
"Xã hội đó sẽ là con sông được điều tiết bởi hai bờ sông tạo thành từ những giá trị đạo đức và xã hội - các giá trị không phải ranh giới nhân tạo mà hình thành từ những dòng chảy tự do của chính ‘con sông’", Paolo cho hay.
Sự quan tâm đúng mức dành cho nước nói riêng lẫn không khí, đất đai, cây cối, các loài sinh vật - những yếu tố tự nhiên nói chung - là điều cốt lõi, cơ bản nhất trong bảo vệ môi trường, mà đúng hơn, bảo vệ sức khỏe và sự tồn tại của chính loài người.