Bí ẩn của nước kỳ 1: ‘Phù thủy Nước’ phát minh máng chuyển gỗ

FN13/01/2021 16:30
Bí ẩn của nước kỳ 1: ‘Phù thủy Nước’ phát minh máng chuyển gỗ

Viktor Schauberger, ở nửa đầu thế kỷ XX, được biết đến với cái tên “Phù thủy Nước”. Ông là nhà phát minh đã đưa ra các giải pháp độc đáo nhằm khai thác các thuộc tính của nước, sáng chế các hệ thống vận chuyển gỗ và hàng hóa hiệu quả qua các dòng sông được áp dụng khắp Châu Âu.

Từ việc nghiên cứu dòng chảy của nước

Khi Thế chiến I kết thúc, Viktor Schauberger tốt nghiệp trường lâm nghiệp, Hoàng tử nước Áo thuê ông giám sát khu vực miền núi cạnh sông Bernerau, thị trấn Steyerling. Tại đây, ông có cơ hội quan sát tỉ mỉ về chuyển động của dòng nước và liên hệ đến hệ động thực vật phát triển mạnh mẽ xung quanh.

Schauberger biết rằng nước có xu hướng chảy mạnh hơn những lúc trời trở lạnh, theo giờ lẫn theo mùa. Schauberger vẫn còn nhớ rằng cha ông - cũng từng là nhân viên kiểm lâm - luôn chọn những đêm trăng tròn để vận chuyển hàng trăm ngàn mét khối gỗ dẻ gai trên sông. Lý do sức nước có thể được tận dụng tốt hơn vào ban đêm được người cha giải thích bằng một hình ảnh ẩn dụ sinh động, đó là tia nắng mặt trời làm sông “mệt mỏi và lười biếng nên nó cuộn tròn và ngủ”. Tuy nhiên vào ban đêm, dòng sông thức dậy và có khả năng đỡ được sức nặng của gỗ tốt hơn, đặc biệt trong những đêm trăng tròn.

Một ngày nọ, Schauberger nhận thấy một con suối trước đó đang đầy nước bỗng trở nên khô hạn sau khi vòm đá tự nhiên che phủ đầu nguồn của nó không còn. Sau khi mái vòm mới được dựng lên, con suối bắt đầu chảy trở lại. Hiện tượng này cùng với quan sát về xu hướng phân bố dọc theo dòng nước của cỏ cây đã khiến Schauberger đưa ra giả thuyết rằng nước nhạy cảm với bóng râm và hệ thực vật xung quanh.

Chính sự uốn lượn của hầu hết các dòng nước và bóng râm tạo ra bởi thảm thực vật hai bên bờ nhằm bảo vệ nước khỏi ánh nắng trực tiếp đã đảm bảo nhiệt độ thấp cho dòng chảy, từ đó tối ưu hóa sức mạnh và khả năng chịu tải của nước. “Nước muốn chảy theo cách này - uốn cong và tạo ra những bờ có bóng mát để bảo vệ chính nó khỏi ánh nắng trực tiếp của mặt trời.”

Schauberger đã áp dụng những ý tưởng của mình và gặt hái nhiều thành công. Mùa đông năm 1918, chỉ trong một đêm ông đã chuyển xuống 1.600 mét khối gỗ từ những ngọn núi dọc theo một con sông chảy qua khu vực được cho là không thể băng qua.

Thời điểm đó, chưa có chuyên gia nào thành công trong việc thiết lập hệ thống vận chuyển gỗ từ trên núi xuống thung lũng, cho đến khi Schauberger áp dụng thuyết chuyển động của nước vào công việc. Thoạt đầu, ông không được tham gia, chỉ đến khi tất cả các kỹ sư cũng như giáo sư đại học đều chịu thua trong việc xác định và giải quyết vấn đề thì Schauberger mới được cân nhắc cho thử sức.

Mặc sự cau có khinh bỉ của những chuyên gia, Schauberger đã tạo ra một máng gỗ có hình dạng trái ngược với mọi logic - không thẳng và cũng không đặt dọc theo con đường ngắn nhất. Thay vào đó, máng gỗ của ông ngoằn ngoèo và uốn lượn dọc sườn núi dài khoảng năm mươi cây số. Các đường cong của máng nước đi theo dòng sông chứ không theo những đường nét hình học tối giản, tạo ra chuyển động hỗn loạn dạng xoắn ốc.

biannuoc-quote-02.jpg

Đến áp dụng thuyết chuyển động của nước vào công việc

Schauberger đã chứng minh rằng những khúc gỗ lớn không thể nào trượt xuống máng khi không có nước lạnh, dễ bị khựng lại và kẹt luôn trên máng. Đây cũng chính là vấn đề mà các chuyên gia trước ông đã gặp phải. Vững tin rằng nước lạnh hiệu quả hơn, Schauberger đã khéo léo lắp đặt hệ thống van nhằm xả bớt nước từ máng và thay bằng nước lạnh lấy từ dòng sông liền kề để có thể điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn. Ông thậm chí còn tuyên bố rằng khi được làm mát, nước phục hồi sinh lực và nạp lại năng lượng. Và theo các chuyên gia kia thì chuyện này thật phi lý.

Lần thử đầu tiên thất bại. Và bất ngờ thay, trong lúc nghiên cứu về cái máng, Schauberger giật mình nhận ra một con rắn đang chuẩn bị chui vào ống quần của ông. Theo phản xạ, Schauberger dùng mũi giày hất con rắn làm nó rơi vào máng nước. Ông rất đỗi kinh ngạc khi thấy con rắn di chuyển dễ dàng từ phía bên này sang phía bên kia của máng nước, mặc dù cái máng khá dốc và nước trong máng đang chảy rất mạnh.

Khi theo dõi con rắn sử dụng các chuyển động nhấp nhô, uốn lượn để điều hướng trên mặt nước, Schauberger lập tức hiểu được máng nước của ông còn thiếu những gì. Ông phải thiết kế thêm các đường cong để khi nước chảy qua, nó sẽ bị khuấy trộn và chuyển động theo dạng xoắn ốc, tương tự cách di chuyển của loài rắn.

Trước sự kinh ngạc của mọi người, Schauberger đã chuyển gỗ thành công bằng hệ thống máng cong và hẹp của mình. Kể từ lúc đó, chuyên gia khắp châu Âu thay nhau tìm đến để nghiên cứu các nguyên tắc của hệ thống trên. Theo chỉ dẫn của Schauberger, nhiều máng chuyển gỗ đã được xây dựng tại Áo, Nam Tư và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tôn chỉ của Schauberger là tìm hiểu và mô phỏng tự nhiên. Chúng ta dường như có thể nhìn thấy ông đang lắng nghe nước và nước đáp lời. Suốt nhiều thập niên, nhà phát minh người Áo này đã phân tích chuyển động sáng tạo của tự nhiên, đặc biệt là chuyển động xoắn ốc và cycloid. Thậm chí ông còn chế tạo những cỗ máy có thể tạo ra các chuyển động đó để tái hiện nước chân thật hơn.

Năm 1952, những thí nghiệm được thực hiện tại Đại học Stuttgart (Đức) khẳng định sự tồn tại của các loại dòng chảy mà vị cục trưởng kiểm lâm nhìn xa trông rộng năm xưa đã sớm phát hiện. Nhưng mãi đến cuối thế kỷ XX, khi mọi người quan tâm đến sự xáo trộn, các dòng xoáy và hỗn loạn thì những hiện tượng này mới trở thành chủ đề nghiên cứu khoa học quan trọng.

Theo Bí ấn của nước – Sự diệu kỳ của nước sống


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024