Trong những năm gần đây, các viện bảo tàng và thư khổ của Pháp đã công bố rất nhiều tư liệu phong phú của Nam Bộ trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Sự hình thành và phát triển của Nam Bộ trong thời kỳ giao thoa với văn hóa phương Tây được soi sáng thêm với nhiều bằng chứng chưa từng có trước đây.
Năm 2016, một bản thu âm giọng ca nữ người Sài Gòn đã được tìm thấy trong bộ sưu tập thu âm của Tiến sĩ Leon Azoulay tại Triển lãm toàn cầu Paris năm 1900. Mới đây, tôi may mắn phát hiện một báu vật mới của văn hóa Nam bộ: bản thu âm bài Vọng cổ hoài lang của thập niên 1920. Tư liệu quý giá này mới được công bố tại Pháp vào tháng 9 năm 2020.
Vọng cổ hoài lang: Made in USA
Tư liệu vừa mới phát hiện là một dĩa nhựa 78, được sản xuất tại Mỹ bởi công ty Victor Talking Machine. Loại dĩa nhựa 78 RPM (78 vòng trong một phút) xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX và được sử dụng rộng rãi từ thập niên 1920.
Dĩa nhựa này có mã số Victor Talking Machine CO Camden N.J. 43531. Mặt A là bài Vọng cổ hoài lang, mặt B là bài Hành vân; do cô Chín Lịch ca và ban nhạc tài tử của thầy Cao Quỳnh Cư.
Bản thu âm bài Vọng cổ hoài lang của cô Chín Lịch, được Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên tìm thấy trong thư khổ của Pháp
Bản Vọng cổ hoài lang có thời lượng 3 phút. Ngạn ngữ có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, trong âm nhạc thì thật ra “trăm thấy không bằng một nghe”. Tiếng đàn giọng ca của gần một thế kỷ trước trong bản thu âm là một báu vật minh chứng cho sự phát triển của vọng cổ, một hình thái âm nhạc đặc trưng Nam bộ.
Về mặt nghiên cứu, tài liệu này là một minh họa điển hình cho phong cách luyến láy diễn cảm của giọng ca và phương pháp và kỹ thuật hòa tấu của ban nhạc tài tử của thập niên 1920.
“Dạ cổ” hay là “Vọng cổ” hoài lang?
Trong giới nghiên cứu âm nhạc hàn lâm, nghi vấn về tựa đề của bản hoài lang vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Phần lớn có một sự đồng thuận là “dạ cổ” được đổi thành “vọng cổ” trong cuối thập niên 1910 đầu thập niên 1920.
Một tài liệu vừa mới được phát hiện là một văn bản trong tập sách Bản đờn cải lương của tác giả Lê-Mai về bài Vọng cổ hoài lang được Nhà xuất bản Lê-Mai Ấn-Quán in năm 1924.
Trong tài liệu này, Lê-Mai đã đưa ra nghi vấn từ gần một thế kỷ trước: “Bài này có người kêu là Vọng cổ mà lại có người gọi rằng Dạ cổ, chẳng hay tiếng nào trúng hơn ???”.
Sau gần một thế kỷ, câu trả lời đúng sai có lẽ không còn cần thiết, điều quan trọng nhất sẽ là bảo tồn, trân trọng, và quảng bá những ký ức về sự phát triển cực thịnh của văn hóa Nam Bộ trong những thập niên đầu thế kỷ XX.
TS.Nguyễn Lê Tuyên (Sydney, Australia)