“Biết chơi đàn, tôi thấy mình có ích”
Tới chợ xã Trung An, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ, hỏi thăm ông Điền mù mà đánh ghita thiệt hay thì ai cũng biết. Biết vì mấy chục năm qua, ông đã nổi tiếng với biệt tài chơi ghita cực điêu luyện trong khi đôi mắt thì mù từ khi lọt lòng mẹ.
Ông nổi tiếng thêm một phần nữa là những video ghi lại cảnh ông chơi đàn cho người khác hát được cư dân mạng hết sức thán phục. Đến nay những video có sự xuất hiện của ông đã thu hút chục triệu người xem.
Ông Điền tên thật là Lê Thanh Điền (51 tuổi), là người bị mù từ thưở sơ sinh, nhưng khi tiếp xúc với ông, ai cũng cảm nhận được vẻ lạc quan, yêu đời mà ông mang lại. Có được đức tính đó, tất cả cũng nhờ tiếng đàn ghita mang lại cho ông. Để “thu phục” được 6 dây và tất cả các ngăn đàn của cây ghita, ông Điền cũng đã có một thời gian dài khổ luyện rồi mới “tốt nghiệp” được.
Ông Điền chơi đàn giữa cánh đồng vừa gặt trong một lúc ngẫu hứng - Ảnh: Thanh Nguyên
Từ năm lên 10 tuổi, khi đã biết cảm nhận nhiều rào cản vì mình không nhìn thấy, ông Điền chỉ sống những ngày tháng trầm lặng, chán ngắt. Sợ con buồn mà sinh bệnh, thân sinh ông mới tìm mua cho ông cây đàn mandolin, mong vơi nỗi buồn của đứa con bất hạnh. Không ngờ rằng, đó là niềm đam mê mãnh liệt, cứu vớt cuộc đời ông.
Từ cây đàn mandolin đó, ngày ngày ông Điền mày mò nghiên cứu, nhờ hết người này, hỏi hết người kia để có thể “khuất phục” được loại nhạc cụ này. Mấy năm sau, khi đã thuần thục đàn mandolin, ông Điền cũng trở thành 1 thiếu niên. Tiếng đàn mandolin không thỏa lòng ông và ông bắt đầu bơi ra biển lớn. “Lúc đó thấy cây đàn mandolin nhỏ quá, cầm thấy không hợp nữa, tui mới nói mẹ mua cho cây đàn ghita. Tui thuộc dạng chậm nên học cái gì cũng lâu hơn người ta, còn chuyện không thấy đường thôi không nói nữa”, ông Điền kể.
Để có thể chơi thuần thục nhiều bài hát, đệm hát cho nhiều giọng nam, nữ khác nhau và chinh phục nhiều loại đàn như đàn cò, ghita, ghita phím lõm, ông Điền mất khoảng 15 năm. Và cái giá đó không hề đắt, tiếng đàn đã mang lại cho ông nhiều thứ. “Khi chơi đàn, tôi thấy mình có ích vì mang lại niềm vui cho người khác. Bản thân tôi cũng rất vui nữa”, ông Điền đúc kết.
“Ông trời lấy của tui đôi mắt, thì lại cho tui đôi tai thiệt là thính. Nghe cái gì cũng rõ, rõ còn hơn chữ rõ. Mà cái lúc mới học đàn cũng gian nan lắm, tay bấm thì đau mà đánh không ra gì. Tôi nản vô cùng, có lúc tính bỏ cuộc. Nhưng rồi tôi không có gì cả, chỉ có cây đàn bầu bạn. Bởi vậy cuối cùng rồi cũng cầm đàn lên”, ông Điền nói thêm. Đôi tai cảm nhận tốt là một thế mạnh khi học nhạc cụ, và đó là ưu thế duy nhất của người đàn ông này.
“Người ta sáng mắt học đàn có khi còn nản, bỏ cuộc. Đằng này, ông Điền không thấy gì, mà chơi đàn hay vậy đó là một sự kiên trì rất đang khâm phục”, 1 hàng xóm của ông Điền nhận xét. Làm bạn với cây đàn, với âm nhạc, ông Điền như có một lý tưởng sống trong cuộc đời mình. Nếu không có âm nhạc, có lẽ ông sẽ rất khó sống lạc quan, yêu đời và vui tính như thế.
Những người khách tới nhà chơi, sau câu chuyện thăm hỏi, thể nào cũng được ông “chiêu đãi” bằng ngón đàn ghita điêu luyện. Thường thì ông sẽ đánh đàn đệm hát cho khách, và thể loại nào ông cũng “chiều” được. Có những bài hát ông chưa bao giờ nghe, nhưng chỉ cần người hát hát trước vài câu là ông đã có thể cảm nhận để phục vụ. Đó, là sự chuyên nghiệp.
Vừa kiếm được tiền, vừa thỏa lòng đam mê
Chục năm trước, cha mẹ của ông Điền qua đời, hiện ông sống cùng vợ chồng của người em nuôi. Nhưng ông chưa bao giờ là gánh nặng cho những người thân. Hiện, ông đều đặn có những sô diễn ở các đám tiệc, cứ mỗi lần ông xuất hiện, thì lại thêm người biết tới. Tiếng thơm lan truyền, mọi người khi có điều kiện lại muốn mời ông về biểu diễn. Ngoài khả năng đệm hát, ông có thể độc tấu, hay phục vụ Đờn ca tài tử.
Tiếng đàn của ông chưa phải là cực phẩm nhưng đủ để đi vào lòng người và làm thỏa mãn họ. Khi ông chơi đàn, người nghe cảm nhận như có cả 1 dàn nhạc với nhiều lại nhạc cụ đang cùng hòa tấu. Đó là khả năng riêng mà mỗi người chơi ghita chuyên nghiệp có thể mang lại cho người nghe. Khi đã có khán giả, ông Điền có thể tự lo được cho bản thân của mình.
Dưới những video ông chơi đàn trên mạng xã hội, hàng ngàn người bày tỏ sự thán phục cho những tiếng đàn ông tạo nên. Nhiều người mong muốn được thấy sự xuất hiện của ông trên sân khấu lớn, để truyền cảm hứng tới cho cộng đồng. Ông cũng là động lực rất lớn cho những người bước đầu đến với các loại nhạc cụ, nhất là ghita.
“Nhiều người mù có thể làm được những điều phi thường, nhưng với cách riêng của mình, ông Điền dễ dàng thuyết phục được người khác nhất. Bởi vì ông đi bằng con đường âm nhạc, bằng những thành quả mà ông đạt được và khi nghe tiếng đàn của ông, người ta thấy được điều đó”, anh Nhật Huy, ngụ Q.Ninh Kiều, người hâm mộ tiếng ghita của ông Điền, bình luận.
Những video có sự xuất hiện của ông đạt con số lượt xem khủng - Ảnh: Thanh Nguyên
Những người mù như ông Điền, ông Liêm, anh Ngoan mà trong các bài viết trước chúng tôi đã đề cập, họ không may khi khiếm khuyết, nhưng với sự nỗ lực của mình họ đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Âm nhạc đối với ai cũng có những giá tích cực, đối với những người khiếm thị, giá trị đó còn trở nên đặc biệt hơn.
Và còn tuyệt vời hơn, khi chính những người khiếm thị đó có thể tự tạo cho mình những giai điệu và lay động được mọi người. Từ đó, cuộc sống của họ có mục tiêu để theo đuổi, có động lực để hòa nhập với xã hội. “Anh có thể mất đi đôi mắt, mất đi một phần thân thể, nhưng anh phải có lý tưởng của đời mình. Như vậy, anh có được sự ngưỡng mộ của người khác rồi”, 1 độc giả bình luận.
Mất đi đôi mắt không phải là mất hết, mất đi mục đích để sống mới là điều nghiêm trọng. Ông Điền dùng tiếng đàn để làm đẹp cho đời, ông Liêm dùng tiếng đàn để mưu sinh, anh Ngoan chơi đàn để mở ra những khả năng khác của mình, để chinh phục thêm nhiều loại nhạc cụ khác. Bóng tối không còn là điều đáng sợ đối với họ nữa. Họ đã thích nghi được với điều đó và biến nó thành lợi thế của mình. Với sự cố gắng của mình, họ đã kết nối được với mọi người và trở thành những tấm gương điển hình trong cuộc sống.
Thanh Nguyên