Vào ngày 28.12 tới, TAND Q.1, TP.HCM sẽ tiến hành xét xử vụ tranh chấp quyền tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa ông Lê Phong Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (đại diện Công ty Phan Thị). Đây là vụ tranh chấp bản quyền có thời gian kéo dài nhất suốt 12 năm nay vẫn chưa có hồi kết.
Trước ngày xét xử, ông Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy) Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM đã ký văn bản gửi các cơ quan liên quan để bày tỏ ý kiến của Hội Mỹ thuật TP.HCM xung quanh cuộc tranh chấp này.
Một phần văn bản của Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Họa sĩ Uyên Huy cho biết, mặc dù ông Lê Linh chưa phải là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, và Hội cũng không theo dõi hết toàn bộ câu chuyện tranh chấp giữa ông Lê Linh, tuy nhiên lập luận của bà Hạnh cho rằng các nhân vật trong Thần đồng đất Việt là do bà hình dung ra, ông Lê Linh chỉ là người vẽ lại theo ý tưởng đó, ở góc độ chuyên môn nên Hội đã đưa ra ý kiến để các cơ quan pháp luật tham khảo.
Theo họa sĩ Uyên Huy thì trong nghệ thuật thị giác không có chuyện người có ý tưởng rồi “chỉ đạo” người khác thực hiện. Liệu ông Lê Linh có đồng ý vẽ minh họa từ ý nghĩ của bà Hạnh không?
“Nếu bảo người không hề biết vẽ, không hề biết quy luật tạo hình, thẩm mỹ, tư duy thị giác, ngôn ngữ truyền thông thị giác, có ý nghĩ (hình dung ra) tác phẩm mà nhận là quyền sở hữu tác phẩm đó là phản khoa học. Bởi lẽ đối với giới nghệ sĩ nếu chỉ có ý tưởng mà không có tài năng thì chưa chắc thực hiện hóa thành tác phẩm. Thậm chí vẽ mãi vẫn không ra tác phẩm”, họa sĩ Uyên Huy chia sẻ.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM kết luận: “Chúng tối thấy rằng, lập luận của bà Hạnh không có cơ sở khoa học về nghệ thuật thị giác, việc đòi quyền sở hữu trí tuệ về sáng tác hình tượng mà ông Lê Linh thực hiện là điều khó chấp nhận được”.
Thần đồng Đất Việt là một bộ truyện tranh thiếu nhi nhiều tập được xuất bản tại Việt Nam. Tập truyện đầu tiên mang tên Pháp sư gọi bưởi được NXB Trẻ phát hành ngày 16.2.2002. Ban đầu tác phẩm được thực hiện bởi tác giả Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị.
Theo ghi nhận thì ông Lê Linh đã cùng với bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị) đứng tên đăng ký quyền tác giả. Từ tháng 5.2002, Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả, ghi nhận quyền tác giả thuộc về đồng tác giả là ông Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị.
Tuy nhiên Thần đồng đất Việt phát hành đến tập thứ 78 thì họa sĩ Lê Linh quyết định ngưng cộng tác với Phan Thị. Các tập tiếp theo của bộ truyện vẫn tiếp tục ra đời nhưng không đề tên tác giả, họa sĩ là ai. Phía Phan Thị cho rằng mình là chủ sở hữu có các quyền tài sản đối với tác phẩm nên tổ chức xuất bản các tập tiếp theo mà không cần ý kiến của tác giả.
Trong khi đó ông Lê Linh cũng không còn làm việc tại Phan Thị. Vì vậy công ty có quyền thuê người khác làm những tập tiếp theo.
Phía họa sĩ Lê Linh thì cho rằng mình là tác giả nên có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm, không ai có quyền sáng tác các tập tiếp theo dựa trên các nhân vật trong truyện của mình, vì vậy vào tháng 4.2007, họa sĩ Lê Linh đã chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị lên Tòa án Kinh tế TP.HCM.
Trong khi tòa án chưa giải quyết thì vào cuối năm 2007, họa sĩ Lê Linh quyết định sáng tác một bộ truyện tranh hoàn toàn mới lấy tên là Long Thánh với các nhân vật chính: Long Tinh, Lưu Đại sư, Rồng Long Nhí… Tuy nhiên phía Công ty Phan Thị cho rằng nhân vật Long Tinh là biến thể của Trạng Tý trong khi hình vẽ nhân vật Trạng Tý là thuộc quyền sở hữu của Công ty Phan Thị.
Do đó, tác giả Lê Linh sử dụng hình ảnh Trạng Tý mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm bản quyền. Tác giả Lê Linh đã bị Phan Thị kiện lại. Sau nhiều lần hòa giải bất thành, tòa sắp xử thì họa sĩ Lê Linh rút đơn kiện. Phan Thị lại phản tố, kiện ngược Lê Linh đòi bồi thường về việc bị cản trở việc thực hiện quyền tài sản, cứ thế vụ việc kéo dài 12 năm nay chưa có hồi kết.
Tiểu Vũ