Những gì ông có khi ấy chỉ là đam mê với nghề dạy học chưa từng một lần dập tắt. Đâu là bí quyết giúp ông Ernest sau gần 7 năm trở thành triệu phú đô la tự thân, với lĩnh vực dường như chẳng ai nghĩ đến khi nhắc tới hai chữ "làm giàu": Giáo dục?
Đã một năm kể từ khi ông bắt đầu "khởi nghiệp", đưa ra những khóa học đặc biệt tại Việt Nam. Ông có thể tóm tắt lại việc dạy học của mình như thế nào, với những tác động của làn sóng COVID-19 lần này tương đối khác so với năm ngoái?
Thực ra hoạt động dạy học của chúng tôi với 2 khoá SmartKids Boot Camp và SuperTeens Boot Camp cũng không có nhiều thay đổi. Tôi nghĩ thay đổi lớn nhất là việc chúng tôi tăng cường hỗ trợ cho học sinh của mình nhiều hơn. Nói thật thì, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 xảy ra, học sinh là những người cần được hỗ trợ nhiều hơn cả. Tất cả đều cần phải thực hiện qua internet. Nên thách thức của chúng tôi cũng thay đổi theo.
Thời gian này, nhiều cha mẹ thường phàn nàn rằng, con cái họ chơi game nhiều hơn. Rồi họ thấy không biết cách giao tiếp với những đứa trẻ của mình. Bởi vậy, tôi tiếp tục dạy chúng về cách giao tiếp, cách tương tác với cha mẹ.
Một thách thức khác đó là một số bạn trẻ không theo kịp với việc học trực tuyến, và chúng bị bỏ lại phía sau nhiều hơn. Nhưng trong quá trình dạy, tôi đã củng cố nền tảng, đảm bảo rằng chúng có thể theo kịp bạn bè trong giai đoạn này.
Sau khi lựa chọn Việt Nam để khởi nghiệp một lần nữa, ông thấy hệ thống giáo dục ở Việt Nam có gì đặc biệt so với các quốc gia trong khu vực?
Ở góc độ nào đó, tôi nhận ra kỹ năng, kiến thức của tôi phát triển như đoàn tàu nối theo sự phát triển của Việt Nam. Tôi nghĩ đây là vấn đề cốt lõi nhất.
Tại Singapore, hệ thống giáo dục thực ra đã tương đối tốt, đạt mức nhất định. Bởi vậy, điều tôi có thể làm là tận dụng lợi thế sẵn có ở Singapore và mang nó đến Việt Nam.
Một điều tôi cũng nhận ra là trong vài năm qua, tiêu chuẩn giáo dục chung của Việt Nam đã tăng lên rất nhiều. Đây là thời điểm mà đất nước đang tiến lên phía trước. Bên cạnh đó, người Việt Nam rất ham học hỏi, luôn tò mò, và làm việc rất chăm chỉ. Đây cũng là câu trả lời khi các bạn Singapore hỏi tôi, người Việt Nam như thế nào.
Nếu có một cuộc thi với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, thì đây chính là lợi thế cạnh tranh của người Việt Nam. Tôi tin rằng trong 10 năm nữa, đất nước sẽ vô cùng khác.
Được biết ông trở thành triệu phú đô la tự thân khi con rất trẻ. Ông có thể chia sẻ cột mốc đặc biệt này?
Điều thú vị là tôi phát hiện ra tôi có 1 triệu USD sau khi tôi kết hôn. Đó là năm tôi 30 tuổi. Lần ấy, khi đang ngồi trò chuyện với vợ, tôi mới nói rằng để xem chúng ta đang có bao nhiêu tiền rồi, để còn lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
Thực ra tôi không lên kế hoạch gì cả, điều này tương đối bất ngờ. Nếu tính ra thì hành trình tôi kiếm được 1 triệu USD có lẽ mất khoảng 7 năm. Tuy nhiên, giai đoạn "nhảy vọt" có lẽ chỉ khoảng 3 năm.
Tôi nói như vậy bởi những năm đầu, tôi không có người hướng dẫn, hay nói cách khác là tôi không có thầy. Đương nhiên đó vẫn là những năm tôi học hỏi. Tôi là người ham đọc sách, hồi ấy tôi cứ ra vào các hiệu sách để tìm sách và đọc. Nghĩ lại thì tôi ghen tị với giới trẻ bây giờ. Chúng tôi khi ấy không có internet. Bây giờ thì bất cứ ai bước vào kinh doanh, tôi đều nói với họ: thị trường của bạn chính là cả thế giới.
Chúng ta từng nghĩ thị trường là thế giới theo nghĩa chúng ta làm việc và vươn mình ra toàn cầu. Nhưng thực tế, với internet, việc vươn ra thế giới là điều tương đối dễ dàng.
Quay trở lại giai đoạn đầu khi tôi khởi nghiệp, thành thật đó là một con đường dài. Tôi từng mắc sai lầm, tôi cũng đã thất bại rất nhiều, tôi còn phá sản nữa. Tôi đã từng thực sự suy sụp, nợ tiền của rất nhiều người.
Nhưng tôi không từ bỏ. Tôi tiếp tục làm và tìm kiếm thông điệp cho mình. Sau đó tôi bắt đầu xây dựng một đội ngũ và có được chiến dịch tiếp thị tốt.
Vậy đâu là thời điểm mang tính "bước ngoặt"?
Bước ngoặt chính là khi chúng tôi tìm ra được chiến dịch tiếp thị đúng đắn cho khoá học của mình. Kể từ lúc ấy, tôi liên tục nói với mọi người rằng, bạn có thể kinh doanh bất cứ thứ gì, miễn là bạn biết cách tiếp thị.
Kỹ năng tiếp thị chính là lý do tôi tồn tại được. Tất nhiên, tiếp thị sẽ là một thảm hoạ nếu bạn không có một sản phẩm tốt.
Thời gian ấy, bên cạnh tiếp thị, tôi còn áp dụng công nghệ. Chúng tôi cũng nghiên cứu về não trái, não phải khi con người học tập. Sau đó thì nghiên cứu quá trình học cấp tốc, rồi những cách học khác nhau.
Từ đó, tôi bắt đầu phát triển một hệ thống dạy học mới. Một trong số đó là cấu trúc 75-25. Nghĩa là trong một lớp học, giáo viên chỉ nói 25%, còn 75% thời gian còn lại phải là học sinh.
Với lớp học truyền thống, bạn chỉ ngồi xuống, nghe giáo viên nói, giải thích cho bạn, và bạn lặp lại. Nhưng trong lớp học của tôi, tôi chỉ nói 25% thời gian, và hầu hết là các bạn học sinh nói. Điều này thực sự tạo một môi trường giáo dục hoàn toàn khác biệt. Đến cuối mỗi buổi học, khi nhìn lại, các bạn học sinh sẽ thấy rằng: "Hey, mình đã học được một vài điều mới!".
Nhưng đây cũng chẳng phải điều tôi nhận ra chỉ trong ngày một ngày hai. Tôi đã phải tiến hành nghiên cứu về não bộ, về lập trình ngôn ngữ, về tăng tốc trong học tập…
Yếu tố cuối cùng chính là việc phân tích xu hướng. Có thể hơi chạnh lòng, nhưng bạn sẽ khó thành công nếu đi ngược lại xu hướng. Ví dụ nhé, xu hướng hiện nay là gì: là AI, là điện toán đám mây, là công nghệ… phải không? Tôi nghĩ nhờ việc theo dõi và phân tích xu hướng, tôi mới nhìn ra được điều các bạn trẻ cần nhất, chính là kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng nghệ thuật…
Vì sao lại là con số 25 và 75%?
Tôi nghĩ ý tưởng của phương pháp này từ một hôm, có một bạn học sinh đến nói với tôi là: Thầy nói nhiều quá. Điều này khiến tôi suy nghĩ. Hôm sau, tôi đến lớp và hỏi học sinh của mình: Bao nhiêu trong số các bạn muốn nói nhiều hơn trong lớp?
Rất nhiều bạn đã giơ tay. Điều này đã giúp tôi có thể thiết kế lại toàn bộ chương trình giảng dạy, khác hoàn toàn so với những lớp học trước đây.
Trong kinh doanh, nó thể coi như là việc kết hợp giữa phản hồi của khách hàng, cùng với áp dụng công nghệ để phát triển sản phẩm.
Giai đoạn ông thường lui tới các hiệu sách khi ấy, đâu là quyển sách ông tìm đọc và vẫn giữ tới tận bây giờ?
How to stop worrying and start living (tạm dịch: Quẳng gánh lo đi vui sống) của Dale Carnegie. Đến bây giờ, tôi chỉ dám chắc một điều rằng, khi bạn gặp khó khăn, thì câu trả lời luôn ở ngoài kia. Hãy đi tìm một cuốn sách, hoặc nói chuyện với ai đó.
Như trường hợp của tôi, khi ấy gia cảnh tôi không giàu, rồi tôi cũng không phải là người quá xuất chúng, tôi lo đủ thứ. Và tiêu đề quyển sách đã đập vào mắt tôi ngay lập tức. Thời điểm ấy, tôi còn chẳng có đủ tiền để mua sách. Thế là tôi cứ lui lại hiệu sách để đọc quyển ấy mỗi ngày.
May mắn cho tôi là, một trong những giáo viên trường tôi khi ấy cũng là chủ tiệm sách. Và một ngày nọ, vị giáo viên này xếp lại một loạt sách giảm giá. Thế là tôi quyết định mua quyển Quẳng gánh lo đi vui sống với giá chỉ 1 USD. Đến giờ tôi vẫn giữ nó.
Nhiều khi, chỉ đọc một quyển sách thôi, và đọc nó một cách nghiêm túc, có thể thay đổi bạn hoàn toàn.
Còn lúc mà ông vỡ nợ là khi nào?
Thực ra lúc ấy tôi còn rất trẻ, tôi còn chẳng biết đến khái niệm thương lượng là gì, kinh doanh là gì, nhưng tôi lại đầy tham vọng. Lúc ấy tôi 24 tuổi. Từ trước đến nay, tôi chỉ có một đam mê duy nhất là giáo dục. Nên khi ấy tôi mua lại một trung tâm đào tạo của bạn tôi.
Lúc ấy tôi cũng tính toán, và nghĩ rằng mình có thể kiếm kha khá nếu đầu tư vào trung tâm này. Nhưng như tôi đã nói, tôi chẳng có kinh nghiệm gì về giấy tờ, hợp đồng. Trong khi ấy, tôi không hề biết người bạn này đã bán trung tâm cho một người khác, và khi tôi đến thì chủ sở hữu mới kia đã bắt đầu hoạt động rồi. Tôi không có bằng chứng gì trong người, còn người bạn này thì đã chặn tôi từ lâu.
Lúc ấy tôi không còn lựa chọn nào cả. Tôi phải từ bỏ toàn bộ.
Nhưng trong cái rủi có cái may, bởi trước giờ tôi luôn tin rằng mỗi người đều có thể làm tốt việc mà họ đam mê. Với tôi là giáo dục. Tôi chuyển đến nơi khác, với thị trường rộng hơn, nhiều người biết đến tôi hơn.
Khi mới bắt đầu, tôi phải ở một nơi còn nhỏ hơn căn phòng này (căn phòng chúng tôi nói chuyện chỉ khoảng 10-15 m2), và sau đấy tôi có khoảng 13 lớp cỡ như vậy.
Con số sau này ngày càng nhân lên hơn nữa. Nhưng nếu có một điều tôi học được từ những sai lầm thời trẻ, có lẽ là chúng ta cần có một hệ thống để thành công, và một người thầy để chỉ dẫn.
Ông đã theo đuổi việc dạy học trong suốt 38 năm. Làm thế nào để ông vẫn luôn "giữ lửa đam mê" trong lĩnh vực này?
Điều đầu tiên chắc là tôi tin rằng mình làm tốt với vai trò này. Tôi tin thôi nhé! (cười).
Lý do thứ hai, tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân là thầy giáo dạy một môn học cụ thể nào đó. Với tôi, mỗi người học sinh tôi từng dạy, tôi đều phải tự hỏi bản thân: "Tôi có khả năng đưa bạn học sinh này lên một trình độ mới không? Trở thành một người tốt hơn không?". Đó là một quá trình cải thiện liên tục.
Kết thúc khoá học, tôi sẽ trả lời được câu hỏi: Tôi đã mang đến cho các bạn những giá trị gì? Nghe có vẻ điên rồ phải không? Giáo viên mà lại không dạy môn học cụ thể.
Ví dụ thế này, bạn muốn học nhiếp ảnh. Công việc của tôi không phải là dạy bạn chụp ảnh như thế nào, mà tôi sẽ dạy bạn học chụp ảnh như thế nào. Tương tự như bạn muốn học viết lách, muốn học ngoại ngữ…
Những điều này khiến tôi hào hứng. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều người trưởng thành, xây dựng gia đình, trở nên giàu có hơn, họ đạt được những điều mà họ chưa bao giờ nghĩ mình có thể.
Tóm lại, để trả lời cho câu hỏi của bạn, tôi nghĩ điều khiến tôi luôn hào hứng trong dạy học, đó là tôi có một giấc mơ thầm kín là không ngừng cải thiện những người xung quanh mình.
Nếu phải vẽ lại con đường trong sự nghiệp của ông, ông có thể mô tả những nét vẽ ấy ra sao?
Những năm đầu sẽ là những nét vẽ gập ghềnh, lên xuống liên tục. Đó là giai đoạn tôi chẳng biết mình đang làm gì, chỉ có một con đường duy nhất là học. Tôi đi ngủ vào lúc 1, 2h sáng, rồi dậy lúc 6h sáng và tiếp tục ngày của mình. Sau một thời gian, tôi mới học được cách dạy, mà sau này tôi gọi là hệ thống phương pháp dạy.
Tiếp theo chính là cách tiếp thị, làm thế nào để mọi người biết tới lớp học của mình. Thời điểm đó là vào cuối những năm 80, đầu những năm 90. Đó là khi thị trường đang suy thoái. Bởi vậy, nhu cầu nâng cấp, cải thiện kỹ năm của mọi người ngày càng nhiều, họ muốn vươn ra thế giới. Đó cũng là giai đoạn lớp học của tôi thực sự nhân lên bằng lần.
Nếu chỉ chọn một câu nói để nhắn nhủ các bậc phụ huynh của học sinh, đó sẽ là gì?
Một câu nói cho các bậc cha mẹ? Với tôi đó là "Hãy đối xử bọn trẻ như con của nhà người ta". Bởi khi bạn đối xử con của nhà người ta, bạn luôn dịu dàng với chúng. Tôi cũng áp dụng nguyên tắc này với con của tôi. Tôi thường nghĩ trong đầu khi nhìn con tôi là: "Đây là con của Bill Gates" (cười).
Thật sự thì việc chúng ta hành xử với những đứa trẻ như thế nào rất quan trọng. Vì chỉ khi xây dựng mối quan hệ tốt với chúng, chúng mới lắng nghe cha mẹ. Con cái không nghe lời cha mẹ, đơn giản chỉ vì cha mẹ chưa xây dựng mối quan hệ tốt với chúng thôi.
Quay lại thời điểm ông bắt đầu vớikhóa học Superteens Boot Camp, tôi từng chia sẻ 3 tháng đầu là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Vậy thách thức lớn nhất lúc ấy là gì?
Thách thức lớn nhất là mọi người không tin. Không phải họ không tin vào tôi, họ không tin vào chính họ. Tôi hay nói rằng: Bạn có thể giỏi hơn Adam Khoo (một trong những triệu phú tự thân trẻ nhất Singapore) – một học trò của tôi. Họ bảo không thể nào. Tôi hỏi, tại sao không? Rồi họ đưa rồi hàng tá lý do để chứng minh rằng họ không thể.
Điều này đến nay vẫn là thách thức lớn nhất với tôi.
Mọi người thường không tin vào bản thân họ, vậy có lúc nào ông cũng nghi ngờ bản thân mình?
Tôi có chứ.
Làm thế nào để ông vượt qua những suy nghĩ ấy?
Rất nhiều lần khi tôi cảm thấy mình không đủ giỏi, khi tôi nghi ngờ khả năng của mình, tôi tìm câu trả lời trong sách. Trong cuộc sống, có 3 điều sẽ tác động mạnh mẽ đến bạn: Đó là ước mơ mà bạn mơ, cuốn sách mà bạn đọc, và những người mà bạn gặp.
Đã có lúc tôi thất vọng, tôi vỡ nợ, tôi không còn gì cả. Nhưng tôi có thể đi tìm sách.
May mắn với các bạn trẻ thời đại bây giờ, đó là các bạn có thể đọc ở bất kỳ đâu. Chỉ cần Google và trong nháy mắt, các bạn có thể tìm được những quyển sách mà mình muốn đọc. Đương nhiên cần phải chắc chắn là bạn chọn đúng sách. Một quyển sách mà tôi đọc trong năm nay, và tôi muốn chia sẻ với mọi người là Nonviolent Communication (tạm dịch: Giao tiếp bất bạo động).
Còn với giáo dục, tầm nhìn của ông đối với lĩnh vực này trong tương lai là gì?
Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục, đó là làm sao để mọi đứa trẻ đều biết cách học khi còn nhỏ. Điều này đỏi hỏi ngay từ những ngày đầu, cần thiết lập nền tảng vững trãi cho trẻ.
Trên thực tế, chúng ta cần phải rất kỷ luật với việc học của một đứa trẻ cho đến 9 tuổi. Khi 10, 11, 12 tuổi, các em có thể tự khám phá các chủ để khác nhau, và dần hình thành kiến thức chung đến 18 tuổi. Như vậy, cách thức giáo dục hiện tại cần phải thay đổi.
Một viễn cách giáo dục mà tôi hướng đến là các bạn trẻ đều có kiến thức cơ bản với công nghệ. Đây là lĩnh vực chính trong cuộc sống, và cũng là lĩnh vực mà chúng ta cần phải tập trung trong tương lai.
Quỳnh Lê
Nguyễn Nguyễn
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ