Từ người bán khăn ngoài chợ đến bà chủ ứng dụng thiết kế: Đừng bao giờ bỏ cuộc

15/12/2021 11:00
Từ người bán khăn ngoài chợ đến bà chủ ứng dụng thiết kế: Đừng bao giờ bỏ cuộc

Khám phá cách bạn có thể tạo ra một doanh nghiệp giá trị hàng tỷ USD.

Melanie Perkins, 34 tuổi, được biết đến là người phụ nữ giàu thứ hai ở Úc và công ty mà cô đồng sáng lập - Canva gần đây đã được định giá ở mức 40 tỷ USD. Vậy bằng cách nào mà Perkins từ một người bán khăn quàng ngoài chợ đến bà chủ đế chế trị giá hàng tỷ USD? Dưới đây là 5 bài học bạn có thể học được từ thành công của Perkins:

1. Hãy cho đi

Perkins và các cộng sự của cô luôn cống hiến hết mình, sau khi được định giá ở mức 40 tỷ USD, Canva đã quyết định tặng 30% cổ phần cho một tổ chức từ thiện nhằm xóa đói giảm nghèo. Điều này tương đương với một khoản quyên góp khổng lồ trị giá 12 tỷ USD. 

Việc cho đi là vô cùng quan trọng. Bạn có thể bắt đầu kinh doanh với quy mô nhỏ - rõ ràng là không phải tất cả chúng ta đều có thể cho đi hàng tỷ USD. Hãy đóng góp thời gian hoặc sức lực cho các tổ chức và bắt đầu từ đó.

2. Không bao giờ bỏ cuộc

Khi Perkins huy động vốn cho Canva, cô ấy đã bị từ chối hơn 100 lần. Việc huy động vốn không hề dễ dàng, đặc biệt là khi cô ấy sống ở Úc và tiếp cận các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Đối với nhiều người Âu Mỹ, Úc là một nơi quá xa và quá rủi ro để đầu tư. Nhưng điều này không ngăn được Perkins. Cô tiếp tục kiên trì hơn 3 năm cho đến khi gặp Bill Tai, một nhà đầu tư. Bill Tai không đầu tư vào Canva, nhưng ông đã giúp Perkins và cộng sự của cô ấy là Cliff Obrecht kết nối với những người có thể giúp họ phát triển doanh nghiệp của mình.

Việc thay đổi nhận thức khi bạn nhận được từ "không" có thể là chìa khoá để giải quyết mọi vấn đề. Mỗi câu trả lời "không" là một bước gần hơn tới câu nói có. Nếu gọi cho 20 người, một người có thể sẽ trả lời là có. 

3. Hãy lắng nghe khách hàng

Là doanh nhân, tất cả chúng ta đều nghĩ rằng mình có ý tưởng kinh doanh tốt. Nhưng điều thực sự làm nên một ý tưởng và mang lại thành công là lắng nghe phản hồi từ khách hàng tiềm năng và xây dựng các giải pháp hỗ trợ họ. Perkins thành lập Canva sau khi cảm thấy thất vọng khi làm việc với các chương trình thiết kế quá phức tạp. Thông thường, bạn sẽ cần thuê một nhà thiết kế đồ họa, điều này khá tốn kém và không có giải pháp nào khác trên thị trường.

Trước Canva, Perkins và Obrecht đã thành lập Fusion Books, chuyên cung cấp các giải pháp trực tuyến giúp chỉnh sửa các bức ảnh kỷ yếu. Sau khi lắng nghe khách hàng của Fusion Books về những thứ hiệu quả và những thứ không, họ sau đó tiếp tục xây dựng Canva.

Chúng ta phải nhận ra rằng doanh nghiệp của mình giống như một thực thể sống và sẽ tiếp tục phát triển theo thời gian. Chính thông tin chi tiết của khách hàng sẽ giúp bạn đưa doanh nghiệp của mình lên một tầm cao mới. Những gì mình bắt đầu có thể sẽ biến đổi thành một thứ khác và mình không nên mắc kẹt vào khái niệm ban đầu mà đã tạo ra.

Từ người bán khăn ngoài chợ đến bà chủ ứng dụng thiết kế trị giá 40 tỷ USD: Đừng bao giờ bỏ cuộc! - Ảnh 1.

Ứng dụng Canva

4. Bộc lộ các giá trị của bạn trong doanh nghiệp

Perkins và Obrecht có những giá trị đạo đức và họ đảm bảo những giá trị đó được thể hiện trong sứ mệnh của Canva. Trên thực tế, nó thậm chí còn được viết thành hướng dẫn sử dụng của ứng dụng này. Điều khoản 3.2  nêu rõ: "Canva không ủng hộ và sẽ không cho phép dịch vụ của mình được sử dụng để phân biệt đối xử với người khác, đặc biệt là khi dựa trên chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác hay nguồn gốc quốc gia."

Công ty thậm chí còn nêu rõ: "Nếu chúng tôi phát hiện bạn sử dụng dịch vụ của chúng tôi để phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, khuynh hướng tình dục, tuổi tác, tình trạng khuyết tật, tổ tiên hoặc nguồn gốc quốc gia, chúng tôi có thể chấm dứt vĩnh viễn hoặc tạm thời hoặc đình chỉ quyền truy cập của bạn vào dịch vụ mà không cần thông báo và chịu trách nhiệm pháp lý vì bất kỳ lý do gì ".

Có bao nhiêu công ty đề cập tới điều khoản chống phân biệt đối xử trong hướng dẫn sử dụng? Đây là điều mà nhiều doanh nhân có thể học hỏi. Việc chia sẻ công khai các giá trị gắn liền với văn hóa doanh nghiệp của bạn sẽ không chỉ tạo được tiếng vang với khách hàng mà còn thu hút thêm thành viên vào đội ngũ của bạn.

5. Giữ vững niềm tin

Perkins luôn tự nhủ rằng mình có thể thành công theo những thứ bản thân đặt ra. Ở tuổi 19, sau khi tạm dừng học đại học, cô ấy bắt đầu kế hoạch huy động vốn cho ý tưởng của mình, nhưng liên tục bị từ chối. Chính trong những khoảng thời gian đen tối nhất này, việc dựa vào niềm tin với bản thân mình sẽ giúp vượt qua được bất kể khó khăn gì.

Các doanh nhân thường quên bài học này mặc dù đó là điều mà tất cả chúng ta đều có thể làm được. Bạn có thể bắt đầu bằng một câu nói khẳng định mà mình có thể lặp đi lặp lại hàng ngày hoặc một bảng vẽ ra nhưng điều bạn hình dung mình sẽ đạt được trong tương lai. Tôi đã sử dụng cả hai phương pháp này trong những ngày đầu thành lập doanh nghiệp - khi tôi không có khách hàng, tôi tin vào bản thân. Và để tôi nói cho bạn biết, điều này thực sự hữu ích!

Đừng bao giờ bị lung lay bởi những người bất đồng quan điểm, bởi vì điều dễ dàng nhất để tìm thấy trên thế giới là một ai đó cho bạn danh sách toàn bộ lý do tại sao ý tưởng của bạn sẽ thất bại. Thường thì mọi người sợ rằng bạn sẽ đạt được ước mơ của mình khi họ chưa thực hiện được ước mơ của họ. Bạn cần chứng minh họ sai.

Xây dựng một doanh nghiệp hàng tỷ đô la không phải là một điều dễ dàng. Bằng cách học hỏi từ Perkins, bạn có thể thành công và tạo ra kỳ tích tiếp theo. Từ đó, chuyện cổ tích có thể trở thành sự thật.

Theo Entrepreneur


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024