"Tôi là điệu thứ buồn cô đơn"
Không chỉ đem đến những giai điệu vui tươi, ngẫu hứng được khán giả cổ vũ nhiệt liệt; xuất hiện trong đêm nhạc "Chuyện tình" Thanh Tùng- Trần Tiến; nhạc sĩ Trần Tiến còn có những chia sẻ lắng đọng, gây xúc động về cố nhạc sĩ Thanh Tùng.
"Cứ nhớ về anh Thanh Tùng, tôi nhớ đến con người rất tài năng, ít hơn tôi một tuổi nhưng tuổi trẻ tài cao. Khi gặp anh, tôi chỉ là một ca sĩ, một người làm hậu đài, bê vác sân khấu. Còn anh, trở về nước sau khi học giao hưởng, anh về chỉ huy ban nhạc của đoàn chúng tôi.
Tôi nhớ mãi cái áo đẹp của anh Thanh Tùng mà Hà Nội lúc đó không ai có cái áo đẹp được như thế. Hà Nội lúc đó là những ngày bao cấp, mặc áo lính, áo nâu sờn, ít khi có được cái áo hoa. Tôi ngồi ngắm anh ấy như một thần tượng trẻ trung vì anh rất giỏi nhạc. Và chuyện qua đi, chúng tôi không gặp lại nhau nữa.
Rồi một ngày Hội Nhạc sĩ Sài Gòn có mời tôi và anh Thanh Tùng lên để làm một bữa nhậu cám ơn hai nhạc sĩ trẻ đã có hai bài hát hay trong năm đó. Đó là bài "Chị tôi" của tôi và bài "Một mình" của anh Thanh Tùng. Và ngày đó chúng tôi lần đầu tiên được ngồi chơi với nhau.
Tôi rất quý anh Thanh Tùng và anh Thanh Tùng cũng quý tôi nhưng chúng tôi không thân nhau lắm vì mỗi người có một công việc, và không ở gần nhau.
Nhưng tôi luôn nghĩ đến nhạc của anh Thanh Tùng, như con người của anh ấy - là một điệu trưởng sang trọng. Ở trong nhạc có hai điệu là điệu trưởng và điệu thứ. Điệu trưởng thường là vui, hồn nhiên và điệu thứ thì buồn thảm, cô đơn. Tôi được nghe 1- 2 ca khúc của anh ấy và rất thích nỗi buồn trong điệu trưởng, nó ấm cúng.
Anh Thanh Tùng yêu hoàn toàn đơn thuần. Tình yêu của anh bay lên trên trời, bay lên mây xanh.
Tôi thì ngược lại với anh, tôi là điệu thứ buồn, cô đơn. Âm nhạc của tôi ở dưới mặt đất và bám lấy mặt đất. Nhưng tôi cũng có niềm khát vọng cháy bỏng của một nỗi buồn. Anh ấy cũng có một nỗi buồn của điệu trưởng.
Vì vậy, hôm gặp nhau anh ấy có rủ tôi là: "Tiến ơi, tôi với ông làm một đêm nhạc đi". Lúc đó tôi cũng tếu táo đùa lại vì người Nam họ hay nói ngược, nói lái: "Tiến với Tùng, làm với nhau chỉ có Túng Tiền thôi". Thế thì anh ấy mới bảo: "Ừ nhỉ, đúng đấy. Cái tên quan trọng lắm!".
Thế nhưng giấc mơ đó ai ngờ, cho đến hôm nay chúng tôi được làm với nhau. Thế hệ của chúng tôi là thế hệ 4X. Tôi sinh năm 1947, anh Tùng sinh năm 1948, anh Phú Quang sinh năm 1949, rồi trên tôi là anh Nguyễn Cường sinh năm 1943, anh Phó Đức Phương sinh năm 1944, rồi anh Dương Thụ… Tất cả chúng tôi đều là 4X. Và chúng tôi, lần đầu tiên có "Chuyện tình".
Còn thế hệ anh chị, những bậc thầy của chúng tôi lúc đó đâu có được viết về tình, chỉ toàn phục vụ cuộc chiến thôi. Cuộc chiến lúc đó rất tránh sự ủy mị của tình cảm. Tôi thấy cũng đúng thôi, lúc đó là chiến đấu và chiến đấu xong rồi thì đến thế hệ chúng tôi. Và hôm nay, chúng tôi rất vui khi được gặp lại bạn bè, quê hương ở đêm nhạc này", nhạc sĩ Trần Tiến kể.
"Ngẫu hứng phố" ra đời một cách đầy… ngẫu hứng!
Ngoài phần trình diễn ấn tượng của Bằng Kiều, Hồng Nhung, Hà Trần, Quang Dũng; "Chuyện tình" thêm tình, thêm thú vị với màn hát "Ngẫu hứng phố" của chính Trần Tiến.
Liên quan đến hoàn cảnh ra đời ca khúc, nhạc sĩ Trần Tiến nhớ lại: " Đó là một lần tôi ra Hà Nội chơi, gặp bạn thân nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ông bạn thân hỏi: "Sáng nay, mày thích ăn gì?". Tôi mới bảo: "Cái gì cũng thích". Tôi hỏi lại: "Thế cậu có bao nhiêu tiền?", cậu ấy rút ra có 7 ngàn đồng. Tôi bảo: "Thế cậu đưa cho tôi 7 ngàn đây, để tôi ăn gì thì tôi ăn".
Thế là chúng tôi bắt đầu đi vào hàng bánh cuốn. Tôi bảo người bán: "Cho tôi 1 ngàn bán cuốn". Người ta mới hỏi: "Hai ông đẹp trai, cao lớn này mà sao ăn có 1 ngàn bánh cuốn?". Tôi mới bảo :"Bà cứ cho 1 ngàn bánh cuốn đi, có từng này tiền thôi". Thế là 1 ngàn bánh cuốn ấy hai anh em chia đôi.
Chúng tôi mua gói xôi 1 ngàn, chia đôi. Bún ốc lại chia đôi, sau đó đến phở thì không chia đôi được. Thế nhưng 7 ngàn cũng ăn đượ… 4,5 món. Tôi ăn xong tự nhiên hát: "Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất là mày thôi. Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có quý nhất là tình người thôi".
Tác giả "Ngẫu hứng phố" chia sẻ thêm rằng, đây là ca khúc của người xa quê. "Bằng Kiều thì ở Cali còn tôi thì ở tít Vũng Tàu. Mỗi lần về Hà Nội lần nào cũng nhói tim, thật lòng là như vậy. Nhớ lắm!"
Bằng Kiều cũng tiết lộ: "Với các nghệ sĩ tham gia trong chương trình chỉ có mỗi cháu là du thủ du thực, trèo me trèo sấu thôi nên là cháu mới ngấm được cái gọi là phố xá ngõ ngách rồi mưa, ngập lụt. Trần Thu Hà cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng con gái không có bụi đời như cháu. Nên là cháu mới phụ họa cho chú bài "Ngẫu hứng phố"".
"Những ca khúc của chú Tiến không chỉ là âm nhạc đơn thuần mà nó giống như những phận đời mà ai cũng thấy mình trong đó. Với Bằng Kiều từ nhỏ đã được nghe âm nhạc của ông, như một món ăn tinh thần mỗi ngày", nam ca sĩ chia sẻ.
Bằng Kiều cũng kể chuyện qua liên khúc "Mẹ tôi" và "Chị tôi". Trần Tiến cũng từng tâm sự rằng đời nhạc sĩ, ca sĩ của ông sợ nhất là phải hát 2 ca khúc "Chị tôi" và "Vết chân tròn trên cát". Có lẽ khi những lời ca cất lên, trái tim người lính một thời ấy phải sống lại những nỗi đau mà ông đã trải qua…
Hình ảnh các ca sĩ hát trong đêm "Chuyện tình" diễn ra tối 27/3 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội:
Nguyễn Hằng
Ảnh: Đỗ Linh