Thủ Thiêm nằm bên kia sông Sài Gòn vốn là vùng đất nông nghiệp, sình lầy thuộc khu ngoại ô của Sài Gòn. Nhưng từ khi thuộc Q.2 (nay là TP.Thủ Đức) đã trở thành dự án một đô thị mới. Từ dự án đã trở thành vụ khiếu nại kéo dài với "bao người trong cuộc". Nhưng, Thủ Thiêm còn là câu chuyện, một góc cạnh của Sài Gòn nhìn ở nét văn hóa. Đó là câu chuyện của con phà đã đi vào lịch sử.
Thủ Thiêm nằm bên kia sông Sài Gòn cách đây một trăm năm là khu vực ngoại thành, toàn đồng ruộng, bưng biền, nhà lá lụp xụp. Ngoài nông dân thuần túy ngày ngày bám chân trên ruộng đồng còn có một tầng lớp thầy, thợ sớm tối xuôi ngược con phà Thủ Thiêm bám nghề bươn chải làm ăn.
Phà Thủ Thiêm như một cầu nối giữa hai bờ sông Sài Gòn ngày ấy còn nhiều dừa nước, bần, đước, dẹt ken dày, xanh biệt mù phía Thủ Thiêm và lũ chim hải âu lượn lờ kiếm mồi trên sóng nước. Có bao nhiêu lượt người, bao thế hệ từ tuổi thơ cho đến tuổi già bao gồm nam, phụ, lão, ấu đã đi qua con phà mang bóng dáng của một trăm năm ấy có lẽ không có con số thống kê đầy đủ.
Nhưng thời gian đã ghi được dấu ấn mãnh liệt trên con phà đã làm xong nhiệm vụ lịch sử nối hai bờ sông Sài Gòn lui về quá khứ khi cửa hầm chui Thủ Thiêm mở ra cho những dòng xe xuôi ngược từ đáy sông trồi lên, mang dấu ấn của giai đoạn lưu thông hiện đại rút ngắn khoảng cách giữa hai bờ sông, từ Sài Gòn qua Thủ Thiêm chỉ còn 5 - 7 phút thay vì 20 - 25 phút. Có khi phải mất đến nửa tiếng.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên qua phà Thủ Thiêm là năm tôi học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường Nguyễn Văn Khuê, một ngôi trường tư thục, danh tiếng nằm trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1. Cả nhóm bạn ngồi cùng bàn rủ nhau qua Thủ Thiêm vớt cá lia thia, đi bộ qua phà, quần thảo với những đám ruộng lầy, đầy cỏ năn tìm bọt cá lia thia đóng trong dấu chân trâu cả buổi trưa rồi đi bộ, qua phà về lại bên này sông.
Phà Thủ Thiêm hồi ấy còn ọp ẹp như một chiếc xà lan có mui loay hoay mất hơn nửa giờ mới đưa được khách qua sông. Trẻ em được mua “nửa vé”, nhưng tôi và nhóm bạn thường không mua vé mà đi chui theo đúng nghĩa đen vì trước khi lên cầu xuống phà có hàng rào chặn, ông soát vé loay hoay với hàng lô hàng lốc những người lớn và xe đạp, xe gắn máy, lũ “trẻ em” đi bộ chúng tôi thừa cơ chui qua giữa dòng người, lọt khỏi cửa ải soát vé là tung tăng chân sáo qua cầu gỗ để xuống phà.
Khi phà tách bến tôi đứng dựa lan can tha hồ mà nhìn sông nước, lũ chim hải âu hồi đó rất dạn dĩ, cứ bay theo phà tìm mồi,cứ tưởng đưa tay lên là đụng được cánh những con chim đang chấp chới trước mắt.
Khi con phà Thủ Thiêm hiện đại hơn, vượt sông nhanh hơn lũ trẻ em chúng tôi đã thành người lớn, đi xe máy, chở nhau qua phà, rẽ theo hướng tay phải tìm đến quán vịt ba món nổi tiếng, hoặc uống cà phê sân vườn trong những dịp sinh nhật, thi đỗ. Thủ Thiêm đã không còn cảnh “ngoại ô đèn vàng” nữa mà đồng ruộng đã thu hẹp dần, nhà cửa mọc lên san sát thành phố chợ, những con đường lầy lội đã tráng nhựa thẳng tắp.
Có giai đoạn tôi lại thích qua Thủ Thiêm để được chạy xe thong dong trên những con đường cũ, tìm lại bóng hình xưa, một bóng trăng xưa sáng vằng vặc trong ký ức, những phút giây hoài niệm. Nghe lại tiếng vạt sảnh trong vệ cỏ, tiếng dế gáy khan, hoặc tiếng ếch kêu trong ao đầm, bưng lác nhưng tuyệt không thấy đâu, chỉ quán xá xập xình và những con đường đầy bụi, ồn ào tiếng xe và đủ thứ âm thanh cuồng nộ.
Lần cuối cùng tôi qua phà Thủ Thiêm là đi ăn với một cô bạn từ nước ngoài về. Cô ấy xa quê hương nhiều năm, về nước muốn ăn món vịt nấu chao ở chính ngôi quán xưa mà cả nhóm bạn thời cấp III thường tới ăn. Trùng hợp làm sao, hôm ấy cũng là đêm cuối cùng của con phà Thủ Thiêm đi hết cuộc hành trình lịch sử một trăm năm giữa hai bờ sông đầy bóng dáng kỷ niệm của chúng tôi.
Lúc trở về, đứng trên phà nhìn xuống mặt nước sông sóng gợn dập dềnh, tôi và cô bạn có lẽ đều chìm đắm trong tâm trạng tiếc nuối, nhớ tưởng tới khoảng thời gian ngàn trùng sắp sửa khuất bóng theo con phà mà chút nữa thôi, vào lúc nửa đêm nó cũng sẽ lùi vào quá khứ. Sáng sớm ngày mai, những người đi dạo dọc bờ sông Sài Gòn trong sương sớm chắc cũng nhớ ngẩn ngơ bóng dáng con phà Thủ Thiêm mờ mờ ảo ảo lầm lũi vượt khoảng sông rộng, tiếng máy u u của nó như vẫn còn trộn lẫn vào những con sóng xô đẩy nhau tiến vào bờ đá xanh không còn bóng dáng cây cầu phà nối dài như một cánh tay chới với, hụt hẫng hướng ra ra ngấn nước giũa sông.
Cô bạn gái của tôi đã trở ra nước ngoài mà không có dịp đi qua hầm Thủ Thiêm, xem thông tin trên mạng cô gọi về hỏi tôi đã qua hầm chui hiện đại ấy mấy lần rồi, chắc là đẹp lắm, còn đi nhanh thì khỏi phải nói rồi, đúng không? Tôi bảo với cô ấy đã đi tham quan một chuyến ngày khánh thành hầm và một lần đi uống cà phê Rio trên đường Trần Não. Hầm rất đẹp, xe máy chạy rất nhanh, không kịp hết buồn nếu người ta yêu nhau và nói lời chia tay ở bên kia cửa hầm Thủ Thiêm. Cô bạn tán thành ngay và tỏ vẻ tiếc nuối cho con phà Thủ Thiêm đã lùi vào quá khứ.
Con người ta rất mâu thuẫn về mặt tình cảm trước sự phát triển xã hội nên thường nuối tiếc quá khứ và luôn nuôi giữ ký ức. Có lẽ tôi là một trong nhiều người dân thành phố không thể quên con phà Thủ Thiêm.
Nhiều năm rồi, mỗi sáng tôi vẫn cố ý đi qua cầu Quây từ quận 4 sang quận 1 đã được xây lại rộng, dài, hiện đại hơn xưa, dưới đó là cửa hầm Thủ Thiêm để ra Bến Bạch Đằng theo cách gọi của dân cố cựu đất Sài Gòn và chạy ngang bến phà Thủ Thiêm.
Không còn bóng dáng con phà sơn màu trắng, lầm lũi quay đầu, xa bờ bên này hướng ra sông về phía Thủ Thiêm nữa nhưng bóng dáng thời gian 100 năm theo con phà vẫn hiện diện trên sóng nước và bao kỷ niệm từ thủa ấu thơ cho tới ngày hôm nay vẫn còn. Rất đậm nét và khó phai mờ.