Chung kết cuộc thi Đại sứ du lịch Quảng Trị 2021 đã diễn ra tối 2/5 tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị.
Trải qua các phần thi trình diễn áo dài, trình diễn trang phục dạ hội và phần thi thuyết trình, Top 5 thí sinh xuất sắc nhất bước vào phần thi ứng xử gồm: Lại Thị Yến Nhi, Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Trần Như Phương, Nguyễn Lê Thảo Nhi và Nguyễn Thị Minh Thúy. Kết quả, Lại Thị Yến Nhi đã giành được danh hiệu Đại sứ du lịch Quảng Trị 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm dành cho tân "Đại sứ du lịch", sự nhầm lẫn về kiến thức lịch sử trong phần thi ứng xử của thí sinh Trần Như Phương cũng gây chú ý.
Cụ thể, là người đầu tiên bốc thăm phần thi ứng xử ngay sau khi được gọi tên vào top 5, Trần Như Phương (SBD 026) nhận được câu hỏi: "Trong quá trình tham gia hoạt động tham quan, tìm hiểu về các điểm di tích, danh thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải mang trong mình nỗi đau chia cắt đất nước thành 2 miền Nam - Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã. Bạn hãy giới thiệu và quảng bá điểm đến này".
Thí sinh Trần Như Phương đưa ra câu trả lời như sau: "... Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải không chỉ là một di tích chia cắt 2 miền Bắc - Nam, là nơi vĩ tuyến 18, nơi các thế hệ anh hùng đã ngã xuống để đất nước có thể đứng lên. Khi đến địa điểm này, em cảm thấy mình cần phải đóng góp nhiều hơn nữa để có những quảng bá về di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đến với mọi người nhiều hơn".
Sự nhầm lẫn khi nói "vĩ tuyến 17" thành… "vĩ tuyến 18" của Trần Như Phương không chỉ khiến khán giả trong đêm chung kết tiếc nuối mà cũng trở thành đề tài gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Việt Anh cho rằng với cuộc thi tìm kiếm người trở thành Đại sứ quảng bá du lịch cho tỉnh nhà mà để xảy ra nhầm lẫn về kiến thức lịch sử nổi tiếng như vậy là điều đáng tiếc.
Theo Tiến sĩ Vũ Việt Anh, vĩ tuyến 17 gắn với sông Bến Hải, cầu Hiền Lương được nói đến trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 và Lịch sử lớp 12.
"Ở đây, có thể có hai nguyên nhân khiến thí sinh trả lời chưa chính xác. Có thể do thí sinh bị sốc về tâm lý, vì thế mọi chuyện nhầm lẫn đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây là kiến thức nền, kiến thức cơ bản, đã được học trong sách giáo khoa nên trả lời sai là điều rất đáng tiếc.
Từ sự cố này, cũng nhìn nhận lại việc dạy và học ở nhà trường. Có tình trạng dạy và học chỉ để… thi thôi, không học để hiểu biết, để ứng dụng vào cuộc sống. Vì thế, học để thi, thi xong là… quên luôn kiến thức đã học", Tiến sĩ Vũ Việt Anh nói.
Liên lạc với MC Kim Huyền Sâm, người đảm nhiệm vai trò đào tạo catwalk cho thí sinh đồng thời là thành viên ban giám khảo cuộc thi "Đại sứ du lịch Quảng Trị", chị cho biết:
"Là người đầu tiên bốc thăm phần thi ứng xử ngay sau khi được gọi tên vào top 5 khiến Trần Như Phương quá hồi hộp và lo lắng và cô bé đã trả lời vô thức nói nhầm "vĩ tuyến 17" thành… "vĩ tuyến 18".
Tôi lúc đó đứng hình và tiếc nuối vì cô bé đã bị loại ngay khỏi danh sách ứng cử cho ngôi vị Đại sứ mặc dù các phần thi từ vòng đầu cho đến đêm chung kết đều rất tốt.
Tôi hiểu được áp lực của các học trò khi đứng lên một sân khấu lớn có các lãnh đạo tỉnh và được truyền hình trực tiếp. Hơn thế, cô bé này bị áp lực bởi mọi người đều đánh giá là 1 trong 3 ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc vương miện lại càng làm cho Trần Như Phương tâm lý hơn.
Tôi đã hỏi cô bé sau cuộc thi rằng: "Tại sao em lại trả lời là vĩ tuyến 18?". Phương khóc bảo: "Cô ơi, em run quá nên mất bình tĩnh. Em trả lời gì em cũng không biết chỉ biết là cứ nói và đầu em trống rỗng. Khi vào cánh gà, ba em hỏi: "Sao con lại nói vĩ tuyến 18?", em còn nói: "Con có nói đâu". Lúc đó, em mới biết em đã trả lời là "vĩ tuyến 18" và em thấy rất xấu hổ và buồn…"
Cũng theo giám khảo Kim Huyền Sâm, là người đào tạo và huấn luyện các thí sinh từ vòng sơ khảo nên chị biết rõ nhất về khả năng, kỹ năng, trình độ và văn hóa ứng xử của tất cả các thí sinh.
"Trần Như Phương là cái tên sáng giá cho top 3 từ vòng bán kết. Có thể nói, cô bé này rất đồng đều từ ngoại hình có gương mặt mộc hài hòa, da trắng trẻo, dịu dàng, duyên dáng, thông minh và rất hòa đồng với các bạn thí sinh khác đặc biệt là rất chịu khó học hỏi.
Trong đêm bán kết, Phương thực sự tỏa sáng với phần catwalk tự tin trình diễn áo dài và dạ hội. Phần thi thuyết trình của em được hội đồng giám khảo đánh giá cao là 1 trong 4 phần thuyết trình xuất sắc nhất trong top 20. Phần trả lời ứng xử ngay sau khi thuyết trình đã rất tự tin và trả lời rất thuyết phục ban giám khảo.
Đêm chung kết, phần trình diễn áo dài, phần trình diễn trang phục dạ hội của em được đánh giá cao với nụ cười sáng, thần thái, bước đi uyển chuyển…. Phương là người đầu tiên được gọi vào Top 5 và em cũng giành giải "Thí sinh trình diễn trang phục dạ hội đẹp nhất"", giám khảo Kim Huyền Sâm chia sẻ thêm.
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Ban tổ chức cuộc thi cho rằng, cuộc thi nào cũng có mặt thành công và hạn chế nhất định. Đối với cuộc thi tuyển chọn "Đại sứ du lịch", hầu hết các em đang trong độ tuổi đi học, nhưng các thí sinh đã có kiến thức cơ bản về du lịch, về các địa danh tại địa phương.
Trước cuộc thi, Ban tổ chức đã hướng dẫn các thí sinh về cách thuyết trình, định hướng trả lời… Tuy nhiên, đứng trước khán giả rất đông đúc, trước khách quan và cả người nổi tiếng, có thể các thí sinh thiếu đi chút tự tin, các em hồi hộp, bối rối, lo lắng dẫn đến mất bình tĩnh và trả lời sai lệch.
"Đây là cơ hội để các em trau dồi kiến thức, kỹ năng của mình, mọi người nên ủng hộ và động viên các em hơn là chỉ trích, phê phán để các em có niềm tin hơn. Qua đó, các phụ huynh cũng có cảm hứng động viên con em tham gia các cuộc thi tương tự", Ban tổ chức cuộc thi trả lời phóng viên Dân trí.
Đăng Đức
Nguyễn Hằng