Búp bê Daruma là gì?
Búp bê Daruma là một con búp bê hình tròn, rỗng của Nhật Bản có từ thế kỷ 17. Theo truyền thống, những người nông dân ở thành phố Takasaki đã tạo ra những phiên bản đầu tiên của loại búp bê này như một tấm bùa để được các nhà sư ban phước.
Họ tin rằng những con búp bê này sẽ mang lại cho họ một vụ mùa bội thu và việc bán chúng cũng là một cách để họ có thêm thu nhập trong thời buổi kinh tế khó khăn. Trong vài thập kỷ tiếp theo, phong tục sử dụng Daruma để cầu may đã lan rộng khắp đất nước Nhật Bản.
Ngày nay, búp bê Daruma thường được mua vào đầu năm mới của người Nhật với niềm tin rằng chúng có thể giúp người sở hữu đạt được mục tiêu của mình. Chúng có thể được tìm thấy trong cửa sổ của các cửa hàng Nhật Bản, trên kệ của các nhà hàng và bên trong nhiều ngôi nhà. Chúng cũng là một món quà lưu niệm phổ biến cho những người đến thăm Nhật Bản, những người muốn mang một tấm bùa may mắn về nhà.
Búp bê Daruma tượng trưng cho ai?
Bản in khắc gỗ về Bodhidharma của Utagawa Kuniyoshi, 1852
Daruma được mô phỏng theo Bodhidharma (hay Daruma-Daishi trong tiếng Nhật), một nhà sư sống vào thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 6. Ông được coi là người sáng lập ra Thiền tông và một loại hình thiền định được gọi là Zazen .
Tương truyền, Bodhidharma đã ở trong thiền định sâu chín năm với đôi mắt mở trừng trừng nhìn vào một bức tường trống. Ông ấy đã nhắm mắt chỉ một lần và cảm giác tức giận với bản thân vì đã phá vỡ sự kiên trì, do đó ông đã tự cắt mí mắt của mình để không nhắm mặt được nữa. Khi những mí mắt này rơi xuống đất, lá chè xanh nảy mầm ở khắp xung quanh. Đây cũng là lý do tại sao nhiều nhà sư Phật giáo uống trà xanh để tỉnh táo.
Ngoài việc mất đi mí mắt, tay và chân của Bodhidharma cũng dần trở nên "teo tóp" sau nhiều năm bất động. Tuy nhiên, tinh thần và ý chí của Bodhidharma vẫn còn. Và ngày nay, những con búp bê Daruma - với đôi mắt mở to và hình dáng không chân tay - đại diện cho nhân vật này trong văn hóa dân gian của Nhật Bản.
Đặc điểm của búp bê Daruma
Búp bê Daruma được bán với đôi mắt mở to và trống rỗng. Sau khi mua con búp bê về và chủ nhân của con búp bê đã quyết định mục tiêu của mình, họ sẽ vẽ một bên mắt để biểu thị ý chí và sự cam kết của bản thân. Sau khi đạt được mục tiêu, chủ nhân sẽ vẽ tiếp con mắt thứ hai, qua đó trả lại thị lực cho vị thần như một lời cảm ơn bởi sự phù hộ.
Râu và lông mày của Daruma được vẽ để trông giống như lông trên khuôn mặt của Bodhidharma, nhưng chúng đã được biến tấu đi và cũng có những ý nghĩa quan trọng. Lông mày được vẽ theo hình cánh hạc trong khi bộ râu được thiết kế giống hình con rùa. Điều này là do hai sinh vật này đại diện cho tuổi thọ. Ý tưởng này xuất phát từ quan niệm truyền thống của Nhật Bản cho rằng: "Con hạc sống 1.000 năm, con rùa sống 10.000 năm".
Cơ thể tròn trịa của búp bê Daruma tượng trưng cho hình dạng chân tay bị teo tóp của Bodhidharma trong dân gian, nhưng điều này cũng có ý nghĩa riêng của nó. Những con búp bê này ban đầu được chế tạo để có thể tự xoay trở lại vị trí thẳng đứng nếu chúng bị xô ngã. Đây là lời nhắc nhở về sự kiên trì: bất kể bạn bị đánh gục bao nhiêu lần, bạn vẫn phải luôn đứng dậy trở lại.
Các ký tự Kanji được vẽ trên con búp bê này thường đại diện cho "may mắn", "tài sản" và "kiên trì", đôi khi nó được viết ngay dưới mặt của Daruma. Tuy nhiên, một số người khác lại viết những điều ước cá nhân của họ lên con búp bê như một lời nhắc nhở bản thân về mục tiêu của họ.
Bạn có thể tìm thấy búp bê Daruma được trang trí với đủ loại màu sắc, nhưng màu phổ biến nhất là màu đỏ. Các nhà sử học vẫn chưa thống nhất về lý do tại sao chúng lại có nhiều màu sắc như vậy, nhưng một số người tin rằng màu đỏ tượng trưng cho màu áo choàng của Bồ Đề Đạt Ma.
Những người khác lại tin rằng màu đỏ biểu thị sức mạnh siêu nhiên. Trước đây, người Nhật thường mặc quần áo, đồ trang sức màu đỏ hoặc trang trí cửa nhà bằng dây thừng màu đỏ để xua đuổi "thần đậu mùa" vào nhà và gây bệnh cho họ.
Búp bê Daruma cũng có thể được tìm thấy với các màu khác bao gồm trắng, vàng và hồng. Các màu sắc khác nhau biểu thị một mục tiêu hoặc mong muốn khác nhau - Màu trắng: Sự tinh khiết; Vàng: Tiền bạc và danh vọng; Màu đen: Đề phòng vận rủi; Màu cam: Thành công; Màu xanh lam: Giáo dục và tình trạng công việc; Màu xanh lá cây: Sức khỏe và thể chất; Màu tím: Tự hoàn thiện; Màu hồng: Tình yêu và sự lãng mạn; Bạc: Địa vị xã hội.
Búp bê Daruma được làm như thế nào?
Khoảng 80% búp bê Daruma của Nhật Bản được làm ở thành phố Takasaki, phía bắc Tokyo. Chúng được làm thủ công từ một loại giấy đặc biệt gọi là washi và các vật liệu được làm từ sợi có trong vỏ bên trong của cây gampi, cây bụi mitsumata, hoặc cây dâu tằm giấy (kōzo).
Khi hình dạng tròn của Daruma được tạo ra, chúng sẽ được vẽ bằng tay bởi các nghệ nhân chuyên nghiệp. Vì mọi con búp bê đều được làm bằng tay nên có thể nói mỗi con được tạo ra đều là "hàng độc".
Cách sử dụng búp bê Daruma
Khi Daruma của bạn đã được chỉ định một điều ước cụ thể, bạn sẽ vẽ con mắt đầu tiên cho nó. Sau đó, bạn trưng bày con búp bê ở nơi có thể nhìn thấy được trong nhà hoặc nơi làm việc của bạn để bạn có thể được nhắc nhở làm việc hướng tới mục tiêu của mình mỗi ngày. Sau khi đạt được mục tiêu đó, con mắt thứ hai sẽ được vẽ vào.
Thế nhưng theo truyền thống, bạn sẽ phải trả nó lại ngôi đền nơi bạn đã mua nó sau một năm. Ngay cả khi mục tiêu của bạn vẫn chưa đạt được, sau đó bạn phải đốt con búp bê để giải thoát cho vị thần bên trong nó. Thậm chí còn có một buổi lễ được gọi là daruma kuyo hoặc dondoyaki ở một số ngôi đền trên khắp Nhật Bản, nơi hàng ngàn người đến để được ban phước cho búp bê của họ trước khi thực hiện một nghi lễ đốt cháy Daruma hàng loạt. Sau đó, bạn có thể mua một con búp bê mới như một sự tái tạo lời thề của mình và quá trình lại bắt đầu lại từ đầu.
Tri thức trẻ