Hôm trước tôi có viết bình luận để trả lời một người bạn: “Hai vợ chồng tui bán nhà, ở nhà thuê để lấy tiền cho con đi du học, nên nó biết thân, biết phận, tự xoay xở mọi thứ trên xứ người, lo học cho nhanh để sớm ra trường.
Sau đó thì một cô bạn nhắn tin hỏi: “Có thiệt ông ở nhà thuê để dành tiền cho con đi học nước ngoài không? Lỡ đầu tư hết cho con mà nó học hành không nên người thì sao?”.
Tuổi thơ của tôi
Đầu những năm 1980, nhà tôi có ba anh em. Tôi và em trai dưới tôi hai tuổi, đều học tốt như nhau. Tôi tốt nghiệp cấp 2 năm 1982, thi đậu vào trường cấp ba Hương Trà (nay là trường PTTH Đặng Huy Trứ ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách quê tôi ở Phong Thu (Phong Điền) 23 km.
Hồi đó tôi, cũng như nhiều bạn đồng hương khác, phải cơm đùm gạo bới vào xin ở trọ trong nhà những người dân ở các xã Hương Toàn, Hương Chữ, Hương Sơ (gần trường Hương Trà) để đi học suốt ba năm cấp ba.
Năm 1984, em trai tôi thi tốt nghiệp cấp hai đạt loại giỏi, lúc đó tôi chuẩn bị vào năm học mười hai. Do nhà nghèo không đủ tiền cho cả 2hai anh em cùng vào Hương Trà trọ học. Vì thế em tôi phải nghỉ học, ưu tiên nguồn “cơm áo gạo tiền” ít ỏi cho tôi theo học cho xong cấp ba. Rồi em trai, cùng với em gái, theo mạ tôi đi kinh tế mới ở Đồng Nai. Được mấy năm thì mạ tôi chuyển lên Lâm Đồng sinh sống. Sau đó lại quay về Đồng Nai. Cả nhà đã trải qua nhiều nghề khác nhau để mưu sinh ở Phương Nam.
Tôi ở lại quê với bà ngoại, tiếp tục đi học cấp ba ở Hương Trà. Đầu tuần đi, cuối tuần về với ngoại. Tôi rất muốn thi vào Đại học Bách Khoa Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp cấp ba, vì tôi học các môn tự nhiên rất tốt. Nhưng nếu đậu Đại học Bách khoa thì tôi phải vô Đà Nẵng học, rất khó khăn về kinh tế, lại không có ai chăm sóc bà ngoại. Vì thế, tôi buộc phải chọn trường Đại học ở Huế để thi. Thi Y thì tôi không dám vì tôi sợ máu me, sợ mùi bệnh viện. Thi các ngành tự nhiên ở Huế thì chỉ có trường Đại học Huế, nhưng tôi không biết học mấy ngành đó sau này ra trường thì làm gì? có xin được việc hay không?
Sau cùng, tôi nộp đơn thi vào ngành Văn, vì ước mơ sau này sẽ trở thành Nhà Văn hoặc Nhà Báo. Ai ngờ điểm thi Văn của tôi thấp hơn điểm Sử, nên nhà trường chuyển tôi qua học ngành Sử.
Mạ bán nhà cho tôi ăn học
Trước khi đi kinh tế mới, gia đình tôi có một căn nhà gỗ ở quê. Mạ dặn: “nếu con hết tiền hãy bán căn nhà đó để lấy tiền theo học đại học”. Tôi đã bán căn nhà đó cho người bà con với giá 120 hộc lúa (bằng 1,2 tấn lúa) .
Nhờ số lúa này quy ra tiền, tôi có điều kiện ăn học trong 4 năm, kèm thêm những số tiền nhỏ mà Mạ tôi và em trai kiếm được từ việc làm mướn, làm nông ở miền Nam gửi ra.
Tôi ở ký túc xá suốt bốn năm học ở Huế. Năm đầu, vào dịp cuối tuần tôi còn về ở lại với ngoại trong căn nhà tranh tre nứa lá. Đến năm thứ hai, do tuổi cao sức yếu, ngoại tôi cũng vào Nam ở với Mạ tôi và các em. Vì thế, tôi vào ở hẳn trong ký túc xá ở 27 Nguyễn Huệ (Huế). Mỗi năm đến hè tôi mới vào miền Nam thăm gia đình. Còn mỗi dịp Tết đến là tôi "bu càng" theo một bạn nào đó trong ký túc xá, về nhà bạn ăn "Tết ké", vì không có tiền về ăn Tết với gia đình ở trong Nam.
Năm 1989, tôi tốt nghiệp đại học, ra trường vô Quảng Ngãi xin làm báo tập sự, được sáu tháng, thì thầy Nguyễn Hữu Thông gọi tôi về Huế, xin cho tôi vào làm ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ngay sau khi có việc ở Huế, tôi đã quay lại Đồng Nai, đón đứa em gái về ở chung. Tôi vừa đi làm, vừa đi học thêm, vừa nuôi em gái ăn học từ lớp sáu đến hết Đại học. Sau cùng, tôi cũng xin được cho em gái một công việc ổn định ở Huế và em tôi đã theo công việc này từ đó đến nay.
Tôi đã trải qua các nghề: làm báo, làm hướng dẫn viên du lịch, nghiên cứu viên, bảo tàng viên, quản lý bảo tàng, dạy đại học. Tôi vừa đi làm, tự kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình, mua đất làm nhà, kiếm tiền lấy vợ và tìm cách học lên cao hơn.
Tôi đã kiếm được học bổng để theo học chuyên môn và tu nghiệp ở các nước Nhật, Hàn, Đức, Pháp, Mỹ trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2016 và lấy được bằng Tiến sử sử học ở ĐH Tổng hợp Hà Nội vào năm 2002.
Từ công việc lương thiện của mình, tôi có thu nhập để nuôi thân, nuôi gia đình, hỗ trợ thêm cho Mạ và các em tôi. Sau cùng, tôi đã đưa được Mạ và em trai quay lại Huế ở, để mạ tôi có cuộc sống an nhàn hơn và em trai tôi có điều kiện để theo đuổi giấc mơ học hành đã vì tôi mà dang dở. Cuối cùng chú ấy cũng lấy được bằng tốt nghiệp đại học ở Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Năm 2008, tôi rời Huế vào dạy học ở Quảng Nam, rồi chuyển ra làm nghiên cứu viên ở Đà Nẵng. Mạ tôi ở lại Huế, trong căn nhà mà vợ chồng tôi đã chung sức tạo dựng nên. Mạ tôi thay tôi trông ngôi nhà nhỏ ấy, phụng sự hương khói cho cha tôi, ông bà ngoại và đứa em trai út, đang thờ tự nơi đó.
Vậy là từ suy nghĩ: “dồn hết của cải cho một đứa con theo học thành người, rồi đứa con ấy sẽ quay trở lại kéo cả nhà cùng thoát nghèo vượt khó”, Mạ tôi đã chọn tôi và đã đầu tư cho tôi ăn học. Kết quả là gia đình chúng tôi mới có được ngày hôm nay.
Đến lượt tôi bán nhà cho con đi du học
Bây giờ, tôi là người chủ gia đình, với hai đứa con đang bước vào đời. Tôi đã noi gương Mạ tôi, quyết định đầu tư cho con trai bằng cách bán hết của cải mình dành dụm được để đầu tư cho nó đi du học, và chấp nhận ở nhà thuê.
Tôi cũng hy vọng con trai tôi sẽ học theo cái cách mà tôi đã được truyền dạy, tự tin bước vào đời với sự hỗ trợ ban đầu của cha mẹ, tự lập vượt khó để học hành thành người. Để rồi chính con sẽ quay lại hỗ trợ em gái học hành, tìm kiếm công ăn việc làm như cách mà tôi đã làm trong mấy chục năm qua.
Cũng như tôi ngày xưa không về nghỉ Tết để tiết kiệm tiền tàu xe, con trai tôi cũng không về nghỉ hè vừa để học trong hè nhằm rút ngắn thời gian học, vừa tiết kiệm tiền vé máy bay để trang trải thêm những nhu cầu khác nơi xứ người.
Có thể tôi và bà xã đã mạo hiểm khi dồn hết nguồn lực cho con trai. Nhưng bài học từ Mạ tôi cho phép chúng tôi có quyết định mạo hiểm này. Tôi đã bước từng bước một vào tương lai bằng chính đôi chân của mình sau khi nhận được “cú hích” từ Mạ tôi. Nay tôi lại tạo ra một “cú hích” mới cho con trai mình theo cách mà Mạ tôi đã làm từ hơn 30 năm trước. Và tôi hy vọng rằng, con trai tôi sẽ lại bước từng bước một vào tương lai của nó, với một sứ mệnh như tôi đã mang trên vai trước đây, theo cái cách mà tôi đã làm trước đây. Rồi, nó sẽ thành người.
Tiến sĩ Sử học Trần Đức Anh Sơn