Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram - Hoài niệm một thời mạng xã hội tốt đẹp

Thanh Nhàn26/05/2023 08:00
Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram - Hoài niệm một thời mạng xã hội tốt đẹp

Khi mạng xã hội trở nên quá to lớn với hàng tỷ người dùng; nó dễ dàng trượt khỏi tầm kiểm soát của những người quản lý nó. Từ đó, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực; thì nội dung độc hại, tác dụng tiêu cực lên đời thực… có vẻ là không thể tránh khỏi…

Đọc “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” và quan sát từng chặng đường thay đổi của Instagram, ta sẽ không khỏi tiếc nhớ về một thời kỳ mạng xã hội được nuôi dưỡng trong lý tưởng về kết nối thế giới và chia sẻ điều tốt đẹp.

Đồng thời, ta cũng nhận ra những hệ luỵ bất khả kháng khi nền tảng đó trở nên quá to lớn và rơi vào tay những ông chủ tham vọng.

Instagram trước khi bị ép vào khuôn khổ của Facebook

Kevin Systrom và Mike Krieger - hai nhà đồng sáng lập Instagram - đã rất cố gắng để nuôi dưỡng và gìn giữ lý tưởng của mình về một mạng xã hội nhân văn, tinh tế mang lại nhiều cảm hứng cho người dùng.

Chẳng hạn, thay vì giao cho thuật toán, những nhân viên Instagram đời đầu đích thân xem và đề xuất những người dùng nổi bật, như một cách để định hướng loại nội dung tích cực, độc đáo họ muốn nhìn thấy nhiều hơn trên Instagram.

Khi Instagram được Facebook thâu tóm và sau đó là bắt đầu chấp nhận các bài đăng quảng cáo; chính Kevin Systrom tự mình duyệt từng quảng cáo nhãn hàng gửi đến, nhằm đảm bảo các bài đăng thương mại vẫn đạt chất lượng cao và “trông có vẻ chân thành”.

Systrom từ chối yêu cầu của Mark Zuckerberg của Facebook về thêm nhiều thông báo hơn. Systrom cũng không thêm nút chia sẻ bài đăng như Mark mong muốn. Tuy hành động này sẽ tăng tính lan truyền cho nội dung và qua đó góp phần giúp ứng dụng tăng trưởng nhanh hơn, nhưng Systrom biết rằng nó sẽ làm mất đi đặc trưng vốn có của Instagram về những bài đăng nguyên bản, độc đáo…

Lý tưởng dần phai mờ

Càng về phần sau của cuốn sách, khi tác giả tập trung vào giai đoạn Instagram bị ép vào khuôn khổ Facebook và phải học cách sống sót; bạn đọc sẽ nhận ra rằng những nỗ lực đấu tranh của Systrom ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Nội dung tinh tế và chất lượng cao; cảm hứng sáng tạo và niềm hạnh phúc đem lại cho người dùng - những đặc tính tốt đẹp mà nhà sáng lập mong muốn ban đầu - dần trở nên phai nhạt trong Instagram giờ đã trở nên khổng lồ.

Áp lực lớn nhất có lẽ đến từ việc Kevin Systrom làm việc dưới trướng một người cực kỳ mưu lược, tham vọng và rất sợ bị tụt hậu - chính là Mark Zuckerberg của Facebook. Nhưng còn có một động lực sâu sắc khác cho sự biến đổi này: Sự lớn mạnh của Instagram.

Dường như khi mạng xã hội trở nên quá to lớn với hàng tỷ người dùng; nó dễ dàng trượt ra khỏi tầm kiểm soát của những người quản lý nó. Từ đó, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực; thì tin giả, nội dung độc hại, tác dụng tiêu cực lên đời thực, việc người dùng “lợi dụng” nền tảng để thu lợi theo chiều hướng xấu… - có vẻ là không thể tránh khỏi…

Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng cho người đọc về mạng xã hội và công nghệ; cũng như khả năng kiểm soát của con người với những phát minh của mình. Một mạng xã hội không có áp lực hoàn hảo, không thương mại hoá, không cổ vũ hành vi tiêu dùng quá mức, và chỉ dẫn dắt nhân loại theo nhiều chiều hướng tích cực… có phải là một tưởng tượng hão huyền?

Nếu hình mẫu về một mạng xã hội tốt đẹp của Kevin Systrom không thành hiện thực; liệu nền tảng hướng thiện nào khác có thể trưởng thành và chiến thắng quyền lực tuyệt đối của những kẻ thống trị như Facebook?

Và nói như tác giả Sarah Frier, cái giá của việc Facebook thâu tóm Instagram đã “đổ lên vai những người dùng Instagram”, nhưng Facebook và tham vọng của nó có phải là kẻ xấu duy nhất trong tiến trình này?


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025