Trong hai năm 2013 và 2014, tờ The Guardian (Anh) đã có những bài giới thiệu về tâm huyết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với các lời khuyên dành cho các doanh nhân về thực hành phương pháp chánh niệm.
"Tại sao nhiều công ty công nghệ mạnh nhất thế giới, trong đó có Google, lại tỏ ra đặc biệt quan tâm đến một thiền sư Việt Nam 87 tuổi?", trong bài viết vào năm 2013 đã đặt câu hỏi.
Câu trả lời là tất cả họ đều quan tâm và hiểu những lời dạy của Thích Nhất Hạnh, hay "Thầy" (danh xưng tôn kính bằng tiếng Việt được tờ báo dùng cho thiền sư), người được hàng trăm nghìn tín đồ trên thế giới biết đến, có thể giúp tổ chức của họ trở nên từ bi và hiệu quả hơn như thế nào.
Vào cuối tháng 9/2013, Thầy đã được mời tham gia khóa huấn luyện chánh niệm cả ngày tại trụ sở chính của Google ở California (Mỹ).
Trong buổi thảo luận đó, Thầy đã chia sẻ với các doanh nhân hàng đầu của các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới về cách họ có thể phát triển sự hiểu biết sâu sắc về sự liên hệ giữa các mối quan hệ và phụ thuộc lẫn nhau của tất cả chúng ta trong cuộc sống. Và đưa ra các cách tích hợp chánh niệm vào cuộc sống và công việc của họ để biến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Những lời huấn dạy của Thầy dựa trên việc chuyển hóa nỗi đau khổ của chúng ta bằng cách loại bỏ những vết sẹo của quá khứ cũng như những lo lắng về tương lai, thông qua thiền định và sống chánh niệm. Cho rằng việc nghiện tiêu thụ của chúng ta là dấu hiệu rõ ràng mà chúng ta đang cố gắng giữ lại nỗi đau khổ của mình, Thầy gợi ý chúng ta nên đi theo hướng ngược lại, đến tận chính trái tim của nỗi đau, để vượt qua nó.
"Nếu bạn biết cách thực hành chánh niệm, bạn có thể tạo ra an lạc và niềm vui ngay tại đây, ngay bây giờ. Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc; hạnh phúc là con đường". Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thầy tin rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận ra rằng họ đã mắc lỗi cơ bản trong niềm tin hẹp hòi rằng lợi nhuận đồng nghĩa với thành công. Các doanh nghiệp cần phải trải qua một sự thay đổi cơ bản trong nhận thức bằng cách nhận ra tầm quan trọng của việc tích hợp các nguyên tắc tinh thần vào cuộc sống hằng ngày của mình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên các doanh nhân nên thực hành chánh niệm, sống trọn ở đây, giây phút này. Ảnh: Saigoneer
Thầy nói: "Bạn phải suy xét ý tưởng của mình về hạnh phúc. Bạn nghĩ rằng nó có thể có chỉ khi bạn chiến thắng, [hoặc] nếu bạn ở trên đỉnh". Nhưng rõ ràng nó không nhất thiết phải như vậy, bởi vì ngay cả khi bạn thành công trong việc kiếm được nhiều tiền hơn, bạn vẫn đau khổ. Bạn cạnh tranh vì bạn không hạnh phúc và thiền có thể giúp bạn bớt đau khổ".
"Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng bạn chỉ có thể hạnh phúc khi bỏ lại người khác [ở phía sau]; bạn là số một. Bạn không cần phải là số một để hạnh phúc. Cần phải có một chiều hướng tâm linh trong cuộc sống của bạn và trong công việc kinh doanh của bạn, nếu không, bạn không thể đối phó với những đau khổ do công việc hoặc cuộc sống hàng ngày của bạn gây ra", Thầy nói.
"Khi Tổng thống Obama nói hãy để tự do reo lên, ông ấy đang nói về loại tự do đến từ bên ngoài; tự do chính trị và xã hội. Nhưng ngay cả khi bạn có rất nhiều quyền tự do để tổ chức, nói và viết những điều bạn muốn thì bạn vẫn còn bị ảnh hưởng. Vì bạn không có tự do bên trong, không thoát khỏi sự tức giận và sợ hãi của bạn", Thầy nói.
Thầy tin rằng việc đưa chánh niệm và thiền định vào các tập đoàn sẽ giúp họ quay lưng lại với những thứ vô hình đang phá hoại chúng ta và nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau trong cuộc sống.
Thiền sư nói: "Thực hành thiền định có thể giúp công việc kinh doanh bớt khổ hơn". Điều đó là tốt vì nếu nhân viên của bạn hạnh phúc, doanh nghiệp của bạn có thể tốt hơn. "Thiền định có thể xoa dịu nỗi đau khổ của bạn và cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn và cái nhìn đúng đắn hơn về bản thân và thế giới".
Theo ông, đưa chánh niệm vào nơi làm việc cũng có thể giúp nhân viên không bị choáng ngợp bởi công việc của họ, nhưng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải đi đầu làm gương.
Bức thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang nghĩa: "Sống chánh niệm, sống bình an". Ảnh: The Guardian/ Thich Nhat Hanh Calligraphy.
Trong khi nhiều giám đốc điều hành cấp cao bắt đầu lên tiếng về tầm quan trọng của tính bền vững, thì Thầy cho biết rất ít người kết nối điều này với văn hóa nội bộ của các tổ chức mà họ điều hành.
"Nếu ông ấy [lãnh đạo doanh nghiệp] dành toàn bộ thời gian để chăm sóc tập đoàn, ông ấy không có thời gian cho bản thân và gia đình. Nhưng điều quan trọng là doanh nghiệp sẽ có lãi nếu ông ấy bình tĩnh hơn, yêu thương hơn, nhân ái hơn. Và cả sự hiểu biết hơn", Thầy nói.
Nguyên nhân một phần là do tốc độ và phạm vi tiếp cận của máy tính ngày càng tăng, khiến chúng ta ngày càng khó tìm được thời gian để tương tác và truyền cảm hứng.
Thầy nói về tầm quan trọng của việc phát triển nghệ thuật không mục đích, thay vì không ngừng tạo ra nhiều dự án hơn. "Mọi người tin rằng hạnh phúc là ở tương lai. [Nhưng rõ ràng] mục đích của mục đích là ngừng chạy và tìm hạnh phúc ở đây và bây giờ", Thầy nói.
Hạnh phúc đích thực không thể thiếu sự bình yên. Nếu bạn tiếp tục chạy thì làm sao bạn có được sự bình yên và bạn cũng chạy trong giấc mơ của mình.
"Chúng ta phải đảo ngược xu hướng này. Chúng ta phải quay trở lại với chính mình, với những người thân yêu của chúng ta, với thiên nhiên, bởi vì các thiết bị điện tử giúp chúng ta trốn chạy khỏi chính mình. Chúng ta đánh mất mình trong Internet, kinh doanh, dự án và chúng ta không còn thời gian được ở với chính mình. Chúng ta không có thời gian để chăm sóc những người thân yêu và không cho phép Mẹ Trái đất chữa lành chúng ta. Chúng ta đang chạy trốn khỏi bản thân, gia đình và thiên nhiên". Thầy chia sẻ.
Chánh niệm là chú tâm vào giây phút hiện tại. Chánh niệm là ngưng hoạt động như máy tự động và tỉnh dậy với bây giờ và ở đây. Chánh niệm là ngưng tiếc nuối quá khứ, ngừng lo lắng tương lai. Ngoài ra, còn vài cách khác để mô tả chánh niệm: “Có mặt”, “Tỉnh thức”, “Tỉnh giấc”, “Chú tâm và để ý”, “Thấy rõ”, “Ý thức với tâm yêu thương”, “Mở rộng lòng”, “Có mặt trong thương yêu”.
Một số phương pháp thực hành chánh niệm. Trong khi chánh niệm là khả năng bẩm sinh, nó vẫn có thể được trau dồi thông qua nhiều kỹ thuật như: Ngồi, đi bộ, đứng và thiền định (bằng cách nằm xuống nhưng thường khiến người ta buồn ngủ); Những khoảng dừng ngắn chúng ta đan cài vào cuộc sống hằng ngày; Kết hợp thực hành thiền với các hoạt động khác, chẳng hạn như yoga hoặc thể thao.