Ngày hôm sau, chúng tôi mua vé xem một chương trình nghệ thuật có tên gọi là The Painters Hero show tại một nhà hát nằm dưới tầng hầm tòa nhà lớn ở trung tâm Seoul. Chúng tôi thật sự bất ngờ với những nghệ sĩ vô danh nhưng đầy tài năng ở đây.
Sở dĩ tôi dùng từ “nghệ sĩ vô danh xứ Kim Chi” vì đất nước này có vô số những ngôi sao lẫy lừng thế giới, từ điện ảnh, âm nhạc đến hội họa… được giới trẻ thế giới, trong đó có người Việt Nam biết đến. Còn 4 nghệ sĩ trong show diễn này các thành viên trong đoàn chúng tôi không ai biết tới. Kể cả hướng dẫn viên du lịch người Việt sinh sống tại Hàn Quốc cũng không nhớ tên của họ là gì, dù anh đến đây mỗi tháng 4, 5 lần.
Theo người hướng dẫn viên, không phải du khách nước ngoài nào đến Hàn Quốc cũng thích xem show do nghệ sĩ không nổi tiếng trình diễn vì vậy, các công ty du lịch như công ty của anh ít khi đưa du khách đến đây. Nếu đoàn khách nào có nhiều người muốn tìm hiểu và khám phá văn hóa, nghệ thuật bản địa thì họ mới tổ chức đến.
Sau khi xem show diễn này tôi hiểu ra rằng vì sau nền nghệ thuật Hàn Quốc có một sức hấp dẫn đặc biệt và có vị trí cao trên thế giới. Điều đầu tiên phải kể đến là tài năng của đạo diễn chương trình mà tôi không kịp ghi lại tên. Người đạo diễn đã tạo ra điểm nhấn cho chương trình là trình diễn khả năng vẽ tranh của bốn nhân vật nam chính, thế nhưng, phần trình diễn được kể theo một câu chuyện vô cùng hào hứng mặc dù diễn viên không nói một lời nào. Cái độc đáo là dù không có một lời nói nào được thể hiện nhưng khán giả nước ngoài vẫn hiểu rất rõ từng thông điệp và ý nghĩa câu chuyện mà người nghệ sĩ muốn chuyển tải.
Để giữ được không khí lôi cuốn trong hơn 60 phút, đạo diễn đã lồng ghép vào show âm nhạc, vũ đạo và cả hài kịch câm. Đây là nét độc đáo thứ hai. Các nghệ sĩ trẻ nhảy điêu luyện biểu diễn các động tác uyển chuyển như vũ công. Rồi họ biết diễn hài. Kỹ năng này tuy khó nhưng họ diễn rất tỉnh qua nét mặt và ngôn ngữ cơ thể. Các kỹ năng tổng hợp ấy cho thấy các nghệ sĩ trình diễn đã trải qua một hành trình luyện tập công phu và kỹ càng trước khi ra mắt công chúng. Họ là những người đa tài đã được tuyển chọn rất kỹ từ hàng ngàn người, trước khi đưa vào huấn luyện và đào tạo. Họ có kỹ năng vẽ phong phú trên nhiều chất liệu khác nhau để tạo ra những bức tranh đẹp rất có hồn, đồng thời có kỹ năng tương tác với khán giả để tạo ra tình huống cười đầy bất ngờ.
Những đứa trẻ có mặt trong rạp hôm đó đã hò reo đầy phấn khích trước các màn trình diễn rất độc đáo của 4 chàng trai tuổi đời mới ngoài đôi mươi này.
Điều đáng nói ở đây, 4 nghệ sĩ trẻ này đã biết cách tạo một phong cách vẽ tranh khác lạ. Họ không ngồi hay đứng một chỗ dùng cọ vẽ trên nền giấy mà họ vừa vẽ vừa di chuyển, và diễn thần thái trên nét mặt. Chưa dừng lại ở đó, họ cùng nhau luân phiên vẻ nên các bức vẽ đẹp. Ví dụ như tiết mục 3 chàng trai. Họ vẽ chân dung danh họa Vincent Van Gogh và hai bức tranh nhà thờ Công giáo. Lúc đầu, mỗi người vẽ một bức riêng, đến khi mỗi người hoàn thành 1/3 tác phẩm, họ sẽ đổi vị trí cho nhau để hoàn thành phần còn lại của 3 bức tranh. Tức là 3 người vẽ từng phần của 3 bức tranh nhưng lại hài hòa và sắc nét như chính một người vẽ.
Tôi hình dung rằng nếu tách rời riêng 3 yếu tố vẽ, vũ đạo, tấu hài thì show diễn này sẽ vô cùng đơn điệu và chẳng có gì lý thú. Nhưng đạo diễn đã biết cách hòa lẫn các yếu tố nghệ thuật lại với nhau để tạo thành một mạch câu chuyện uyển chuyển và quá hay như thế.
Trong đoàn chúng tôi có vài người vì đi bộ qua nhiều địa điểm trước đó nên thấm mệt, khi vô rạp là họ nhắm mắt ngủ ngay lập tức, thế nhưng, khi tiếng nhạc trỗi dậy, cùng sự thể hiện của các diễn viên, họ tỉnh hẳn và vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.
Sở dĩ tên của chương trình là The Painers Hero Show là vì phần lớn các chân dung họ vẽ ra là những thần tượng nghệ thuật qua nhiều thế hệ. Đó là những tên tuổi lẫy lừng đến mức một người không rành nghệ thuật cũng biết đó là ai.
Đây là show diễn công phu nhưng cực kỳ đơn giản và dễ hiểu ngay từ cái tên đến tác phẩm. Điều này cho thấy người đạo diễn và kịch bản phải có ý tưởng sáng tạo độc đáo và sự thấu hiểu văn hóa đến mức nào mới có thể tạo ra một show diễn tưởng đơn điệu mà lại sinh động đến thế.
Đến đây, tôi bỗng nghĩ về giải Oscar điện ảnh mà Hàn Quốc được vinh danh chưa lâu rồi thì giải Nobel văn chương 2024 vừa xướng tên nhà văn nữ Hang Kang cách đây không lâu. Người Hàn có một tinh thần lao động nghệ thuật thật đáng để học hỏi. Dù một show diễn nhỏ với một sân khấu chỉ vài trăm người, nhưng mức độ chuyên nghiệp của họ khiến các du khách phải ngã mũ chào.