Như chúng ta đã biết, doanh nhân kinh doanh chủ yếu vì lợi nhuận, về cơ bản họ là những người giỏi giang và có khối óc nhạy bén, thông minh. Tuy nhiên, vào những năm 1970-1980 ở Trung Quốc, có một doanh nhân bị gọi là "kẻ ngốc" và thậm chí phải nhiều lần phải vào tù trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình.
Nhân vật được kể đến ở đây chính là ông Niên Quang Cửu, người sáng lập ra thương hiệu hạt dưa có lịch sử lâu đời "Fool Guazi". Cuộc đời thăng trầm của ông được coi là "hình mẫu’’ độc đáo của thời đại, đồng thời cũng là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự phát triển và thịnh vượng mới cho người dân.
Ông Niên Quang Cửu sinh năm 1937 ở huyện Hoài Nguyên, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Trước khi Trung Hoa giải phóng, ông cùng cha bỏ trốn đến Vu Hồ. Sau khi đến Vu Hồ, cha ông kiếm sống bằng nghề bán hoa quả bằng những sạp hàng nhỏ.
Lên chín tuổi, cậu bé Quang Cửu đã vác một cây cân trên vai cùng cha rong ruổi trên khắp các con phố. Trong những năm tháng thơ ấu, cách cha mình buôn bán, giao tiếp với khách hàng đã ăn sâu vào tâm trí của cậu bé nhỏ, dần dần "nuôi lớn'' ước mơ kinh doanh trong con người Niên Quang Cửu.
Sau khi cha qua đời, Niên Quang Cửu tiếp quản công việc kinh doanh và tiếp tục mở thêm cửa hàng. Ông quyết định đổi mới chiến lược bán hàng bằng cách cho khách hàng nếm thử trước khi mua, nếu khách vừa ý thì cân vài ký, không vừa ý thì không phải trả tiền. Cũng có một số khách hàng khó tính quay lại và phàn nàn về việc chất lượng trái cây không đủ tốt đồng thời muốn được giảm giá, tuy nhiên Niên Quang Cửu vẫn rất nhiệt tình với họ.
Cũng chính vì kiểu buôn bán khó hiểu này mà lúc đầu ông bị những người bán hàng khác trên đường cười nhạo và gọi là "Kaizi" (người nông cạn, thiếu hiểu biết).
Dù bị chế nhạo, Niên Quang Cửu vẫn không quan tâm và tiếp tục bán hàng theo cách của mình Thấy ông quá cố chấp, mọi người bắt đầu gọi ông với một tên gọi mới là "kẻ ngốc", song ông vẫn rất vui vẻ và không hề tỏ ra ghét bỏ danh hiệu này.
Vốn rất thông minh nhưng Niên Quang Cửu không đi học văn hóa ở trường. Theo lời kể, lúc ấy người đàn ông này chỉ có thể viết năm chữ, đó là "Niên Quang Cửu" và "Đồng ý". Tuy nhiên, điều đó không hạn chế được đầu óc nhạy bén trong kinh doanh của ông.
Với cách thức bán hàng "ngu ngốc" đó, lượng khách hàng đến mua trái cây của ông tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, phương thức kinh doanh này lại bị cho là hành động "đầu cơ". Kết quả, quầy bán trái cây bị đóng cửa đồng thời bản thân Niên Quang Cửu cũng bị kết án một năm tù. Năm 1966, ông lại bị giam hơn 20 ngày vì tội bán hạt dẻ với hình thức tương tự.
Nếu bị ngồi tù hai lần trong vòng ba năm, người khác có lẽ đã không dám nghĩ đến chuyện kinh doanh nữa, thế nhưng Niên Quang Cửu dường như không bị ảnh hưởng gì mà càng hừng hực khí thế quyết làm lại từ đầu.
Sau khi ra tù, ông lại bắt đầu với công việc bán hạt dưa. Tuy nhiên làm chưa được bao lâu thì một lần nữa, ông lại bị đưa vào tù. Trong cái rủi còn có cái may, lần này Niên Quang Cửu chỉ bị giam giữ hơn mười ngày.
Ra tù, ông vẫn không từ bỏ công việc kinh doanh hạt dưa mà tiếp tục tìm cách phát triển nó. Cái sạp nhỏ trước đây đã trở thành một nơi "kinh doanh chui". Hạt dưa được chế biến vào tối hôm trước và bán ở những địa điểm thương mại như rạp chiếu phim hoặc những nơi đông người vào ngày hôm sau.
Nhờ chất lượng tuyệt vời và giá thành rẻ, hạt dưa của Niên Quang Cửu đã thu hút đông đảo khách hàng. Mỗi khi có người mua hạt dưa, ông đều sẽ tặng thêm một ít nữa để khách mang về. Cách kinh doanh nửa bán nửa cho này cũng khiến "kẻ ngốc" bị các tiểu thương khác cười nhạo, không những vậy hạt dưa mà ông bán ra cũng được gọi là Fool Guazi - "hạt dưa của kẻ ngốc".
Tuy nhiên, công việc buôn bán của ông ngày càng khấm khá, dần dần, xưởng nhỏ của ông đã nhanh chóng phát triển thành một "công xưởng lớn" với hơn 100 công nhân.
Năm 1985, Niên Quang Cửu đã nghĩ ra một ý tưởng kinh doanh mới là hoạt động mua hàng có thưởng, thậm chí, ông còn quyết định trao tặng một chiếc ô tô nhãn hiệu Thượng Hải cho người giành được giải nhất. Bị kích thích bởi số tiền thưởng khổng lồ, lượng khách đến chỗ Niên Quang Cửu mỗi ngày một đông, thậm chí người ta còn thấy khách mua hạt dưa của ông ngày nào cũng đều xếp hàng dài tới 50 mét .
Chỉ trong ba tháng, Niên Quang Cửu đã kiếm được một triệu nhân dân tệ, một số tiền khổng lồ trong những năm 1980. Vào thời điểm đó, cách thức kinh doanh của ông không chỉ mới lạ mà còn đầy hứa hẹn sẽ phát triển trong tương lai.
Sự nổi tiếng của "gã khờ" cũng đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông cả nước. Kể từ năm 1982, tờ Nhật báo Quảng Minh đã nhiều lần đưa tin "hạt dưa của kẻ ngốc" đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Người từ khắp nơi tìm đến đặt hàng, khiến ông còn được mệnh danh là "Người bán hàng số 1 Trung Quốc" thời bấy giờ.
Trong một cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông, ông nói: "Tôi thích bỏ tiền vào bao tải rồi lại lấy ra khi rảnh". Câu nói đó đã làm "dậy sóng" truyền thông nước nhà, nhiều người đồng tình với quan điểm của ông, đồng thời bày tỏ rằng ai cũng có ước muốn như vậy. Tuy nhiên, Niên Quang Cửu không chỉ đơn thuần thực hiện được ước nguyện kiếm tiền của mình mà ông còn coi đó là sở thích lớn nhất của cuộc đời.
Ngay từ khi bắt đầu, công việc kinh doanh của Niên Quang Cửu gặp nhiều gian nan, thử thách nhưng cuối cùng cũng thu về thành công rực rỡ, và dường như cuộc sống hôn nhân của ông cũng vậy.
Niên Quang Cửu đã kết hôn tổng cộng 4 lần. Trong những năm còn trẻ, hôn nhân của ông đổ vỡ vì cuộc sống khó khăn và đang trong giai đoạn khởi nghiệp. Hơn nữa, Niên Quang Cửu luôn khăng khăng đi theo con đường riêng của mình, không nghe lời khuyên của vợ. Vì nhiều lần Niên Quang Cửu phải đối mặt với án tù, công việc làm ăn không ổn định khiến ba người vợ đầu chán nản nên đã chọn rời xa ông.
Sau ba cuộc hôn nhân thất bại, người đàn ông này không còn trông đợi vào một tình yêu khác mà chỉ tập trung vào công việc. Tuy nhiên đến năm 1989, Niên Quang Cửu lúc này đã 52 tuổi quyết định kết hôn với cô thư ký 23 tuổi của mình.
Thời gian đầu, nhiều người tỏ ra khinh thường và nói những lời ác ý khi thấy ông Niên cưới một cô gái trẻ đẹp, đáng tuổi con dâu mình làm vợ. Sau này, khi Niên Quang Cửu một lần nữa bị kết án ba năm tù vì hành vi côn đồ, người vợ này vẫn ở lại và làm hậu phương vững chắc cho ông thì người ta mới thôi bàn tán về cuộc tình này.
Sau này khi sức khỏe đã dần suy yếu, Niên Quang Cửu dự định chuyển giao thương hiệu của mình cho con trai cả nhưng lại khiến người con thứ hai của ông không hài lòng, anh cho rằng bố đã đối xử bất công với mình. Vì vậy, hai anh em đã khởi kiện ra tòa, điều này khiến ông bố già cảm thấy đau lòng vô cùng.
Vụ kiện kéo dài cho đến khi người con trai cả của ông bị tai nạn qua đời vào năm 2006. Cũng kể từ đó, Niên Quang Cửu không xuất hiện trước công chúng nữa mà chọn cách sống cuộc sống yên bình bên vợ và con trai út.
Nói về thành công của Niên Quang Cửu, các phương tiện truyền thông lúc bấy giờ gọi ông là "huyền thoại kinh doanh". Tại thời điểm đó, ở đất nước này chỉ có hai người trực tiếp in ảnh mình lên bao bì sản phẩm: một người là Đào Hoa Bích (tỷ phú tạo ra thương hiệu dầu ớt Lao Gan Ma - một trong những loại ớt sa tế nổi tiếng nhất Trung Quốc) và người còn lại chính là Niên Quang Cửu. Đặc biệt hơn là bao bì hạt dưa của Niên Quang Cửu không chỉ in mỗi hình ông mà còn in cả hình vợ thứ tư Trần Huệ Phương.
Bao bì sản phẩm hạt dưa của Niên Quang Cửu.
Có thể nói, thành công của Niên Quang Cửu lúc bấy giờ khó ai có thể vượt qua được. Không có xuất thân nổi bật, cũng chẳng có người tài giỏi bên cạnh hỗ trợ, Niên Quang Cửu một mình tay trắng gây dựng nên cơ đồ. Ông còn được xem là ''một bức chân dung chân thực'' về hàng chục triệu doanh nhân tư nhân đang khám phá những con đường kinh doanh mới sau khi thành lập Trung Quốc Mới.
(Theo Toutiao)
NHỊP SỐNG KINH TẾ