Thái độ với tiền bạc quyết định cao độ cuộc đời: Dù giàu hay nghèo cũng đừng sống quá bạc bẽo

16/05/2021 18:00
Thái độ với tiền bạc quyết định cao độ cuộc đời: Dù giàu hay nghèo cũng đừng sống quá bạc bẽo

Tiền, không ở nhiều hay ít, quan trọng là thái độ với tiền, đó mới là thứ thực sự quyết định độ cao cuộc đời của một người.

Tiền, sinh ra không có, chết cũng không thể đem đi.

Nhưng sống ở đời, chúng ta không bao giờ có thể tách rời được khỏi nó.

Có người hận nó, nói tiền dễ khiến con người ta trở nên xấu xa; có người yêu nó, vì nó mà nỗ lực.

Có người dùng tiền để làm những việc xấu xa, có người lại âm thầm dùng nó đi làm những điều tốt đẹp.

Tiền, không ở nhiều hay ít, quan trọng là thái độ với tiền, đó mới là thứ thực sự quyết định độ cao cuộc đời của một người.

01

Mỗi một đồng tiền là một sự ấm áp

18 năm trước, vợ chồng ông Vạn Tá Thành ở Trung Quốc thuê vài gian trong một con ngõ nhỏ để bán bánh chiên ăn sáng, hai vợ chồng cần mẫn bán hàng mỗi ngày, cuộc sống cũng gọi là dư dả.

Một ngày vào năm 2003, một cặp vợ chồng trẻ bế theo đứa con bị bệnh tới quán họ ăn sáng, cặp vợ chồng hỏi họ liệu có thể mượn bếp nấu cho con một bữa ăn hay không. Hai vợ chồng ông Vạn thấy đằng nào cũng thừa bếp nên đã đồng ý với họ.

Chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt này, đối với những người lên thành phố đi khám bệnh lại là điều rất quý giá, nó đem lại cảm giác an ủi rất lớn về tâm lý cho họ.

Không lâu sau, tin tức quán ăn của vợ chồng ông Vạn cho mượn bếp nấu ăn miễn phí nhanh chóng truyền tới tai những người đi nơi xa tới bệnh viện thành phố chữa bệnh. Người tới mượn bếp nấu ăn ngày càng nhiều, đồ dùng nhà bếp không đủ, hai vợ chồng ông bèn làm thêm bếp mới, mua gia vị và dụng cụ để mọi người dùng miễn phí.

Cứ như vậy, quán ăn của một nhà trở thành bếp của hàng trăm con người.

Thái độ với tiền bạc quyết định cao độ cuộc đời: dù giàu hay nghèo cũng hãy làm những điều có ý nghĩa, đừng sống quá bạc bẽo - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Vạn Tá Thành làm từ thiện suốt 18 năm

Vì những người tới đây nấu ăn đều là người nhà của những người bị bệnh ung thư nên người ta gọi nơi này bằng cái tên thân thiết là "căn bếp chống ung thư".

Sau này, để "căn bếp chống ung thư" có thể tiếp tục được duy trì, hai vợ chồng bắt đầu thu một chút phí sử dụng – nấu ăn sẽ phải đóng 5 hào (khoảng 2 ngàn đồng). Ngoài nguyên liệu nấu, dầu phải tự chuẩn bị, những gia vị khác hay xong nồi chảo, nước điện ga, tất cả đều được tính trong 5 hào đó.

Sau đó nữa thì vì vật giá tăng nên trở thành nấu một món ăn là 1 tệ (khoảng 4 ngàn đồng), hầm canh 2,5 tệ (khoảng 9 ngàn), một bát gạo là 1 tệ.

Nhiều khi gặp những gia đình quá khó khăn, hai vợ chồng ông Vạn sẽ không thu phí, thậm chí còn tặng họ cháo dinh dưỡng.

Suốt 18 năm qua, hai vợ chồng vẫn luôn duy trì dịch vụ này, chưa từng nghĩ sẽ tham lam hay mưu lợi gì. 1 tệ, 5 hào, thậm chí là miễn phí. Cứ như vậy, có tính thế nào thì đây cũng là một vụ làm ăn chỉ lỗ không lời.

Nhưng hai vợ chồng ông Vạn lại luôn cho rằng việc này đáng, có thể góp sức mình đem lại niềm vui cho mọi người, cuộc sống như vậy quả thực rất có ý nghĩa.

Nhớ về những gia đình có bệnh nhân ung thư, ông Vạn kể một câu chuyện như này: Có một bệnh nhân hơn 50 tuổi mắc ung thư gan giai đoạn cuối, cơ thể vô cùng yếu ớt, nhưng vẫn bảo người nhà đẩy xe lăn tới căn bếp của vợ chồng ông Vạn để cảm ơn hai vợ chồng ông đã tốt bụng giúp đỡ.

Có người sau khi biết được câu chuyện này đã tìm tới vợ chồng ông Vạn muốn quyên góp giúp đỡ, nhưng hai vợ chồng ông lập tức từ chối, thay vào đó dẫn họ tới gặp người thân của những người bị bệnh hiểm nghèo, những người cần được quyên góp hơn hai vợ chồng ông.

Thái độ với tiền bạc quyết định cao độ cuộc đời: dù giàu hay nghèo cũng hãy làm những điều có ý nghĩa, đừng sống quá bạc bẽo - Ảnh 2.

Căn bếp của một nhà trở thành căn bếp của hàng trăm người

Họ luôn nói như này: "Ai cũng khó khăn, nhưng vợ chồng chúng tôi cũng không quá khó khăn. Lớn tuổi rồi, cũng chẳng phải tiêu nhiều tiền, chúng tôi làm chút việc này giúp đỡ được mọi người, tôi thấy rất vui."

18 năm qua, hai vợ chồng ông Vạn không thể nhớ được hết tên của những người đã ghé qua căn bếp tình thương này, nhưng tất cả mọi người lại đều nhớ được tên của hai vợ chồng ông.

Cặp vợ chồng già ở nơi ngõ hẹp, với gian bếp đơn sơ, cùng những ngọn bếp lửa ngày đêm không tắt, đã sưởi ấm cho tất cả những người đang ngày đêm phải chiến đấu với khó khăn của cuộc đời…

Thái độ với tiền bạc quyết định cao độ cuộc đời: dù giàu hay nghèo cũng hãy làm những điều có ý nghĩa, đừng sống quá bạc bẽo - Ảnh 3.

Những người từng tới căn bếp yêu thương đã để lại số điện thoại trên tường

02

Mỗi một đồng tiền là một ước mơ

Ở một góc nhỏ nơi đất nước rộng lớn với hơn 1 tỷ dân số, có một cụ già tên Bạch Phương Lễ, bắt đầu từ tuổi 74, ông đạp xe xích lô, ăn tiêu tiết kiệm để tiết kiệm tiền. 1 hào rồi 5 hào, 1 tệ rồi 2 tệ, cứ như vậy tích lũy từng chút một, trong suốt 15 năm, ông quyên góp được 35 vạn tệ giúp cho hơn 300 em học sinh nghèo được đi học.

Có người hỏi ông, sao không dùng số tiền này mà hưởng thụ tuổi già?

Ông nói: "Tôi cũng muốn hưởng thụ chứ, chỉ là tôi không nỡ tiêu, nghĩ tới những đứa trẻ không được ăn no, không được đi học là tôi lại khó chịu."

Thấy những đồng tiền mình làm ra có thể giúp các em nhỏ được đi học, ông thấy rất đáng. Cả đời ông không có tiền tiết kiệm, nhưng lại sống rất có ý nghĩa, sau khi ông qua đời, xã hội xuất hiện rất nhiều những "Bạch Phương Lễ" khác.

Thái độ với tiền bạc quyết định cao độ cuộc đời: dù giàu hay nghèo cũng hãy làm những điều có ý nghĩa, đừng sống quá bạc bẽo - Ảnh 4.

Cụ ông Bạch Phương Lễ vừa đạp xích lô vừa tiết kiệm tiền để làm từ thiện

Kể từ năm 1985, ông Thiệu Dật Phu, người được mệnh danh là nhà từ thiện khiêm tốn nhất đã bắt đầu chiến dịch quyên góp lớn ở Trung Quốc, khoản thanh toán hàng năm của ông đã ổn định ở mức khoảng 100 triệu đô la Hồng Kông, trong đó 80% số tiền được đầu tư vào các dự án giáo dục ở nước này. Số tiền ông quyên góp được dùng để xây trường học, thư viện, viện khoa học công nghệ, trung tâm y tế…

Sau khi ông qua đời, các cư dân mạng đã tìm kiếm những công trình quyên góp có tên ông trên bản đồ trực tuyến và nhận lại được hàng loạt chấm đỏ. Có cư dân mạng bình luận rằng: "Người đi rồi, nhưng tấm lòng thì vẫn còn đó."

Từ hai cụ, chúng ta có thể thấy được rằng: tiền, chỉ có giá trị khi dùng vào những việc có ý nghĩa, ngược lại, dù có giữ khư khư bao nhiêu tiền thì cũng chỉ là con số tích lũy, sống chết cũng vô ích.

Tuổi thọ có giới hạn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tranh thủ thời gian ngắn ngủi đó để làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Thái độ với tiền bạc quyết định cao độ cuộc đời: dù giàu hay nghèo cũng hãy làm những điều có ý nghĩa, đừng sống quá bạc bẽo - Ảnh 5.

Hàng loạt chấm đỏ tượng trưng cho những công trình có sự đóng góp của ông Thiệu Dật Phu ở Trung Quốc

03

Sống ở đời, dù giàu hay nghèo cũng hãy làm những điều có ý nghĩa để sinh mệnh của chúng ta trở nên đáng giá hơn, đừng sống quá bạc bẽo.

Có người từng nói như này: "Sống tốt chính là làm những điều có ý nghĩa, làm những điều có ý nghĩa chính là không lãng phí cuộc sống." Khi chúng ta dùng tiền đi làm những điều có ý nghĩa, sinh mệnh của chúng ta sẽ thêm một phần giá trị, không lãng phí khi tới với kiếp này.

Mong rằng chúng ta khi đang ăn no mặc ấm, không quên đưa tay ra tương trợ những hoàn cảnh khó khăn, nhiều ít không quan trọng, đối với những người cần giúp đỡ, đó đều là những ân huệ lớn lao.

Mỗi một phần lương thiện bạn gửi lại cho cuộc sống này đều là sự ấm áp quý giá nhất trên đời!

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025