Chúng ta nhiều năm sống trong "đế chế hưng thịnh" nhất của YouTube và công nghệ. Việc sản xuất nội dung cộng đồng có lẽ lúc này luôn được ưu tiên hàng đầu trên các nền tảng số. Không còn là điều gì lạ lẫm khi những đứa trẻ trước khi học phát âm chữ "A, B, C" có lẽ đã biết đến hai từ "YouTube".
"Chị Thơ Nguyễn" không còn là cái tên quá xa lạ với hàng triệu trẻ em Việt Nam, cô đã bị một cú "đả kích" lớn từ việc đăng tải video cho trẻ em nhưng lại mang nội dung mà ngay cả người lớn cũng khó hiểu. Thật tiếc cho con trẻ khi mà phần đông người lớn, ngoài việc chỉ trích cô gái này dưới cái mác "YouTuber" thì không còn làm gì khác hơn. Bỏ qua những tranh luận bức thiết về cách giáo dục con trẻ, câu chuyện này thiết nghĩ nó sẽ còn kéo dài mấy mươi năm nữa không chỉ dưới thời đại của Y-O-U-T-U-B-E. Vì chẳng ai chịu nhận mình sai cả và dù có nhận thì cũng chỉ nhận theo kiểu: "Mình xin lỗi, được chưa?".
Ở cùng một đề tài sản xuất nội dung cho trẻ em, tôi gặp Huỳnh Thanh Thanh, hiện tại cô đang là Giám đốc điều hành của một Trung tâm sản xuất phim hoạt hình cho trẻ em, bộ phim hoạt hình do cô đồng sáng tác từng là "tuổi thơ" của nhiều đứa trẻ. Về thành tích, đó được xem là bộ phim hoạt hình stopmotion đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có mặt trên đấu trường quốc tế vào những năm 2010 - 2015, phim từng đoạt giải thưởng UNTV Unicef Award dưới tên "Say hi to Pencil".
Huỳnh Thanh Thanh - nữ CEO 9x đồng tác giả sản xuất phim hoạt hình stopmotion Xin Chào Bút Chì!
- Họ và tên: Huỳnh Thanh Thanh
- Sinh năm: 1991
- Cử Nhân Ngành Báo Chí Truyền Thông - Đại học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn.
- Chức vụ: Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoạt hình Xin Chào Bút Chì (Hi Pencil Studio), Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền Thông và Giải Trí Điền Quân.
- Thành tích: Kỷ lục loạt phim hoạt hình dài nhất Việt Nam làm bằng công nghệ stopmotion Xin Chào Bút Chì, phim hoạt hình công nghệ stopmotion duy nhất của Việt Nam chiến thắng tại PLURAL+ (Liên hoan phim dành cho trẻ em đề tài chống phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc (UNAOC) và Cơ quan Di cư Quốc tế (IOM)).
Đạo diễn các phim hoạt hình: Xin Chào Bút Chì, Điều Chúng Mình Chưa Biết và các chương trình thiếu nhi trên kênh Youtube Hi Pencil Studio.
Thời gian hoạt động: 2012 đến nay trong lĩnh vực truyền thông và giải trí.
"NHÀ SẢN XUẤT PHIM HOẠT HÌNH CHO TRẺ EM" THEO CÔNG NGHỆ STOPMOTION ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Thanh giới thiệu một chút về mình nhé?
À, mình tên là Huỳnh Thanh Thanh, sinh năm 1991, là đồng tác giả của bộ nhân vật hoạt hình cho trẻ em Xin Chào Bút Chì. Mình tốt nghiệp cử nhân Báo chí và Truyền thông, hiện tại đang là Giám đốc điều hành Công ty Hoạt hình Hi Pencil Studio và là Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền Thông và Giải Trí Điền Quân.
Nói một tí về nhân vật hoạt hình mà Thanh đã xây dựng nào!
Xin Chào Bút Chì là một series hoạt hình stopmotion (Stop Motion là kỹ thuật làm phim bằng việc chụp những tấm hình tĩnh để ghép lại thành những thước phim động dựa trên nguyên tắc 24 hình/ giây) đầu tiên ở Việt Nam. Bộ phim kể về một "Gia đình Bút" gồm bốn nhân vật: Bút Chì, Bút Đỏ, Bút Xanh và Bút Vàng.
Thanh nhận thấy khi câu chuyện của các nhân vật hoạt hình từ trí tưởng tượng bước ra đời thật thì nó như có 1 cuộc sống thực vậy, chúng không dễ dàng biến mất hay bị quên lãng đặc biệt là với những vật dụng thân thuộc và thường xuất hiện trước mắt trẻ em. Bút Chì cũng vậy, nó vẫn sống và Thanh nghĩ mình có nhiệm vụ phải duy trì nó dưới bất kỳ hình thức nào. Một khoảng thời gian khi bị thiếu hụt kinh phí mình đã phải tạm dừng phát sóng trên HTV7, hiện tại đã duy trì phát sóng lại trên YouTube và mình nghĩ nó đang rất có tương lai.
Xin Chào Bút Chì là bộ phim hoạt hình duy nhất đạt kỷ lục phim hoạt hình stop motion dài nhất Việt Nam. Bất ngờ khi tác giả tác phẩm này là hai cô gái trẻ.
Phần thi của Thanh được công bố là phần thi thắng giải năm 2011 trên PLURAL+ (Website của Tổ chức của Liên hợp quốc (UNAOC) và Cơ quan Di cư Quốc tế (IOM)).
"Thanh và bạn đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn, thứ nhất là về kinh phí, cả hai phải tìm nhà đầu tư để phát triển sản phẩm".
Phim hoạt hình Xin Chào Bút Chì từng là "tuổi thơ" của rất nhiều trẻ em ở Việt Nam, ở thời điểm hiện tại trên YouTube tập thấp nhất là 5 triệu view còn cao nhất hiện tại là gần 25 triệu view, vậy thì tại sao Thanh lại ngừng phát sóng một khoảng thời gian dài sau đó mới quay lại?
Thanh và bạn đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn, thứ nhất là về kinh phí, cả hai phải tìm nhà đầu tư để phát triển sản phẩm.
Nói là mất nhưng Thanh dùng thời gian đó để phát triển nhân vật này. Vừa là thử thách cho mình. Mình thấy có rất nhiều người xem nó là cả tuổi thơ, người ta đã bình luận như thế khi Xin Chào Bút Chì phát trên YouTube, Thanh đã nghĩ mình phải có trách nhiệm để nó quay trở lại thậm chí là phát triển mạnh mẽ hơn.
Gần đây Thanh làm lại phiên bản 2D, mọi thứ đang rất khả quan ở thời điểm YouTube bắt đầu khắt khe hơn với các nội dung cho trẻ em. Điều đó chứng tỏ mình đang làm đúng!
"Ai cũng sẽ lập gia đình và có những đứa trẻ. Khi ấy chưa hẳn chúng ta đã là cha mẹ. Thanh nghĩ chính trách nhiệm trong việc nuôi dạy và tạo nền tảng cho một đứa trẻ mới khiến mình trở thành một người làm cha làm mẹ thật sự".
Có nhiều đề tài dễ để bắt đầu thế nhưng Thanh lại chọn sản xuất nội dung cho trẻ em. Vì sao thế?
Trước hết là vì mình mê làm phim hoạt hình, ở đó mình có thể làm được nhiều thứ kỳ diệu và tự do sáng tạo. Mà hoạt hình thì thường gắn liền với trẻ em. Thanh bắt đầu yêu thích hoạt hình nhưng sau vài năm làm nghề và gắn bó, tiếp xúc với trẻ em thấy trẻ em Việt Nam hầu như đều xem những sản phẩm của nước ngoài vì nội dung trong nước rất ít thậm chí có thể nói là hiếm. Nên từ đó mình mong muốn hoạt động nhiều hơn nữa trong lĩnh vực sáng tạo nội dung cho trẻ em tại Việt Nam.
Thứ hai Thanh nhận ra một điều là cuộc sống sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu mình không sẵn lòng đóng góp phần nhỏ bé để lại cho con cháu của mình một thế giới tốt đẹp hơn. Ai cũng sẽ lập gia đình và có những đứa trẻ. Khi ấy chưa hẳn chúng ta đã là cha mẹ. Thanh nghĩ chính trách nhiệm trong việc nuôi dạy và tạo nền tảng cho một đứa trẻ mới khiến mình trở thành một người làm cha làm mẹ thật sự.
Thanh trong quá trình sản xuất các sản phẩm dành cho trẻ em của mình
Cận cảnh quá trình sản xuất phim hoạt hình phát YouTube của Thanh Thanh.
Phim hoạt hình Xin chào Bút Chì - Tập Những người bạn rắc rối!
Vậy sản xuất nội dung cho trẻ em thì khác gì so với nội dung cho người lớn Thanh nhỉ?
Trẻ em như tờ giấy trắng, đặc biệt chúng thường học theo những gì mà chúng xem được. Đồng thời ngôn ngữ của trẻ em cũng khác nhiều so với người lớn, nên đối với một người làm nội dung trẻ em thì càng phải kỹ hơn, trong từng hành động, lời nói. Cần phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tiếp xúc nhiều với trẻ chứ không đơn giản chỉ dựa vào quan điểm chủ quan của người lớn để làm.
Người lớn làm việc để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể, nhưng trẻ nhỏ làm để phát triển, và làm để tạo ra người lớn sau này. Chơi đùa, học tập, trải nghiệm, xem xét… đó là "công việc" mà trẻ nhỏ phải làm để lớn lên.
KHI "NHÀ LÀM PHIM HOẠT HÌNH" HOẠT ĐỘNG Ở "ĐẾ CHẾ HƯNG THỊNH" CỦA YOUTUBE
Phát sóng trên YouTube và phải cạnh tranh với nhiều YouTuber, liệu nội dung của mình có bị ảnh hưởng hay có thay đổi để phục vụ nhu cầu về "view"?
Thanh làm YouTube một thời gian khá dài. Thanh nghĩ là cứ làm tốt chuyện của mình thôi, còn lại cạnh tranh hay những thứ khác, mình không quan trọng.
Thanh không biết mọi người định nghĩa sao về nội dung an toàn nhưng theo Thanh thì nội dung ấy có ý nghĩa, hợp lý với cách tư duy của phần đông xã hội và tạo ra một thông điệp giá trị nào đó. Dựa trên nguyên tắc cơ bản đó thì mình làm nội dung thôi. Nội dung an toàn mà ít lượt xem thì đó là do nội dung chưa đủ hay và thú vị, nhìn nhận cái đó và khắc phục.
Theo Thanh, những sản phẩm video phát YouTuber cho trẻ em ở Việt Nam như thế nào và hiện tại đã được đầu tư nghiêm túc chưa?
YouTube cho trẻ em ở Việt Nam giống như một "bàn tiệc", có rất nhiều "món" nhưng không phải món nào cũng "ngon". Mình không đánh đồng nhưng rõ ràng có thể thấy nhiều người không có mục tiêu là làm nội dung cho trẻ em, họ đôi khi chỉ đơn giản là muốn làm YouTuber để kiếm được tiền trên YouTube thôi. Điều đó đã xuất hiện cách đây 3 - 4 năm nhưng có lẽ phải đến khi nó thật sự để lại hậu quả người ta mới bắt đầu "vạch lá tìm sâu".
Đầu tư ở đây có thể hiểu theo 2 nghĩa. Đầu tư về chất lượng và đầu tư kinh phí. Và tất nhiên là kinh phí chi phối nhiều đến chất lượng. Quan điểm của Thanh thì hoạt hình Việt Nam chưa có đầu ra rõ ràng và cũng chưa có nhiều nghiên cứu để học hỏi. Mình đang cố gắng trên con đường trở thành 1 trường hợp thành công của hoạt hình Việt.
Cùng với các YouTuber khác, mình sản xuất video trên nền tảng YouTube, vậy Thanh nghĩ sao về việc chọn lựa giữa nội dung an toàn nhưng ít lượt xem và nội dung độc hại nhưng lại có rất nhiều lượt xem và dễ dàng lọt top trending?
Chúng ta còn rất hời hợt với các nội dung được phát trên YouTube cho trẻ em. Không gian cho trẻ em ở YouTube Việt Nam mình còn bị hạn chế từ đầu tư đến nội dung.
Mình có cơ hội đi đến nhiều hội nghị về việc làm phim hoạt hình cho trẻ em ở nước ngoài, họ có những hiệp hội, tổ chức bảo vệ riêng quyền lợi cho trẻ em thậm chí hoạt động rất mạnh, bài bản. Còn ở Việt Nam, những người sản xuất nội dung cho trẻ em đơn cử như phim hoạt hình vẫn còn hoạt động một cách riêng lẻ, không có nhiều sự hỗ trợ, không được sự đầu tư từ các doanh nghiệp. Trong khi đó nó là một ngành công nghiệp, cần phải "đi cùng nhau".
Thanh nghĩ làm cho trẻ em cần kiên nhẫn, đam mê thôi chưa đủ, nếu muốn nội dung tốt thì phải đầu tư, có quyết tâm và đặc biệt phải chọn một con đường đúng để mà đi.
Đường đúng ở đây Thanh muốn nói về mục tiêu của sản phẩm. Có nhiều kênh YouTube chọn hướng phát triển là "ăn xổi ở thì" thì nó có thể lên nhanh thiệt nhưng nó không phải là một con đường dài.
"Môi trường nào thì cũng có "người này người kia", riêng Thanh nghĩ mình cứ làm tốt việc của mình đã!".
YouTuber sản xuất nội dung cho trẻ em đang mang những khuyết điểm của người lớn để "bòn rút" tâm hồn trẻ nhỏ, Thanh nghĩ sao về thành kiến này?
Thanh nhớ có một câu nói như thế này: "Không có bức tranh nào rõ rệt về xã hội hơn là cách đối xử hiện tại của xã hội ấy với trẻ em".
Những năm gần đây khi công nghệ thông tin phát triển, nội dung dành cho trẻ em cũng biến tướng khá nhiều. Điều đó gây ra không ít thành kiến về những người sản xuất nội dung cho thiếu nhi trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng môi trường nào thì cũng có "người này người kia". Có những lỗ hổng mà chúng ta biết rõ ràng lỗi đến từ nhiều phía nhưng lại không chịu vá lại vì chúng ta luôn nghĩ rằng: "Rồi có người sẽ làm thay mình", chắc chắn không một ai cả vì đó là trách nhiệm của một cộng đồng những người trưởng thành.
"Đồng ý là làm phim hoạt hình là được làm những thứ diệu kỳ, thỏa sức biến hóa mà không sợ bất kỳ một sự bất hợp lý nào thế nhưng trong hoàn cảnh tự do ấy buộc chúng ta phải lựa chọn cho nó một kết quả, một ý nghĩa".
Có phải vì trẻ em là những khán giả "dễ tính nhất" nên phim hoạt hình hay tất cả các thể loại dành cho trẻ em đặc biệt là trên YouTube ở Việt Nam đều đang "dễ làm", theo Thanh?
Dễ làm là đúng vì trong hoạt hình không có xấu với lại tốt rõ ràng, ví dụ như những người xấu thì sẽ xấu thật sự nhưng sau đó sẽ rút ra được một cái bài học và trở thành người tốt, nó vẫn dựa vào những nguyên tắc cơ bản của đạo đức và những phép tắc của xã hội. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ phải để trẻ đón nhận, yêu thích và tiếp thu thứ mình muốn truyền tải. Sản xuất nội dung cho trẻ em đặc biệt phải hiểu tâm lý của chúng, phải nói chung ngôn ngữ với chúng và làm sao cho mọi thứ diễn ra thật tự nhiên.
Mình mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nắm bắt tâm lý trẻ con để xây dựng nên những tình huống của một bộ phim hoạt hình. Đồng ý là làm phim hoạt hình là được làm những thứ diệu kỳ, thỏa sức biến hóa mà không sợ bất kỳ một sự bất hợp lý nào thế nhưng trong hoàn cảnh tự do ấy buộc chúng ta phải lựa chọn cho nó một kết quả, một ý nghĩa. Câu chuyện nó nằm ở cái kết quả, ý nghĩa ấy trẻ cuối cùng có học được không? Đó chính là lý do sao có những nhân vật gắn liền với trẻ em từ năm này qua năm khác và được xem như một huyền thoại như Mickey Mouse, Marsupilami,...
ĐỪNG MANG CÁI SAI CỦA MÌNH RA ĐỂ LÀM "THÀNH KIẾN" CHO YOUTUBE!
Đa phần các người lớn bắt đầu có "thành kiến" với YouTube, đại loại như với họ xem YouTube nhiều là xấu, đó là hệ lụy của nhiều nội dung bẩn, tiêu cực để lại, Thanh nghĩ sao?
Thanh nghĩ chúng ta đừng nên nghĩ quá nhiều, thật ra người bảo vệ trẻ em tốt nhất chỉ có ba mẹ và người định hướng chúng tốt nhất cũng chính là ba mẹ. YouTube cũng như các nền tảng giải trí khác là hướng đến số đông, càng thu hút sự yêu thích của đại chúng thì càng tốt, không hướng đến duy nhất nhu cầu của cá nhân/gia đình nào cả nên người xem buộc phải chọn lựa và có trách nhiệm với quyết định đó.
Vậy thì xem YouTube như thế nào mới hợp lý nhất Thanh nhỉ?
Đối với trẻ em, ba mẹ, những người thân trong gia đình nên sâu sát, định hướng nội dung cho trẻ và kiểm soát các hoạt động của trẻ trên internet khi các bé còn nhỏ, chưa đủ nhận thức.
Đừng vội cấm đoán hay la mắng trẻ, mà tìm cách để giải thích, uốn nắn và tìm những nội dung phù hợp khác để thay thế. Một đứa trẻ chính là phản ánh thực tế nhất về một gia đình, một tổ chức, một người lớn nuôi dạy chúng!
Cảm ơn Thanh rất nhiều về buổi trò chuyện này! Hi vọng dự án của bạn sẽ phát triển trong tương lai làm tiền đề cho những dự án cho trẻ em khác!