“Cũ kỹ” là từ rất nhiều người sử dụng khi nói về phim hoạt hình nước ta. Cũng bởi họ cho rằng xã hội đã bước sang thế kỷ 21 nhưng phim hoạt hình Việt Nam vẫn chỉ loanh quanh những câu chuyện cổ tích hay chuyện chó, mèo, gà mẹ, cá con, chim sẻ… với bối cảnh là khu vườn, làng quê, những ngôi nhà cấp bốn đơn giản của những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Theo họa sĩ, thạc sĩ Trương Tiến Trà, Giảng viên trường Đại Học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nhiều bộ phim vẫn chỉ minh họa cho một thông điệp hay bài học nào đó. Lấy ví dụ như bộ truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Nhà văn Tô Hoài, đã có rất nhiều bộ phim hoạt hình khai thác câu chuyện này nhưng chưa bộ phim nào thật sự hấp dẫn khán giả như nguyên tác.
"Tại sao bây giờ Dế Mèn không phiêu lưu trong thành phố, Dế đi grab, taxi công nghệ, Dế dùng iphone mà vẫn loanh quanh câu chuyện của đồng cỏ trong khi rất nhiều trẻ em sống ở thành phố không biết đến miền quê?", thạc sĩ Trương Tiến Trà băn khoăn.
Nhiều nhà làm phim khẳng định muốn có một bộ phim hoạt hình chất lượng thì mức đầu tư cho phim phải không kém một bộ phim truyện. Khát vọng được thể hiện mình bằng những tác phẩm hoạt hình dài hơi, những tác phẩm có thể ra rạp phục vụ công chúng của các nhà làm phim hoạt hình luôn cháy âm ỉ. Bằng chứng là chính họ vừa yêu cầu Hội Điện ảnh Việt Nam mở lớp tập huấn viết kịch bản cho phim hoạt hình chiếu rạp với sự tham gia của chuyên gia Hàn Quốc. Kết quả cũng khá khả quan khi có đến tận 4 kịch bản nhận được cái gật đầu của giới chuyên môn.
Tuy nhiên, chặng đường để những kịch bản này thành hình họa có lẽ còn rất dài, bởi chính ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng phải thẳng thắn thừa nhận: "Cho phép phát hành như thế nào, ai chủ trì phát hành, phim của nhà nước nhưng không có ai đứng ra chủ trì phát hành. Hãng thì quyền hạn có giới hạn. Còn giới trẻ thì đang rất khao khát được làm phim hoạt hình chiếu rạp, phim dài 90 phút, nhưng vấn đề là kinh phí ở đâu, một bộ phim làm cả năm, một kíp làm cả năm thì tìm nguồn vốn, tìm sự hợp tác rồi tổ chức kịch bản, 2 khâu đấy đang bí".
“Cần có sự thay đổi cái nhìn dành cho hoạt hình” là cụm từ ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sử dụng trước câu hỏi “Phải làm gì để hoạt hình phát triển”: "Chúng ta thì xưa nay cứ làm theo đơn đặt hàng là 10 phút 1 phim mà hiện nay đã phát triển lên những phim cổ tích 20 phút, 30 phút thậm chí lịch sử đến 60 phút, nhưng tất nhiên với 60 phút so với các nước làm đến 300 tập thì nhân vật (hoạt hình) đấy cũng không đến đâu được, cần có những thứ dài hơi hơn nữa. Nói chung là còn rất nhiều khó khăn nhưng hãng cũng hơi lạc quan có sao dùng thế, và sửa đâu bổ sung đó".
Dù đánh giá cao sự chuyển mình của phim hoạt hình nước ta trong những năm gần đây, tuy nhiên họa sĩ Quang Trung, giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, người nhiều lần ngồi Hội đồng Giám khảo thể loại phim hoạt hình giải Cánh Diều cho rằng để phim hoạt hình Việt đến với khán giả theo những kênh chính thống như ra rạp hay lập thành kênh truyền hình riêng là không thể trong tương lai gần.
"Lập một kênh riêng ví dụ như là kênh Cartoon Network thì phim hoạt hình Việt Nam mình chưa đủ sức. Hơn nữa, đề tài phim hoạt hình Việt Nam khá là nghèo nàn, các đề tài lặp đi lặp lại, chất lượng phim hoạt hình không cao, không có đủ độ dài để có thể theo dõi liên tục trên một kênh", họa sĩ Quang Trung chia sẻ.
Theo Ngọc Hà (VOV)