Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy

07/06/2021 17:32
Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy

Trong đời mình, hoa hậu Nguyễn Thu Thủy là người ít nhiều gây nên những đợt sóng tranh cãi; nhưng một điều mà khó ai có thể phủ nhận: Thu Thủy là một trong số rất ít hoa hậu có nền tảng tri thức vững.

Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 1.

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

Điều đó đến từ đọc sách và viết thường xuyên - một nhu cầu thường trực như cách cô đến với chạy bộ và yoga sau này.

Sách theo suốt cuộc đời ngắn ngủi

Thủy được sinh ra trong một gia đình trí thức, có bố là GS.TS ngôn ngữ học Nguyễn Văn Lợi và mẹ là soạn giả từ điển - TS Chu Bích Thu. Không lạ gì khi sau đăng quang hoa hậu năm 1994, cô gái này thi đỗ cả ba trường đại học.

Nếu các hoa hậu lâu nay thường vấp váp và lúng túng ở phần thi ứng xử thì với Thủy, ngoài danh hiệu Hoa hậu Việt Nam, cô còn giành giải thí sinh có phần trả lời ứng xử hay nhất. Ngoài lợi khẩu, cô còn lợi ngôn. Nếu theo dõi trang Facebook cá nhân của cô, không khó để nhận ra người mà cô thần tượng suốt đời mình là bố mình.

Sách theo suốt cuộc đời ngắn ngủi của Thu Thủy, chứng kiến và bên cạnh cô những lúc đau đớn nhất. 15 tuổi, mẹ đi Nga, cô ở nhà với bố và em trai.

Một lần cô tâm sự: "Cao, gầy khẳng khiu, da xanh rớt với đủ thứ bệnh trong người, tháng nào cũng tiêm kháng sinh ê cả tay, mình chịu đựng đau đớn và bệnh tật cùng với sách. Giờ nhìn lại những quyển sách cũ, mình chỉ nhớ quyển này là hôm mình bị đau đầu, quyển kia đọc trong lúc đợi đến lượt xông họng"…

Trong lúc sợ hãi nhất, như khi hay tin Liên Xô sụp đổ, nhiều xe tăng đi trên đường phố Matxcơva, cả nhà bồn chồn lo lắng cho mẹ cô. Cô bé Thủy chẳng biết làm gì, lẳng lặng chui vào xó nhà đọc sách và khóc lặng lẽ.

"Lúc đó mình nghĩ, sau này mình cũng sẽ thành nhà văn, sẽ viết những câu chuyện để cho một vài cô bé nào đó đang sợ hãi hoang mang ngồi trong một góc nhà nào đó, ở một góc nào đó của thế giới này có một niềm vui sống nho nhỏ qua ngày. Vậy là đủ, vậy là hạnh phúc để hiểu thế nào là tồn tại".

Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 2.

Căn phòng chứa đầy sách của cô - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 3.

Căn phòng chứa đầy sách của cô - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

Một lần, Thủy đăng một tấm hình chụp bố cô ở cây cầu trong khu sân bãi của Trường đại học Cornell (Mỹ). Năm đó, bố cô đi về và thường kể cho đứa con gái ốm yếu của mình về những thư viện ngút ngàn sách, về môi trường được học tập, khuyến khích con người tìm hiểu và mơ ước.

Những lúc rảnh, cô thường mang những bức ảnh đi đây đi đó của ông ra xem, ngắm nghía và tin rằng một ngày nào đó, cô cũng sẽ đặt chân đến những vùng đất mà bố đi qua. Đọc hiểu những cuốn sách mà bố đã đọc và viết, nói được những ngôn ngữ khác nhau và thấy được vẻ đẹp của những cấu trúc ngôn ngữ giống như cách ông hay diễn đạt về công việc của mình.

Thủy rất thích viết, nhất là tự viết tay trên giấy trắng với nhiều kiểu bút, màu mực khác nhau để chia sẻ về công việc cũng như quan điểm cá nhân. Cô cho rằng: "Ghi chép, vẽ lại mạch suy nghĩ là một cách học tập tốt nhất, một cách để chống lão hóa và trẻ lâu".

Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 4.

Bộ sưu tập quý giá liên quan đến Truyện Kiều của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

Nhà báo Thủy Lê - một người bạn của Thu Thủy - kể lại, mọi người hay gọi bạn là "Thủy hoa hậu", nhưng với cô, Thủy hơn hết là một người viết mà nhiều bài, nhiều câu cũng khiến cô "mất điện"...

Thủy Lê nhớ mãi cách Thủy tả "gương mặt lớn của văn chương đương đại Pháp trong căn hộ nhỏ" của bà tại Paris, cách Thủy đặc tả cái ánh nhìn chưng cất từ im lặng đó:

"Còn Linda Lê, bà im lặng và sẵn sàng im lặng rất lâu, lâu cho đến khi nào mỗi đồ vật và con người đang xâm lăng vào thế giới của bà kia tạm yên ổn. Bà hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, nhưng tôi biết bà không hẳn là đang nhìn ra những thứ bên ngoài cửa sổ, mà chỉ là vì không gian bên trong lúc này chật hẹp đến độ không đủ cho cả một ánh nhìn...".

Hay cách Thủy tả nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê: "Đối với tôi, Nguyên Lê trước hết là một nụ cười. Một nụ cười không chỉ đẹp, mà hơn thế nhiều, ở đó có một sự ngây thơ mà tôi cho là rất quý giá, một sự ngây thơ mà người ta chỉ có thể đạt đến được sau rất nhiều từng trải...".

Nguyễn Thu Thủy cũng hay mua sách tặng những người mà mình quý mến. Và nếu tìm hiểu về cô hoa hậu này, không khó để biết cô là khách hàng thân thiết của những công ty sách hoặc nhà xuất bản.

Hễ có một cuốn sách hay nào đó mới được xuất bản, cô đều mua cho được. Ngoài đọc sách tiếng Việt và sách dịch, cô còn đọc sách ngoại văn. Cô đọc đủ thể loại sách: từ sách văn học, sách văn hóa, triết học, lịch sử, tâm lý học… cho tới sách khoa học, vật lý lượng tử, thiên văn học, sách thiền, sách về dinh dưỡng…

Thủy có thói quen sưu tầm sách cũ, vì thế, hễ có dịp đi đâu xa, cô đều lân la đến các hiệu sách cũ. Nếu có duyên tìm được cuốn sách hiếm, lòng cô không ngừng hoan hỉ. Khi tìm được cuốn Đời văn của nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại, cô viết: "Có ai đó đã đọc quyển sách này lần thứ nhất vào năm 1942".

Chỉ bấy nhiêu dấu tích để lại đó cũng làm cô hoa hậu sướng âm ỉ trong lòng. Hay cô từng "khoe" bộ sưu tập quý liên quan đến Truyện Kiều, trong đó có những cuốn mà những tay chơi sách cũ cũng phải "thèm thuồng".

"Quyển đang mở ra ở phía trên là quyển của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Đắc Lộ thư xã, 1942; quyển dưới cùng bên phải, bìa có con dấu, con dấu ghi "Vương Hồng Sển Sóc Trăng đấy", cô đầy hãnh diện trong vẻ hân hoan.

Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 5.

Thủy rất thích viết, nhất là tự viết tay trên giấy trắng với nhiều kiểu bút, màu mực khác nhau để chia sẻ về công việc cũng như quan điểm cá nhân. - Facebook Nguyen Thu Thuy

Đọc để phản tư, phản tỉnh

Với mỗi giải chạy, cô vẫn mang theo một cuốn sách. Cô dành một ngày trước trận đấu để nghỉ ngơi hoàn toàn và đọc. Nếu ở giải Dalat Ultra Trail, cô đọc Jung, thì ở Ha Giang Marathon, trong lúc các bạn đi chèo thuyền kayak trên sông Nho Quế thì cô ở lại, đọc Lược sử thời gian của Stephen Hawking.

Còn ở giải chạy VJM Pù Luông, cô chọn nghiền ngẫm Rễ trời của Romain Gary. Rễ trời - một câu chuyện về bảo tồn, khi con người hiện đại tìm đủ mọi cách để chiến thắng những chân lý cổ xưa nhất và chối bỏ những nhu cầu sâu thẳm nhất của mình, thì vẫn có những kẻ gàn dở và ngoại lệ.

Morel, một người đã sống sót qua những trại tập trung phát xít nhờ nuôi nấng trong mình tưởng tượng về loài voi, sau chiến tranh đã quyết định sang châu Phi để bắn vào mông tất cả những kẻ giết voi.

Thu Thủy viết: "Đau thương, bi tráng và buồn đến phát khóc. Những nhân vật trong tiểu thuyết làm tôi cũng muốn từ chối đứng về phe con người văn minh, tôi cũng là một kẻ gàn dở".

Có ai đó hỏi tại sao tôi chạy, tại sao tôi đọc, tại sao tôi viết, câu trả lời đơn giản nhất, vì tôi muốn sống nhiều cuộc đời. Những ngày mưa gió, "mưa thì kệ mưa chứ", mẹ Thủy đọc sách, cô con gái nhỏ hí hoáy vẽ, thỉnh thoảng lại tâm sự chuyện trường lớp bên cạnh lọ ô mai mơ có lẽ là khoảnh khắc bình yên trong đời.

Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 6.

Cuốn Sinh ra để chạy (Christopher McDougall) đã truyền cảm hứng cho Thủy trở thành một runner

Cuốn Sinh ra để chạy (Christopher McDougall) đã truyền cảm hứng cho Thủy trở thành một runner. Cô đọc đi đọc lại nó, mười một hay mười hai lần nào đó. "Lần nào đọc, cũng tìm thấy một điều gì đó mới mẻ, một thứ ánh sáng khác soi chiếu", cô chia sẻ.

Còn khi đọc Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (Haruki Murakami), cô ấn tượng đoạn: "Somerset Maugham từng viết rằng trong mỗi lần cạo râu đều có một triết lý. Tôi hoàn toàn tán thành. Một hành động dù thoạt nhìn có tầm thường đến thế nào, song cứ kiên trì làm đủ lâu thì nó sẽ trở thành một hành vi thâm trầm, thậm chí là thiền định".

Ngày bố cô mất, Thủy suy sụp. Cô viết: "Chắc đến một lúc nào đó bình tâm và yên ả hơn, tôi sẽ ngồi viết lại những kinh nghiệm cho việc tổ chức một tang lễ từ A tới Z. Tôi nghĩ nó là cần thiết cho những đứa con đang trải qua tuổi trung niên, những người con bận rộn trong một xã hội hiện đại với hệ thống giá trị niềm tin chồng chéo và khủng hoảng".

Có một giai đoạn Thủy hay viết báo, nhận giữ mục cho hai tờ báo và tạp chí. Nhưng rồi vì cảm thấy những gì mình viết lạc lõng so với những thứ nhảm nhí đang thống lĩnh bên ngoài kia nên cô bỏ.

Một lần chở bố đi khám bệnh, cô nói: "Con đang viết tiểu thuyết bố ạ". Nhìn qua gương chiếu hậu, cô để ý bố cô nhìn ra cửa sổ không nói gì. "Chắc cụ nản vì có đứa con gái lúc nào cũng lạc loài và đứng bên lề mọi thứ". Tiếc là, cô qua đời đột ngột quá, nên cuốn tiểu thuyết đời người đó, đang còn dở dang.

Đọc sách trở thành nhu cầu thường trực của cô hoa hậu (nhưng không phải bình hoa di động) này. Đọc và viết, để thấu tỏ bản thân, chứ không kiểu làm màu mè. Thủy đọc với một tinh thần phản tư và phản tỉnh.

Đọc sách Nhiệt đới buồn (Claude Lévi- Strauss), cô viết: "Người khác là người khác, không có khái niệm hiện đại hay mông muội giữa các nền văn hóa với nhau, giữa người này với người khác…

Bạn không thể áp đặt suy nghĩ, quan điểm của mình lên người khác mà phải biết chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận những "thế giới khác", chấp nhận những "người khác" xung quanh bạn".

Nhiều người vẫn hỏi Thủy theo tôn giáo nào vì cô hay nói về đức tin. Cô bảo: "Tôi là người có tâm linh (spirittuality)" thì người ta kết luận cô "mê tín dị đoan". Thủy dẫn lại một câu trong sách mà mình đọc được để trả lời, đại ý: Những người theo tôn giáo vì họ sợ địa ngục, còn những người có tâm linh là những người vừa từ địa ngục trở về.

Từ trước đến nay, hoa hậu, người đẹp ở nước ta không ít. Nhưng có mấy ai đáp trả sắc sảo như cô hoa hậu Việt Nam năm 1994?

Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 7.

Nguyễn Thu Thủy đã khép lại cuộc đời ở tuổi 45 - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025