Phàm con người ta, trong khi ăn thường lộ ra nhiều thứ. Với Trần Công Khanh, cái ăn của anh rốt cuộc làm phát lộ ra anh là người ham… những chuyện xung quanh chuyện ăn. Nhờ vậy mà những chuyến dung dăng đi vào cuộc rong chơi ẩm thực của anh cũng tựa như hành trình khám phá đề tài cho trang báo.
Nói tựa như, vì trong cái chuyện ăn để viết - viết để ăn ấy, bảo dễ thì cũng dễ xuôi lọt, còn bảo khó chắc cũng khó đến nghẹn ngào. Đọc chuyện anh ăn, thấy chính niềm yêu thích những thứ “bàng môn tả dạo” nằm bên ngoài mực thước tư duy ăn uống theo các “nhà ẩm thực” dã mang lại cho anh “cảm giác ngon” kỳ đặc hơn người. Cũng từ một chuyện nước mắm, nhưng cái khác nhau giữa Phú Quốc, Phan Thiết, Bình Định,… đâu chỉ là kết quả của cái lưỡi nếm trải. Mà đâu đó trong hành trình chưng cất từ cá đến mắm, có quan niệm gió mùa thời tiết, có cảm nhận nắng mưa gắt nhạt, có nghệ thuật dùng liều lượng và chất lượng muối biển thế nào… đều không ai giống ai. Những “cái khác” ấy không phải cái lưỡi sành ăn nào cũng chạm tới được.
Trong hành trình ăn rong, cái lưỡi của Công Khanh nhiều khi đến sau bước chân phóng sự và đôi tay ghi nhanh, nên cái ngon trong ẩm thực của anh gom gói nhiều chất vị lắm. Đó là chưa kể, cái sự ăn rong của anh thường khởi phát từ những ưu tư về thời quá vãng, nên miếng ngon của ngày hôm nay còn dắt díu cả những mối dây liên hệ từ thuở nảo nào trong tàng thư hay qua lời nhân chứng kể – mà lắm khi đấy chính là lý giải thuyết phục cho việc sinh ra, trường tồn lẫn biến thiên của các món ăn trong từng cộng đồng cư dân. Ấy gọi là trong khi đọc chuyện anh ăn, người ta còn ăn chuyện anh đọc nữa vậy. Nhà báo Lam Điền