Thế mới có phong cảnh “thủy tú sơn kỳ” bốn mùa đẹp như hoa như gấm, cây cỏ xanh tươi phồn thịnh.
Ngoài ra, nơi đây còn được mệnh danh là “kinh đô chùa chiền” bật nhất miền Tây vì có nhiều vô số kể các Chùa, Vồ, Hang, Miếu đều có chỗ thờ tự trang nghiêm như: chùa Vạn Linh, thiền viện chùa Phật Lớn, Vồ Thiên Tuế, động Thủy Liêm, vồ Bồ Hong, di tích vua Gia Long, điện 13 tầng, hang Bác vật lang, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, điện Rau Tần…
Đến với núi Cấm An Giang chỉ mất khoảng 15 phút trên cáp treo thưởng ngoạn hơi nóng biến mất, chỉ còn lại hồ nước trong xanh với làn gió nhẹ đung đưa trong tầm mắt. Vi vu trên không trung ngắm sườn núi nhỏ ngập hoa, chắc chắn bạn sẽ phải thốt lên rằng ôi sao lại thơ mộng đến vậy. Tuy nhiên, cảm giác bay lên trên, ngắm nhìn đồng bằng bên dưới với những khu rừng nhỏ xinh như những chiếc ô màu xanh lá cây sẽ đánh thức nhiều cảm xúc mới lạ vô cùng.
Tất cả các vùng dân cư phân bố ở vùng núi này đều tập trung quanh các chân núi, nhìn ra phần địa hình bằng phẳng xen kẽ được sử dụng làm đất canh tác. Chính vì vậy, cảnh sắc của vùng này lộng lẫy hơn hẳn các vùng khác vì có núi hùng vĩ tạo lạc giữa cánh đồng mênh mông dưới tán cây thốt nốt và các vùng dân cư khiêm cung, nhỏ bé, tạo nên tính cách con người thân thiện, hiếu khách.
Sự ra đời của cáp treo Núi Cấm là niềm tự hào của người dân địa phương, thỏa niềm mong muốn cả gia đình cùng nhau trải nghiệm du lịch tuyệt vời, khám phá“kinh đô chùa chiền” như một điểm đến du lịch tâm linh, hành hương nổi tiếng. Những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng, những bảo tháp “chọc trời”, tượng Phật Di Lặc, Quan Thế Âm ngự trên những đồi cao, vượt lên trên cánh rừng già đã tạo nên những giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh về một Thất Sơn huyền bí.
Tượng phật Di Lặc ngồi, cao 33,6m, tọa trên một đỉnh đồi cao hơn 500m so với mực nước biển, được xác lập kỷ lục Châu á. Vị Phật nở nụ cười rất hiền hoà, làm cho bất cứ ai nhìn thấy cũng được nhẹ lòng, thanh thản.
Bên trái là Thiền viện Chùa Phật Lớn, một ngôi chùa hình thành trong dân gian, do các nghĩa sĩ yêu nước đến dựng lên, sống ẩn dật như những đạo sĩ. Ngày nay, Thiền viện Chùa Phật Lớn được xây dựng mới khang trang, rất đẹp và nhiều tượng phật uy nghiêm để cho người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái.
Còn phía bên phải là Chùa Vạn Linh còn có tên khác là chùa Lá vì ban đầu chỉ được dựng đơn sơ bằng tranh bởi Hòa thượng Thích Thiện Quang khai sơn năm 1927. Tựa lưng vào vách núi chùa được thiết kế, xây mới theo lối kiến trúc cổ truyền phương Đông, nổi bật nhất là ba ngọn tháp uy nghi, trầm mặc, được đặt tại ba vị trí khác nhau ở phía trước tiền đường, đó là: tháp Quan Âm 9 tầng cao hơn 35m (ở chính giữa), tháp Hoà thượng khai sơn Thích Thiện Hạ Quang 3 tầng (ở bên phải) và tháp chuông 9 tầng với quả đại Hồng chung nặng 1,2 tấn (ở bên trái).
Đang say sưa cảnh vật một tiếng chuông chùa vang xa giữa thinh không, thâm trầm giữa náo nhiệt, ngân nga giữa bể dâu thức tỉnh con người trở về cõi an nhiên nhất trong tâm hồn. Thế nên nhiều du khách khi đến với Núi Cấm ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh, còn muốn buông bỏ phiền não để cảm thấy hòa hợp giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp vô ngần.