Nội lực - Làm chủ cảm xúc bản thân

Quang Thanh06/12/2023 09:00
Nội lực - Làm chủ cảm xúc bản thân

Để hiển thị trí thông minh độc đáo của loài người một cách trọn vẹn, ta cần học cách ngừng hành động theo cảm tính, và phản ứng lại với cảm xúc của người khác sao cho đúng đắn và tinh tế trong công việc, gia đình, cũng như trong các mối quan hệ.

Cảm xúc không phải bầy ngựa hoang

Sự cân bằng giữa lý trí và cảm xúc rất quan trọng, và giờ đây người ta đang dịch chuyển dần từ quan niệm truyền thống chỉ có “lý trí là tốt” và “cảm xúc là xấu” sang sự thật mà khoa học mới tiết lộ, cho thấy chính việc làm chủ cảm xúc mới là mấu chốt để thay đổi cuộc sống của mỗi người.

Hiểu biết của loài người về vai trò của cảm xúc đã thay đổi trong những năm gần đây. Chúng ta từ chỗ xem cảm xúc như “những con ngựa hoang” lôi kéo “chiếc xe hàng” mang tên tâm trí theo vô vàn ngả rẽ, giờ đây đã hiểu rằng ta có nhiều quyền năng làm chủ cảm xúc hơn mình tưởng rất nhiều. Hình ảnh từ máy quét não cho thấy các phản ứng cảm xúc trông như thế nào, được kích thích ra sao trong não bộ và rằng chúng có thể được điều tiết một cách có ý thức. Một điều còn khả quan hơn được khoa học thần kinh hiện đại vén màn, chính là việc chúng ta có thể nỗ lực cải thiện khả năng điều tiết cảm xúc của mình, thay đổi “cảnh tượng nội tâm” theo hướng tốt đẹp hơn, và dùng toàn bộ phổ cảm xúc sẵn có để nâng cao trải nghiệm sống.

Thay vì là một tiến trình thụ động, việc cảm nhận các cảm xúc có thể được điều chỉnh lại thành một tiến trình chủ động và tự sinh sôi, dù không phải lúc nào ta cũng thấy vậy, đặc biệt là khi ta đang chìm đắm trong một xúc cảm nguyên thủy và mãnh liệt như tức giận hay phấn khích. Những cảm xúc này dường như “ập đến” một cách bất khả kháng, nhưng bằng cách tối ưu hóa Nội lực, chúng ta sẽ lấy lại được quyền làm chủ cảm xúc của mình – để hành động như một người chủ chứ không phải nô lệ của chúng.

Ở một góc độ nào đó, quan niệm cho rằng cảm xúc “ập đến” chúng ta chứa đựng một phần sự thật. Cảm xúc được sản sinh trong hạch hạnh nhân thuộc hệ viền, bộ phận nguyên thủy nhất của não bộ. Một khi đã được ghi nhận bởi hạch hạnh nhân, các phản ứng cảm xúc của ta trong tình huống hiện tại sẽ được não bộ móc nối với những ký ức cũ được lưu trữ trong hồi hải mã. Sau đó là công việc của phần vỏ não trước trán, nó sẽ quyết định hồi tưởng những ký ức có liên quan và giải mã ý nghĩa của từng cảm xúc sau khi chúng được lọc qua những khuôn mẫu nhận thức tạo thành từ kinh nghiệm trong quá khứ. Dựa vào đó, não bộ sẽ kết hợp kiến thức (tư duy lý tính) và trực giác, trí thông minh cảm xúc để diễn giải và nghĩ cách ứng xử đối với những gì xảy ra, từ đó chúng ta cảm nhận được cảm xúc.

Đôi lúc ta phát hiện tất cả cảm xúc của mình được kích hoạt cùng một lúc, và việc đạt đến sự cân bằng trong cách ta phản ứng với chúng dường như là một thách thức không thể vượt qua. Khi điều này xảy ra, não bộ trở nên quay cuồng trong mớ bòng bong chất hóa học tương khắc với nhau, hình thành từ dòng chảy cảm xúc mãnh liệt. Ví dụ như khi ghen tuông cực độ, cảm xúc yêu thương, giận dữ và thù ghét có thể cùng hoạt động mạnh mẽ trong sự đối chọi gay gắt.

Trong thời khắc đó, hành động cực đoan – chẳng hạn như cơn giận bột phát với đối phương hoặc với bản thân – dường như là cách duy nhất để giải tỏa những cảm xúc mãnh liệt này. Mọi điều bạn học được từ Nội lực và từ việc rèn luyện các bài tập xuyên suốt quá trình đó sẽ giúp bạn phản ứng theo cách khiến bản thân tự hào hơn.

Con người có những kiểu cảm xúc cơ bản nào

Như chúng ta đã biết, mọi cảm xúc của loài người đều có mối tương quan với nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. Trong số tám loại cảm xúc chính, năm cảm xúc cần thiết cho sự sinh tồn (sợ hãi, giận dữ, ghê tởm, xấu hổ và buồn phiền) đòi hỏi sự giải phóng hoóc-môn xoa dịu căng thẳng cortisol. Có vẻ những cảm xúc trên chủ yếu hoạt động dưới tầng ý thức và đều thiên về sự né tránh/chạy trốn, từ đó dẫn đến các hành vi phức tạp. Chính những cảm xúc này khiến bạn cảm thấy muốn né tránh các tình huống có thể gây căng thẳng, như thuyết trình trước đám đông hay hẹn hò giấu mặt.

Nếu không bị kiềm chế, chúng có thể khiến bạn lâm vào khủng hoảng, mải miết tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất trong nỗi ức chế và thất vọng. Khi chúng kiểm soát được phản ứng “chiến hay chạy” của não bộ, bạn sẽ cảm thấy bị chúng chi phối và khó kiểm soát được phản ứng của mình cũng như khó giữ cái đầu lạnh.

Hai phổ cảm xúc của sự gắn bó (yêu thương/tin tưởng và vui sướng/phấn khích) được điều hòa nhờ tác động của các chất oxytocin, serotonin và dopamine trên các thụ thể thần kinh (neuron receptors). Những chất trên kích hoạt hệ thống khen thưởng trong não bộ, và chúng ta được lập trình để lặp lại các hành vi mang đến cảm giác tốt đẹp đó, ví dụ như âu yếm người yêu hay chạy bộ. Cơ chế này rất có lợi khi bạn mới làm quen với các hành vi lành mạnh – bạn sẽ bắt đầu muốn đi tập gym bởi vì bạn nhớ rằng mình cảm thấy sảng khoái sau khi tập xong.

Tuy nhiên, chúng cũng có thể củng cố các hành vi tiêu cực. Rõ ràng là những thứ như rượu bia hay hẹn hò với “trai hư gái hỏng” không hề tốt cho ta và còn có thể gây nghiện, nhưng thật ra ngay cả những công việc hay sự rèn luyện đầy hữu ích cũng có thể gây nghiện, vì thế vấn đề luôn nằm ở sự tiết chế.

Nằm giữa hai phổ cảm xúc mang tính “gắn kết” và “sinh tồn” là sự ngạc nhiên. Một mình một cõi, sự ngạc nhiên chính là thứ được ta gọi là cảm xúc “xúc tác”, nó có thể đảo ngược xu hướng phản ứng của chúng ta từ gắn kết sang sinh tồn hay ngược lại. Cảm xúc ngạc nhiên chính là cảm giác chúng ta có khi chơi trò tàu lượn siêu tốc hay xem một bộ phim kinh dị, khi ta không đoán được trong một phần ngàn giây tiếp theo mình sẽ cười hay khóc.

Bằng cách dời hướng tập trung ra xa khỏi lối ứng phó thông thường của mình, ta có thể khai thác nét cảm xúc quan trọng này, từ đó giúp xử lý những vấn đề tái đi tái lại theo một cách hoàn toàn khác biệt. Chẳng hạn, một việc đơn giản như nhận lời khuyên từ một người bạn có cách nhìn nhận vấn đề khác với ta đôi khi lại có thể kéo ta ra khỏi trạng thái sinh tồn và đưa ta đến với lối tư duy dồi dào và sự tự nhận thức.

Não bộ của chúng ta tiếp xúc với cái gì thì sẽ in hằn vết tích của cái đó, vì thế việc làm chủ cảm xúc và duy trì động lực một phần đến từ việc đạt được trạng thái cân bằng lành mạnh. Trong cuộc sống, con người cần cảm nhận được trọn vẹn các cung bậc cảm xúc, nhưng cái nào cũng không được quá nhiều hay quá ít.

Loài người ai cũng đều trưởng thành dựa trên các hình mẫu, bất kể là trong việc kết giao với người khác, thể hiện bản thân, cho đi và nhận lại tình yêu hay xử lý những bất đồng trong cuộc sống. Xuyên suốt dòng đời mỗi con người, những “vết tích” từng in hằn trong ta sẽ được phóng chiếu vào các tình huống và mối quan hệ khác trong cuộc sống. Tiến trình vô thức nhưng có ảnh hưởng mạnh mẽ này rất đáng để khám phá, bởi vì nó có thể tác động sâu sắc đến các mối quan hệ mà ta lựa chọn, cách ta nhìn nhận bản thân cũng như cách ta suy nghĩ và hành xử.

Đặc trưng cảm xúc của gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng kiểm soát và bộc lộ cảm xúc của chính bạn. Những người sinh ra trong gia đình hay bộc phát cảm xúc cao độ và thường xuyên lên giọng gay gắt – cụ thể là tranh cãi ồn ào, la hét hay khóc lóc – dễ cảm thấy khó xoay xở trong một mối quan hệ với người sống nội tâm và luôn kiểm soát việc thể hiện bản thân. Họ cũng có thể cảm thấy khó lòng kiềm chế hành vi bẳn gắt của mình (vốn được học từ gia đình) trong những bất đồng phát sinh nơi công sở.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024