Những người hùng từ thiện - Tỷ phú nước Ấn: "Leo lên Everest thì không nhưng hiến thận thì tôi có thể!"

09/10/2019 14:49
Những người hùng từ thiện - Tỷ phú nước Ấn: "Leo lên Everest thì không nhưng hiến thận thì tôi có thể!"

Tại Ấn Độ, có 200.000 người cần được ghép thận mới mỗi năm nhưng số người hiến tặng chỉ là 7.500. Doanh nhân Kochouseph Chittilappilly đã không ngại hiến một quả thận cho người lạ và đang nỗ lực “dành phần đời còn lại để làm những điều lớn lao hơn.”

Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan hay Warrren Buffett và Bill Gates đều đã tuyên bố trao phần lớn khối tài sản khổng lồ đang sở hữu cho các dự án thiện nguyện. Còn Charles Francis Feeney – "Jame Bond của giới từ thiện", khi được hỏi vì sao lại cho đi tất cả 8 tỷ USD tài sản, ông nhẹ nhàng nói: "Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi!"

Đối với nhiều triệu phú hay tỷ phú, cuộc sống không chỉ đơn thuần là làm giàu cho bản thân mà còn là trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Tiếp nối Series bài viết Những người hùng từ thiện, chúng tôi xin gửi tới độc giả câu chuyện về vị tỷ phú sẵn sàng hiến thận cho người xa lạ và những nỗ lực của ông trong việc giải quyết thực trạng cấp bách tại Ấn Độ.

Thực trạng hiến tạng tại Ấn Độ

Hiến tặng nội tạng luôn là vấn đề nóng ở Ấn Độ. Theo ước tính của chính phủ, đất nước hơn 1,3 tỷ dân này có 200.000 người cần được ghép thận mới mỗi năm nhưng số người hiến tặng chỉ là 7.500 (chưa đầy 4%).

Tỷ phú nước Ấn: Leo lên Everest thì không nhưng hiến thận thì tôi có thể! - Ảnh 1.

Nhu cầu cao tạo động cơ khiến nhiều người nghèo bán thận cho bệnh nhân với mong ước đổi đời. Trong những năm gần đây, hoạt động buôn bán bất hợp pháp này đã bị phát hiện ngay cả ở một số bệnh viện nổi tiếng ở Mumbai và Delhi. Đạo luật cấm buôn bán nội tạng trái phép đã được ban hành từ năm 1994 nhưng dường như không phát huy tác dụng.

Một vấn đề nan giải không kém, tôn giáo và văn hóa lâu đời tại Ấn Độ cũng ngăn cản việc hiến tạng sau khi chết. Và việc phá vỡ những điều cấm kỵ để tăng nguồn cung nội tạng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong nửa cuộc đời còn lại của tỷ phú Kochouseph Chittilappilly.

Leo lên Everest thì không nhưng hiến tạng thì có thể

Việc giới nhà giàu khắp thế giới từ thiện bằng tiền, của cải vốn không có gì lạ lẫm nhưng hiến thận, tặng nội tạng hẳn vẫn còn khá lạ và hiếm. Tỷ phú Chittilappilly là một trong số đó.

Kochouseph Chittilappilly sinh năm 1950 tại bang Kerala, miền nam Ấn Độ. 27 tuổi, ông thành lập một công ty sản xuất các bộ ổn áp với số vốn 100.000 USD cùng hai nhân viên.

Qua nhiều năm, công ty này đã trở thành thương hiệu ổn áp, động cơ lớn nhất Ấn Độ với 500 nhà phân phối, 3000 đại lý, 20.000 nhà bán lẻ và mạng lưới trung tâm dịch vụ trên khắp đất nước.

Tỷ phú nước Ấn: Leo lên Everest thì không nhưng hiến thận thì tôi có thể! - Ảnh 2.

Kochouseph Chittilappilly

Chưa dừng lại ở đó, Chittilappilly còn là người đứng sau công viên giải trí Wonderla Kochi và thương hiệu thiết bị điện V-Guard Industries. Theo Forbes, doanh thu của hai công ty lần lượt đạt 38 triệu USD và 320 triệu USD.

Tuy vậy, ý định trở thành nhà từ thiện của ông xuất hiện rất muộn. "Ba ưu tiên đầu tiên của tôi từng là kinh doanh, kinh doanh và chỉ kinh doanh.", Chittilappilly thừa nhận. Nhưng khi tích lũy được nhiều tài sản hơn, ông được gia đình khuyến khích xây một ngôi nhà tuổi già cho những người phụ nữ nghèo khổ trong làng và nhà trọ cho những cô gái nông thôn.

Ý tưởng hiến thận đến khi người họ hàng xa của vị tỷ phú chết vì suy thận. Còn trong một cuốn hồi ký được viết sau đó, Chittilappilly giải thích rằng tổ chức từ thiện thực sự không phải là cho tiền tích lũy hay vật chất mà là "những gì của chúng ta".

Hai tháng sau sinh nhật lần thứ 60, ông đã trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài bốn tiếng để cắt đi một quả thận và tặng cho người lái xe tải ốm yếu, một người hoàn toàn xa lạ.

Ông nói đùa rằng mình chỉ đang cho đi một quả thận già và tự tin rủi ro rất nhỏ: "Tôi có những bác sĩ giỏi nhất chăm. Triết lý của tôi là, dù không thể leo lên đỉnh Everest, nhưng việc này thì tôi có thể làm."

Hình thành chuỗi hiến tạng

Kể từ đó, Chittilappilly giao lại công ty cho hai con trai để tập trung vào các hoạt động từ thiện. Năm 2012, ông thành lập quỹ K. Chittilappilly, đóng góp phần lớn thu nhập của mình với tham vọng tạo liên kết hay chuỗi dài các nhà hiện tặng tạng, một khái niệm hoàn toàn mới ở Ấn Độ.

Một thành viên trong gia đình người nhận (trong trường hợp trên là vợ tài xế lái xe tải) sẽ phải đồng ý hiện thận cho người khác có nhu cầu. Chuỗi chỉ kết thúc khi không tìm được người có thận phù hợp từ gia đình.

Bên cạnh đó, thay vì mua bán tạng hợp pháp, tổ chức của Chittilappilly hằng năm công nhận sự đóng góp của những người hiến tạng sau khi chết nghèo bằng phần thưởng tiền mặt từ 1.400 USD đến 7.000 USD.

Tỷ phú nước Ấn: Leo lên Everest thì không nhưng hiến thận thì tôi có thể! - Ảnh 3.

Quan điểm của họ cho rằng: "Trong trường hợp không có an sinh xã hội ở Ấn Độ, nếu chủ hộ nghèo bị bệnh và qua đời, gia đình phải trải qua khó khăn tài chính to lớn."

Quỹ cũng bảo lãnh chi phí cho điều trị lọc máu cho hơn 3.000 bệnh nhân nghèo mỗi năm. Sau khi lũ lụt tấn công Kerala năm 2018, Chittilappilly đã hỗ trợ 700.000 USD ngay lập tức để người dân xây dựng lại nhà cửa.

Và bất chấp mọi lời đồn đoán từ truyền thông, sự lo lắng từ gia đình, Chittilappilly ra viện và đi làm chỉ hai tuần sau đó. Ông chia sẻ: "Tất cả những gì bạn cần chỉ là một chút can đảm."

Nghèo khổ 8 đời, “anh hùng xóa đói giảm nghèo” Trung Quốc quyên góp hơn 230 triệu USD, giúp 170.000 sinh viên: "Người nghèo không nên sống ngắn"

Theo Trí Thức Trẻ/Forbes

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025