Trong những bài hát về tình cảm gia đình, Nhật ký của mẹ được xem là ca khúc đương đại có sức lan tỏa hàng đầu, để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả Việt Nam hơn 1 thập kỷ qua.
Nhật ký của mẹ được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác năm 2008 vào thời điểm gia đình anh gặp biến cố, em trai út bị bắt cóc. Nam nhạc sĩ không khỏi đau lòng trước hình ảnh mẹ vừa chạy xe đi tìm, vừa khóc đến quặn thắt nên anh đã đặt bút viết ca khúc này tặng mẹ.
Bài hát kể hành trình mẹ theo sát con từ lúc con còn trong bụng cho tới khi chào đời, tập nói, đi học, biết yêu và đến khi con khôn lớn, trưởng thành, rời xa gia đình.
Ban đầu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không dự định bán độc quyền cho ca sĩ nào vì e ngại nhạc phẩm dài 8 phút khó trình diễn. Anh ngỏ lời mời ca sĩ Hiền Thục thể hiện ca khúc này nhưng cô chưa kịp thu âm vì bận rộn.
Năm 2011, Nguyễn Văn Chung một lần nữa ngỏ ý mời và được nữ ca sĩ đồng ý.
Hiền Thục cho biết cô từng nhiều lần khóc trong phòng thu vì nội dung xúc động của bài hát. Là một người mẹ, nữ ca sĩ thấu hiểu sự ngóng trông, dõi theo của người mẹ trước từng bước chân, từng cột mốc, từng sự thay đổi trong cuộc sống của con.
Hiền Thục tiết lộ bản thu âm chính thức là giọng hát mộc của cô, chưa qua quá trình chỉnh sửa bằng kỹ thuật. Ca từ xúc động, giai điệu dễ nghe, dễ nhớ và sự thể hiện "như trút hết ruột gan" của Hiền Thục đã góp phần giúp Nhật ký của mẹ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến khán giả.
Điểm đặc biệt của ca khúc còn nằm ở MV phát trên YouTube. Khác với những video được đầu tư hình ảnh, kỹ xảo hàng trăm triệu đồng, Nguyễn Văn Chung tiết lộ chi phí sản xuất MV Nhật ký của mẹ chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng. MV được thực hiện theo lối vẽ tranh trên cát, minh họa những trang nhật ký của mẹ, được đánh giá gần gũi mà xúc động, dễ lấy nước mắt khán giả.
Khi phát hành năm 2012, ca khúc nhanh chóng vào top của các bảng xếp hạng trong nước, được đề cử hạng mục "Bài hát của năm" tại hầu hết giải thưởng âm nhạc thời bấy giờ.
Đến nay, sau 12 năm ra đời, Nhật ký của mẹ vẫn có sức sống bền bỉ, được khán giả nhiều lứa tuổi yêu thích, nằm lòng. Trong những dịp lễ về mẹ, bài hát lại được trình diễn ở nhiều chương trình, sự kiện. Ca khúc này cũng là giai điệu quen thuộc được phát ở nhiều bệnh viện sản khoa.
Trên thế giới, bản hit của Nguyễn Văn Chung từng được một trung tâm âm nhạc tại Đức đưa vào "Tuyển tập những ca khúc hay nhất thế giới năm 2015". Giai điệu ca khúc cũng từng vang lên trong đêm chung kết một cuộc thi khiêu vũ ở Nga, vào giáo trình giảng dạy ở một trường tiểu học tại Nhật Bản…
Nhiều năm qua, Nhật ký của mẹ vẫn luôn chiếm giữ vị trí đặc biệt trong lòng khán giả. Ca khúc này cũng từng được một số ca sĩ thể hiện nhưng khán giả vẫn dành nhiều tình cảm cho tiếng hát của Hiền Thục.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2020, Hiền Thục cho biết, cô biết ơn Nguyễn Văn Chung. "Nói không ngoa, ca khúc mang lại mọi thứ cho tôi. Nhiều người nhớ đến tôi vì tôi thể hiện bài hát. Bản hit mang cho tôi chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả. Sau này, nhiều show diễn vẫn yêu cầu tôi hát bài này, giúp tôi có kinh tế vững vàng", nữ ca sĩ bộc bạch.
Với sự lan tỏa rộng rãi của ca khúc này, nhiều khán giả nhận định bài hát không chỉ góp phần tạo nên tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, mà còn mang lại cho anh nguồn thu nhập, kinh tế lớn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng chỉ cần với một bản hit này, Nguyễn Văn Chung cũng có thể sống dư dả, thoải mái cả đời mà không bị áp lực mưu sinh.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phủ nhận ý kiến trên. Anh cho biết Nhật ký của mẹ mang đến khoản thu nhập thụ động lớn từ tiền tác quyền mà anh nhận mỗi quý. Tuy nhiên, nam nhạc sĩ khẳng định anh "sống khỏe" nhờ nhiều bản hit, không chỉ riêng Nhật ký của mẹ.
"Hàng quý, tiền tác quyền của Nhật ký của mẹ chiếm phần lớn trong tổng tiền tác quyền mà tôi nhận được từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC - PV). Tuy nhiên, tôi không rõ bài hát nhận cụ thể bao nhiêu, vì tiền tác quyền gộp chung các bài hát mà tôi đã viết", Nguyễn Văn Chung cho hay.
Trong bài đăng trên Facebook cá nhân hôm 21/6, Nguyễn Văn Chung cũng đính chính tin đồn "thu nhập từ ca khúc Nhật ký của mẹ lên tới 2 tỷ đồng". Anh nói: "Nguồn thu từ bài hát này của tôi có thể nói là khá cao, nhưng không thể đến con số đó được".
Tuy không hé lộ cụ thể về khoản tiền nhận được từ trước nay nhờ Nhật ký của mẹ, Nguyễn Văn Chung vẫn khẳng định đây là bản hit lớn nhất, là ca khúc thành công, ghi dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác 23 năm của anh.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn năm 2018, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng hé lộ Nhật ký của mẹ là bài hát đem lại nguồn thu nhập nhiều hơn cả những bài hát về tình yêu mà anh từng viết. "Tính ra tiền mặt, bài hát đem lại cho tôi khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng", Nguyễn Văn Chung chia sẻ vào thời điểm đó.
Trong hành trình chinh phục khán giả trong nước và quốc tế, Nhật ký của mẹ có nhiều dấu ấn, đặc biệt là những "con số biết nói" liên quan đến tiền tác quyền.
Năm 2017, ca khúc này từng được Trung tâm Cybelere của Đức trả 5.000 USD (khoảng 117 triệu đồng) tiền bản quyền cho một lần biểu diễn. Đây cũng là bài hát Việt Nam đầu tiên được sử dụng và trả tác quyền cao như vậy tại châu Âu tính đến thời điểm đó.
Khi ca khúc được đưa vào "Tuyển tập những bài hát hay nhất 2015", trung tâm âm nhạc ở Đức cũng trả nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung 300 euro (khoảng 7,6 triệu đồng) tiền tác quyền.
Nói về lý do Nhật ký của mẹ có sức lan tỏa bền bỉ, Nguyễn Văn Chung giải thích: "Tôi nghĩ điều đầu tiên do nội dung, chủ đề. Các bài hát về cha mẹ luôn nhận được sự yêu thích, thiện cảm từ khán giả. Người làm con, người làm mẹ đều thấy mình trong đó.
Hằng năm đều có những ngày để tri ân, tôn vinh sự hy sinh của người mẹ. Ngoài ra, cảm hứng truyền tải của ca khúc hay hình ảnh cuốn nhật ký, tranh cát trong MV cũng là nét đặc biệt giúp ca khúc lan tỏa bền bỉ".
Nguyễn Văn Chung cho biết thêm, sau thành công của Nhật ký của mẹ và các ca khúc nhạc trẻ, từ năm 2014, nam nhạc sĩ ngừng sáng tác nhạc tình để tập trung làm nhạc về chủ đề thiếu nhi, gia đình. Các ca khúc này mang lại cho anh thu nhập thụ động bởi có sức sống lâu bền, mang tính chất "sử dụng nhiều lần", có thể biểu diễn, ứng dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Nhờ quá trình sáng tác chăm chỉ, Nguyễn Văn Chung có nguồn thu nhập ổn định để chu toàn cuộc sống cá nhân và lo cho gia đình. Anh hiện sống trong căn nhà 10 tỷ đồng, mỗi quý nhận trung bình 200-300 triệu đồng tiền tác quyền. Song trước những ý kiến cho rằng "Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ giàu nhất Việt Nam", anh nhiều lần lên tiếng phủ nhận.
Hồi tháng 5, mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - người tạo cảm hứng cho anh sáng tác ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp - qua đời, để lại nỗi đau, sự mất mát lớn cho nhạc sĩ. Anh chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động về người mẹ quá cố và cho biết nếu không có mẹ thì sẽ không thể có Nhật ký của mẹ.
"Con xin được viết thay má trang cuối cùng Nhật ký của mẹ. Cảm ơn vì má đã đến bên con. Tạm biệt má của con", Nguyễn Văn Chung nhắn gửi đến người mẹ quá cố.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sinh năm 1983, khởi nghiệp sáng tác khi còn là sinh viên ngành Du lịch Khách sạn.
Nhiều bài hát của anh gắn liền với tên tuổi các ca sĩ như Vầng trăng khóc (Nhật Tinh Anh - Khánh Ngọc), Con đường mưa (Cao Thái Sơn), Chiếc khăn gió ấm (Khánh Phương), Mùa đông không lạnh (Akira Phan), Ngôi nhà hoa hồng (Bảo Thy - Quang Vinh), Nhật ký của mẹ (Hiền Thục)...
Sau thời gian chuyên sáng tác nhạc trẻ, những năm qua, nam nhạc sĩ chuyển sang viết nhạc cho thiếu nhi.