Người hùng mang ngàn gương mặtxuất bản lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1949. Đây được xem là cuốn sách mở đầu cho một loạt công trình khảo cứu, biên tập, biên soạn, tiểu luận, du ký, bài giảng và cả sáng tác văn chương của Joseph Campbell. Tác phẩm có mặt trong danh sách 100 cuốn sách phi hư cấu bằng tiếng Anh có sức ảnh hưởng nhất từ 1923 do tạp chí Time bầu chọn.
Cuốn sách của Joseph Campbell sau đó đã trở thành “công thức thần thoại” để các nhà làm phim Hollywood tạo ra những cốt truyện kịch tính xoay quanh nhân vật “người hùng”. Người hùng mang ngàn gương mặt đã tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh ra đời như Chiến tranh giữa các vì sao, Đồi thỏ, Vua sư tử… Christopher Vogler một chuyên gia điện ảnh của Hollywood đã dựa vào Người hùng mang ngàn gương mặt để viết cuốn The Writer’s Journey như sổ tay hướng dẫn viết kịch bản cho các nhà biên kịch ở Mỹ.
Người hùng mang ngàn gương mặtdẫn dắt người đọc phiêu du vào thế giới thần thoại từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Ở đó người đọc sẽ được tiếp cận gần nhất với câu chuyện thần thoại của nhiều nền văn minh và các dân tộc trên thế giới như Hy Lạp - La Mã, Ấn Độ cho đến các các bộ lạc da đỏ châu Mỹ, thổ dân châu Phi, Trung Quốc, Nhật Bản…
Người hùng mang ngàn gương mặt ban đầu được xem như một cuốn “dạy cách đọc thần thoại cho đại chúng”, xuất phát từ những bài giảng cho sinh viên, nó khá giống một cuốn khoa học - triết học thường thức. Nhưng càng đọc người ta nhận ra rằng cuốn sách không chỉ nghiên cứu thần thoại mà còn liên hệ kết nối từng cá nhân vào mỗi trang viết. Đối với tác giả, mỗi cá nhân đều là người hùng trong cuộc sống của chính mình. Tìm hiểu lại thần thoại chính là cách tốt nhất để từng người hiểu được vị trí của mình trong cuộc sống cũng như tìm đường đi cho chính mình trong những thời điểm khó khăn.
Theo tác giả Joseph Campbell, mọi hệ thần thoại trên thế giới đều kể từ câu chuyện duy nhất, đó là chuyện của người hùng, từ thế giới ngày thường đi vào thế giới siêu nhiên, chạm trán những lực lượng thần kỳ, mang về ân huệ cho xứ sở mình. Và trên con đường ấy là hai ngưỡng chứa đầy nguy hiểm: ngưỡng để bước vào thế giới siêu nhiên, và ngưỡng quay về; canh giữ ngưỡng là những rắn rồng đáng sợ mà người hùng sẽ chỉ tỏ rõ sự xứng đáng của mình nếu vượt qua được chúng.
Hơn 70 năm trôi, cuốn sách Người hùng mang ngàn gương mặtđã được dịch ra 20 thứ tiếng và tiếp tục lan tỏa khắp nơi làm say mê nhiều thế hệ độc giả trên thế giới.
Sau nhiều nỗ lực của những người làm sách tại Việt Nam, đặc biệt là sự hỗ trợ lớn của Quỹ Joseph Campbell, cuốn Người hùng mang ngàn gương mặt cũng đã có mặt tại Việt Nam, bản dịch tiếng Việt của dịch giả Thiên Nga, sách do NXB Dân Trí phối hợp với Công ty Nhã Nam phát hành tháng 6.2021.
Joseph Campbell sinh năm 1904 tại New York, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương Anh và thạc sĩ về văn học trung đại ở Đại học Columbia, ông tới châu Âu học các thứ tiếng cổ, trong đó có tiếng Phạn. Trở về New York, ông dành 5 năm đọc sách trước khi nhận chân giảng viên văn chương tại trường nữ học Sarah Lawrence, những bài giảng về thần thoại ở đây là cơ sở hình thành Người hùng mang ngàn gương mặt (1949).
Thời thơ ấu, Campbell chịu ảnh hưởng của thần thoại Ireland, thần thoại da đỏ Mỹ, truyền thuyết về cao bồi Viễn Tây Mỹ, thần thoại Công giáo, thần thoại Hy-La, truyện cổ Celtic về thời vua Arthur. Lớn lên, ông tiếp tục nghiên cứu thần thoại Ấn, dành nửa năm ở Nhật Bản tìm hiểu Thần đạo, đam mê James Joyce và chủ nghĩa hiện đại trong văn học, biên tập sách của Freud và Jung. Tất cả những nguồn ảnh hưởng khác nhau này đều đã để lại dấu ấn trong “Người hùng mang ngàn gương mặt” và những công trình về sau.
Campbell mất 5 năm để viết cuốn này, khi ông nộp bản thảo, biên tập viên ký hợp đồng với ông đã nghỉ việc, nhà xuất bản từ chối in. Sau một thời gian đi tìm bản thảo mới, cuốn sách đã được in trong tủ sách danh giá The Bollingen Series về phân tâm học và thần thoại.