Sự thật là ngày nay chúng ta chỉ toàn đắm chìm vào những bản nhạc, talkshow, hay những bộ phim. Cuộc sống của chúng ta có quá nhiều sự ồn ào, xao nhãng và bộn bề; chính điều đó đã làm cho ta quên đi mọi âm thanh đều bắt đầu bằng sự im lặng và cội nguồn của bình yên đó là sự tĩnh lặng. Nếu bạn đã bỏ lỡ những thứ giá trị đó bấy lâu nay, thì cuốn sách Sức mạnh của tĩnh lặng của tác giả Eckhart Tolle sẽ giúp bạn tìm lại bản chất sâu lắng, trong sáng và chân thật của mình. Sức mạnh của tĩnh lặng giống như một vị thầy tâm linh, sẽ giúp bạn thay đổi những lối sống xưa cũ, tiêu cực và có thể tiếp xúc với một chiều không gian yên tĩnh và sâu lắng bên trong tâm hồn giữa cuộc sống bộn bề, tấp nập.
Về tác giả Eckhart Tolle: Ông là một trong những bậc thầy số một thế giới trong lĩnh vực tâm linh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luân Đôn, ông trở thành một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge. Năm hai mươi chín tuổi, có một sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc, đã làm thay đổi hoàn toàn hướng đi cuộc đời ông. Ông đã dành hết tâm huyết để đào sâu sự chuyển hóa ấy, đặc biệt đó là ông không hề nhấn mạnh đến một truyền thống hay tôn giáo nào mà chỉ tập trung truyền tải thông điệp giản dị, ý nghĩa mà sâu sắc của các bậc giác ngộ xưa nay là:
Có một con đường thoát khổ và một phương pháp thực tập để tìm lại được niềm an lạc có sẵn trong mỗi người.
Cuốn sách với lối viết súc tích, ngắn gọn giống như kinh văn của Ấn Độ và cũng bao như kinh văn cổ điển khác, nó chứa đựng những gì đó rất thiêng liêng vì đã đến từ trạng thái tâm thức rất yên lắng. Những suy tư của tác giả viết ra trong cuốn sách giống như hồi chuông cảnh báo mọi người về lối sống tha hóa về tâm thức, cũ kĩ, gieo giắc mầm mống hậu họa về sau và cũng là ánh sáng chỉ đường cho độc giả tìm lại bản chất chân thật trong nội tại. Không những vậy Sức mạnh của tĩnh lặng còn giúp ta tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi:
- Tôi là ai? Ý nghĩa của đời sống này là gì?
- Tại sao tôi có mặt trên cuộc đời này?
- Mục đích tối hậu của đời sống này là gì?
Với tính chất giống với kinh văn, những nội dung tiêu biểu, tinh hoa của cuốn sách được gói gọn trong Chương I (“Sự yên tĩnh và Im lắng”), còn các chương còn lại sẽ cung cấp thêm những bảng chỉ đường khác.
Sự im lắng chính là bản chất chân thực của bạn… Đó chính là không gian ở trong bạn, là “ khả năng nhận thức” từ đó những chữ trên trang giấy này được tạo thành khái niệm và trở thành những ý nghĩa ở trong đầu bạn. Nếu không có “khả năng nhận biết” đó, sẽ không có khái niệm, không có ý tưởng, không có thế giới.
Sẽ thật đáng sợ nếu ta không có khái niệm, không có ý tưởng, không có thế giới, chính vì vậy việc tìm ra sự im lắng của chính mình là vô cùng quan trọng. Nếu ta đánh mất sự im lắng trong nội tâm cũng đồng nghĩa ta đánh mất liên lạc với chính mình, sẽ đánh mất mình trong thế giới hình tướng. Tức ta không tìm thấy bản chất chân thật của chính mình, chỉ biết sa vào những vòng xoáy đấu tranh, giành giật vô nghĩa, những thói quen nghiện ngập,...Chúng ta sẽ bị những thứ gọi là được, mất, hơn, thua điều khiển để lấp đầy cuộc sống khổ đau, không sự giải thoát của một con người đánh mất đi chính cội nguồn của mình.
Bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi: “ Tại sao chúng ta lại bị cuộc đời xô đẩy, bị số phận điều khiển mà không phải là chúng ta điều khiển nó?” và đến đây có lẽ bạn đã tìm ra được câu trả lời. Đó là những dục vọng tầm thường đã khiến con người ta hạ thấp vai trò, giá trị của chính mình và nếu bạn muốn vượt lên trên Tên Gọi và Hình Tướng thì bạn phải cảm nhận được nội tại của chính bản thân mình và nó không thể tách ra khỏi sự im lắng.
Tên Gọi và Hình Tướng: Những quy ước, tên gọi của chúng ta về những biểu hiện tạm bợ của đời sống. Ví dụ, tiền là những mảnh giấy hay kim loại mà chúng ta trao đổi với nhau khi mua bán. Lễ cưới là buổi tiệc để chính thức công bố quan hệ luyến ái giữa hai người… Dĩ nhiên , Tên Gọi và Hình Tướng chỉ là danh từ, khái niệm mà chúng ta dùng để mô tả một thực tại sinh động, mà đã là danh từ và khái niệm...thì nó không thể nắm bắt được chân lý, được thực tại sinh động, liên tục chuyển biến trong từng phút, từng giây.
Quay trở lại với khả năng nhận biết, làm sao để ta có thể tìm ra được sự yên tĩnh? Câu trả lời đó là chỉ khi ta đánh thức được sự im lắng thì mới có thể nhận ra được sự yên tĩnh.
Tương đương với tiếng động bên ngoài là sự ồn ào của những suy tưởng bên trong.
Tương đương với sự im lặng bên ngoài là sự im lắng ở nội tâm.
Bạn hãy lắng nghe sự yên tĩnh của chung quanh, hãy chú tâm để ý vào nó thì bạn sẽ thức tỉnh được sự im lắng trong nội tâm. Và bạn sẽ nhận ra rằng giây phút đó bạn không hề suy tư, bạn không suy nghĩ và đó là sự im lắng đang hiện diện trong bạn. Và trong cuộc sống những giây phút như vậy thật đáng giá ngàn vàng. Nó giúp bạn bước ra khỏi những thói quen không tốt, những tâm thức bị nhiễm độc của cộng đồng trong hàng ngàn năm qua, bạn sẽ tìm được một góc yên tĩnh khiến tâm hồn được trở về với cội nguồn thanh tao. Bạn hãy nhìn vào trạng thái an nhiên, tự tại của những bông hoa để học cách tìm ra sự tĩnh lặng. Hãy nhìn vào chúng để nhận thức của ta hòa nhập giống như cánh bướm đậu trên cành hoa ấy. Khi ta nhìn ra được sự yên tĩnh của cái cây, bông hoa,... ta sẽ nhìn ra sự yên tĩnh của mình và sự yên tĩnh ấy càng sâu sắc bạn sẽ cảm nhận được sự đồng nhất của mình với vạn vật và đó chính là Lòng Xót Thương- một tình thương chân chính.
Khi bạn đã học được cách cảm nhận sự im lắng trong khoảng không yên tĩnh thì hãy học cách cảm nhận nó trong một không gian ồn ào, tấp nập. Im lặng không phải do âm thanh của không gian tác động mà nó nằm ở Tâm. Nằm sau tất cả những ồn ào, những nhận thức của giác quan, tất cả những suy tư là sự nhận biết, sự tĩnh lặng ở nội tâm. Tuy nhiên nếu muốn tìm ra cái tĩnh lặng trong cái ồn ào thì bạn phải chấp nhận, đừng chống đối nó. Sự chấp nhận ấy sẽ chính là một sự tĩnh lặng.
Sự tĩnh lặng chính là tự thân của sự thông thái- là Tâm nằm ở bên dưới, từ đó mọi thứ hữu hình được phát sinh...Sự tĩnh lặng là vật thể duy nhất trên cõi đời này không mang một hình tướng. Nhưng thực ra sự tĩnh lặng đâu phải là một vật thể, và nó cũng không thuộc về thế giới này.
Thật vậy, chính Tâm đã sáng tạo ra sự tĩnh lặng. Chúng ta hãy lắng nghe Tâm mình để tìm ra được chốn bình yên trong mọi hoàn cảnh, hãy tập trung nhìn, lắng nghe và khi đó ta sẽ khám phá một thứ giúp ta giải quyết được những vấn đề tiêu cực đó là sự thông tuệ.
Căn bệnh trầm kha nhất của con người là: hay bị cuốn hút vào trong những suy tư, lo sợ vẩn vơ ở trong mình.
Thực tế rằng chúng ta thường lãng phí thời gian vào những suy nghĩ miên man, không có mục đích. Đó là những dòng suy nghĩ về quá khứ hay tương lai, những lo sợ vẩn vơ, những xúc cảm tiêu cực, thậm chí đôi khi bạn còn cho nó rất có ý nghĩa và quan trọng đối với chính bạn. Những ý nghĩ đó luôn lôi kéo sự chú tâm của bạn và khiến bạn rơi vào một mớ những khái niệm không thống nhất. Trong khi đó thực tại là một thực thể thống nhất, mọi thứ luôn đan xen, hòa quyện vào nhau trở thành một dòng chảy xuyên suốt và sự suy tư của bạn đã cắt đứt thực tại ấy cho nên bạn sẽ chẳng thể nào có được đáp án nếu chìm trong dòng suy tư ấy. Như chúng ta đã biết, muốn giải quyết vấn đề thì phải xét mọi khía cạnh, tác động của nó; cho nên dòng suy tư sẽ trở nên rất giới hạn khi nó chiếm lĩnh toàn bộ con người ta, khiến ta không đi đến được bản chất chân thật bởi vì suy tư là một phần rất nhỏ của Tâm.
Như vậy, việc bạn cần thức tỉnh ở đây đó là đừng tự đồng hóa mình với những suy tư không chủ đích mà cần phải thông thái trong cách nhìn nhận vấn đề. Chúng ta nên chú tâm hoàn toàn vào một người hay một sự vật. Sự chú tâm sẽ giúp ta phá vỡ rào cản giữa suy tư và khái niệm của chính bạn, giúp hòa quyện chủ thể với thực thể làm một, giải thoát bản thân khỏi những suy tư không chủ đích. Khi bạn học được cách vượt lên trên những suy tư, bạn sẽ thông hiểu đời sống, trở nên hòa điệu với tâm thức cao hơn, sẽ không còn đắn đo suy nghĩ khi đưa ra một quyết định mà chỉ cần thực hiện một cách tự nhiên, không gò bó.
Bản ngã được hình thành từ sự chú tâm của chúng ta khi cố gắng đi tìm sự xác minh hay một cảm nhận về tự thân.Bản ngã trỗi dậy khi “ cái Tôi” làm chủ những suy tư, cảm xúc miên man trong đầu bạn hay hiểu một cách đơn giản hơn đó là sự sợ hãi và ham muốn. Điều này nó thể hiện rất rõ trong nhiều khía cạnh của bản thân chúng ta và hầu như bất cứ một ai đều mang trong mình bản ngã. Đầu tiên, đó là sự than phiền và phản kháng, bạn luôn luôn cho rằng người khác sai và bạn luôn đúng, bạn tự tạo cho mình cảm giác vượt trội hơn bất kỳ một ai. Tiếp theo đó là sự ganh tị , bạn luôn chi li chuyện được/mất, hơn/thua, bạn luôn đặt cái sĩ diện của mình lên hàng đầu. Nhưng ta đâu biết rằng, điều đó sẽ khiến tự thân luôn bám víu lấy một thứ vô nghĩa, khiến cuộc đời đối xử tệ bạc với bạn hơn mà thôi và lúc này bạn lại đối xử tệ với những người hơn mình. Và cuối cùng đó là cảm giác tội lỗi, chắc chắn mỗi bản thân chúng ta đều đã trải qua cảm giác này ít nhất một lần trong quá khứ. Đó là cảm giác tự đổ lỗi cho chính bản thân, mang lại những suy nghĩ tiêu cực về chuyện mình đã làm và cảm giác ấy bám víu lấy suy nghĩ của ta trong một thời gian dài. Như vậy, dù bạn đã có những hành động vô ý nào đó gây nên hậu quả nhưng chính bạn đã không thể tha thứ cho chính mình, tự gắn mác xấu xa trong lòng.
Đã đến lúc bạn phải cởi bỏ bản ngã của mình, bằng cách nào:
Nếu không còn thấy cái Tôi riêng biệt nữa thì người ta sẽ không có vấn đề gì phải lo lắng, để phải khổ đau nữa cả.
Bạn sẽ rũ bỏ được cái Tôi khi bạn nhận ra những giọng nói lảm nhảm- những suy tư vô nghĩa, bạn bước ra khỏi được nhưng suy tư ấy. Tôi nghĩ điều đó không khó nếu như bạn muốn thực hiện bởi cái Tôi chỉ là những thứ tạm bợ rất dễ tan biến, nó giống như những làn sóng cuộn vào rồi tan ra.
Bạn đang lắng nghe chính mình ở phút giây hiện tại hay đang nghĩ về phút giây trong tương lai. Thực tế, chúng ta đều đang suy tính về tương lai mà chẳng bao giờ cảm nhận phút giây ở hiện tại, đó là lối sống băng hoại, nó tạo cho ta những vọng tưởng chả bao giờ xảy ra, điều đó còn thể hiện sự bất mãn của bạn với hiện tại của chính mình. Tại sao chúng ta lại không tôn trọng phút giây ở hiện tại, nó là hiện hữu ngay trong cuộc sống, dù muốn hay không nó vẫn ở bên bạn? Tại sao bạn cứ phải trốn tránh khi chúng ta có thể làm thân với nó? Hãy đặt suy nghĩ của bạn ở “ phút giây này” bạn sẽ cảm nhận được một sức sống tràn trề trong cơ thể. Khi bạn niềm nở với từng phút giây hiện diện trong cuộc sống bạn sẽ có một lối sống, tư duy tích cực hơn. Khi bạn đi sâu vào phút giây hiện tại bạn sẽ cảm thấy thực tại ngay tại giây phút ấy thật đơn giản mà thiêng liêng, nó đem lại cảm giác an nhiên tự tại thật khó tả.
Tuy nhiên, bạn cần phải phân biệt phút giây hiện tại với tình huống hiện tại bởi phút giây hiện tại nó thiêng liêng hơn rất nhiều. Bước vào phút giây ấy là bước ra khỏi mọi tình huống đang hiện hữu bên trong đầu bạn, và cứ thế thả hồn vào phút giây ấy bạn sẽ tạo ra được khoảng không yên tĩnh cho chính mình đó là sự tĩnh lặng. Bạn đang không dính líu vào bất kì dòng suy tưởng nào, bạn đang cảm nhận chính bản thân mình, đó là bản chất chân thật của chính chúng ta- cảm nhận chân thật về tự thân. Giữa cuộc sống trần tục bộn bề những lo âu, con người chúng ta dần quên đi bản chất chân thật của chính mình, và chỉ có cách này mới giúp ta thoát khỏi nó và tìm lại được ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta.
Như vậy chính bạn là phút giây của hiện tại bởi lẽ thời gian và con người luôn gắn bó với nhau không thể tách rời, thời gian trôi đi và con người đang cảm nhận nó. Trong cuộc đời những thứ cơm, áo, gạo, tiền,...rất quan trọng, nhưng vượt lên trên hết thứ quan trọng nhất là tìm ra bản chất chân thật của chính bản thân. Nếu như ở phút giây hiện tại, bạn cảm nhận được nó, cảm nhận được sự thiêng liêng, tĩnh lặng với tâm thế vô ưu thì đó chính là lúc bạn tìm ra được bản chất chân thật của chính mình.
Đâu là niềm vui của bạn mỗi ngày? Nhiều tiền, nhà lầu, xe hơi hay quan cao chức vọng,...Rất nhiều người đang nhấn mình vào vòng xoáy khổ đau của cuộc đời và tự cho đó là niềm hạnh phúc. Hằng ngày bạn đang cố gắng để thỏa mãn cái bản ngã của bản thân và che lấp đi bản chất của mình, bạn đang cố gắng bảo vệ cái Tôi nhỏ nhoi, vô nghĩa mà quên đi giá trị thực sự của bản thân. Vậy đâu mới là niềm an nhiên tự tại đích thực? Đó là nhận thức được bản chất chân thật của chính mình. Tuy nhiên, để đạt được cấp độ này bạn sẽ phải rất cố gắng để buông bỏ tất cả, nó không chỉ đơn giản là đưa mình vào một không gian yên tĩnh mà phải cảm nhận sâu lắng ở bên trong rằng:
Bạn thực đã biết rõ điều này? Bạn có thể cảm nhận rằng mình thực đã có Cái Đó?
Và tất nhiên, nơi bạn cảm nhận được điều đó chỉ có giây phút của hiện tại. Khi bạn nhìn vào bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào bạn có ý thức về ý nghĩa hay cảm xúc của nó, bạn chính là ý thức hay sự nhận biết trong tất cả những thứ đó biểu hiện. Như vậy, bạn đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào hoàn cảnh, những gì xảy ra hay không xảy ra tất cả đều không quan trọng với mình, bởi vì mình chính là tinh hoa của cuộc sống, tâm ta có trong tất cả.
Người đời có câu: “ Đi đâu ở đó”. Nói một cách khác: Bạn đang hiện diện ở nơi này. Luôn luôn như thế. Có gì khó khăn đâu khi bạn phải chấp nhận điều này?
Thông thường khi chúng ta phải đối mặt với một điều gì đó muộn phiền, chúng ta sẽ thường cảm thấy bực bội, trách móc và có thái độ phản kháng thực tại. Nhưng sự thật khi chúng ta trở nên như vậy nó chỉ làm bản ngã lớn hơn và vấn đề thì không được giải quyết. Vậy tại sao ta không chấp nhận nó bởi vì dù sao nó là thực tại chẳng thể nào tách ra khỏi ta. Khi bạn buông bỏ sự chống đối và hết lòng với những gì đang làm, bạn sẽ cảm nhận được tất cả những thứ đó không phụ thuộc vào bất kì một tiêu chuẩn nào mà đó đơn giản chỉ là cảm nhận tự thân của bạn. Thái độ chấp nhận giúp chúng ta có được trạng thái an nhiên, nó giúp từng phút giây bạn trải qua đi vào sâu lắng và giống như nó đang là. Những tình huống ta đang trải qua hằng ngày cũng chỉ như những làn sóng nhỏ bé rồi cũng tan biến mà thôi, chấp nhận vô điều kiện với tâm thế hân hoan sẽ giúp bạn nhận ra mọi thứ đều sẽ phôi phai, tàn úa chỉ có tâm ta là luôn tĩnh lặng. Vì vậy, hãy để cuộc sống diễn ra theo cách của nó như nó đang là.
Hãy yên lắng.
Nhìn.
Lắng nghe.
Đó là cách thiên nhiên dạy bạn cảm thụ trạng thái an nhiên tự tại. Có bao giờ bạn lặng ngắm một hòn sỏi, một bông hoa, một cái cây, hay một chiếc lá? Có bao giờ bạn chợt nhận ra cỏ cây, muông thú tại sao có thể an nhiên đến lạ thường? Phải chăng cuộc sống vô thường đã làm bạn quên đi những thứ mà ngay cả muông thú còn biết? Đó là sống với chính mình, sống với đời sống - Bây giờ và Ở Đây. Thiên nhiên luôn tĩnh lặng, luôn tự tại và có một nguồn năng lượng sống thần kỳ bởi vì vạn vật trong tự nhiên chúng biết chấp nhận cuộc sống, chỉ quan tâm đến giây phút hiện tại chúng được tận hưởng cuộc sống này.
Bạn hãy làm theo những gì thiên nhiên dạy, bạn sẽ cảm nhận được sự yên tĩnh sâu lắng bên trong mỗi vật và khi đó bạn nhận ra điều đó, bạn sẽ đạt một sự thư thái sâu lắng bên trong mình. Thiên nhiên là món quà vô giá của chúng ta bởi có lẽ nó giúp ta tìm được bản chất của mình. Hơi thở bạn đang mang là của thiên nhiên, không gian bạn đang sống cũng là của thiên nhiên. Thiên nhiên là một không gian im lắng rộng lớn bao trọn vạn vật. Hãy hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận được tận sâu bên trong tâm hồn mình: “Ta là ai? Ta như thế nào? Điều đó không quan trọng vì Bây giờ và Ở Đây chỉ có ta, không có những suy tư, phiền não.”
Lối sống, cách hành xử riêng của mỗi người điều bị ảnh hưởng do thói quen, môi trường, văn hóa. Và chúng ta thường nhìn vào đó để phán xét một người bởi bản ngã được thỏa mãn khi gán mác cho người khác và cho rằng mình có khả năng phán xét người khác. Như đã nói ở phần trước thì bản ngã sẽ là hậu họa cho những mối lo sợ, thèm khát sự thắng thua. Tuy nhiên chúng ta phải buông bỏ bản ngã không chỉ vì điều đó mà còn vì ta đã hoàn toàn sai. Thói quen, lời ăn tiếng nói, cách hành xử đó không phải là bản chất của một người mà chỉ là những thứ biểu hiện ra bên ngoài do có điều kiện tác động, còn bản chất nằm sâu trong tâm thức.
Muốn biết được bản chất của một người bạn cần giao tiếp với người đó trong sự tĩnh lặng, muốn yêu quý họ hãy để họ đi vào trong giây phút hiện tại của mình. Nếu bạn muốn làm thân với một ai đó, việc bạn cần làm là không phải trói buộc hai người trong ngôn từ, suy tưởng mà bạn cần phải đưa sự tĩnh lặng vào trong mối quan hệ. Ví dụ, bạn có thể ngồi thiền cùng nhau, hãy nhìn vào mắt nhau để giao thoa tâm hồn, bạn cũng có thể tạo ra sự tĩnh lặng trong các cuộc đối thoại bằng việc lắng nghe để tìm ra khoảng không trong đó. Sự lắng nghe nó là một cái gì đó sâu sắc được tạo ra từ sự chú tâm và bạn sẽ tìm ra chính mình trong chính con người họ. Đó chính là sợi dây liên kết giữa người với người, quan hệ ấy không phải là hiểu về mọi thứ của nhau mà đơn giản bởi chỉ có ta ở đó, ta đang gặp gỡ chính mình.
Sự sống và cái chết nó luôn hiện hữu xung quanh chúng ta, liệu chết có phải là chấm hết sự sống? Câu trả lời là không, đối cực của cái chết chính là sự tái sinh. Vậy tại sao con người lại sợ chết đến vậy? Bản ngã của con người là ham sống, sợ chết, do vậy khi ta còn bản ngã, còn chấp vặt với đời thì ta còn sợ chết. Nhưng nếu ta nhận biết được cái chết thì hoàn toàn ngược lại. Sự sống và cái chết của mỗi người chỉ là một hình tướng, nên chúng rồi cũng sẽ tan hoại nhưng có một thứ luôn trường tồn vĩnh cửu đó là Tâm. Khi bạn đồng hóa mình với sự sống và cái chết bạn sẽ thấy cuộc sống này thật vô thường, bạn chỉ việc sống trọn vẹn với phút giây hiện tại, tận hưởng cảm xúc sâu lắng trong tâm. Cơ thể của ta thực chất không phải của ta nó chỉ là hình tướng bên ngoài, cái thuộc về ta đó là Tâm. Cho nên khi ta thức tỉnh được chân lý đó, chấp nhận được tự nhiên và đối cực của nó ta sẽ không còn sợ chết và Tâm ta luôn an bình.
Quy luật của vũ trụ luôn xoay vòng, mọi sự vật sinh ra mất đi đều có nguyên nhân và tính tất yếu luôn luôn xảy ra. Chúng ta chẳng thể nào tránh được bất kỳ một điều gì và khổ đau cũng vậy đó là điều tất yếu chúng ta phải trải qua khi còn hiện hữu. Vậy giải thoát khỏi khổ đau bằng cách nào:
Tự do chân thực và giải thoát chính là cách sống như thể chính bạn đã chọn lựa một cách hoàn toàn những gì bạn đang cảm nhận hay kinh nghiệm trong giây phút này.
Trải nghiệm khổ đau là cách bạn nhận ra bản ngã của chính mình, càng khổ bạn sẽ cảm nhận càng sâu con người của mình. Bị mất việc, bị gãy tay, bị người yêu đá,... điều đó thật đau đớn, nhưng bạn chỉ cảm thấy mình khổ mà không hề quan tâm những thứ đó do chính mình tạo ra. Một câu hỏi khác đặt ra:” Tại sao bạn lại cho rằng nó khổ?”, thật là nực cười phải không đau khổ không do ai khác mà do chính mình làm mình khổ.
Chúng ta là vậy, luôn tự ban cho mình khả năng phán xét mọi việc, tự gắn mác cho chính việc chúng ta làm. Như vậy, nguyên nhân khổ đau là do chính mình gây ra, do tâm không đủ tĩnh để bình ổn mọi việc. Và giải thoát chính là bạn phải tách mình ra khỏi hình tướng- những khổ đau, nhưng suy nghĩ tiêu cực, chính phút giây này chỉ có ta không còn thứ gì khác. Khi bạn sánh bước với phút giây hiện tại, bạn sẽ chấm dứt khổ đau ở trong bạn.
Dù cuộc sống của bạn có bận rộn như thế nào đi chăng nữa, hãy cố gắng tặng cho mình vài giây phút tĩnh lặng mỗi người để luôn luôn nhận thức được bản chất chân thật của chính mình. Sức mạnh của tĩnh lặng vô cùng diệu kỳ, nó sẽ giúp bạn khám phá những phần trong sáng nhất của con người mình, rũ bỏ hết khó khăn, lối sống xưa cũ, tiêu cực, thay đổi quan hệ của bạn với mọi người và với cuộc đời. Nó sẽ là liều thuốc tự nhiên chữa được mọi căn bệnh của bạn.
Review chi tiết - Hình ảnh bởi: Quỳnh Anh - Bookademy