Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều vai bi của chị vẫn trong tâm trí công chúng nhiều thế hệ như Ngọc Lan trong "Tiếng chim vườn ngọc lan", cô giáo Hạnh vở "Hãy khóc đi em" hay Đông Nhi trong "Xóm nhỏ Sài Gòn"...
Ít ai biết rằng cuộc sống của nghệ sĩ Thanh Thủy có nhiều biến động nên quãng thời gian sau này chị dành nhiều thời gian cho thể loại hài. Thật lạ là khi nghệ sĩ đóng hài cũng vô cùng duyên dáng. Dẫu vậy, những ai yêu thương chị ở thể loại bi kịch vẫn mong chờ chị tái xuất với một vai diễn xứng tầm như vai người mẹ trong vở Má ơi Út dìa (tác giả Trung Dân, đạo diễn Thanh Thủy) diễn trong tháng 3 tại sân khấu Idecaf.
Má ơi Út dìa! là tên mới của một vở kịch Tiếng Vạc sành nổi tiếng của Idecaf cách đây 20 năm, do Trung Dân viết kịch bản. Trong vở mới này, Thanh Thủy vẫn giữ vai trò đạo diễn và chị đã thổi vào đó những sắc thái mới mẽ phù hợp với hơi hướm đương đại, thời sự. Việc Thanh Thủy quyết định đổi tên vở kịch cũng nhằm mục đích chuyển trọng tâm vở diễn sang một khía cạnh khác. Ở phiên bản cũ, nỗi đau lớn nhất đọng lại trong tâm trí người xem là vấn nạn ma túy tàn phá vùng quê sông nước thì ở phiên bản mới xoáy sâu vào nỗi đau của người mẹ. Tại đó, người mẹ quê đau đáu chờ đợi đứa con trai út ngoan hiền, học giỏi rời cù lao miệt sông nước miền Tây lên Sài Gòn chắp cánh giấc mơ đổi đời. Nhưng rồi, đứa con ấy biệt vô âm tích.
Người mẹ đã lặn lội tìm con nhưng bất lực. Hằng ngày, bà mong ngóng tin thằng út đến héo lòng, nhưng rồi khi nó bất ngờ trở về, bà lập tức nhận ra ngay đứa con mình có "vấn đề". Bà lặng lẽ như không hề biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng kỳ thực bà hiểu rõ tất cả. Hành động người mẹ tắt ngọn đèn dầu, thứ ánh sáng le lói duy nhất của miệt quê chính là sự đồng lõa với bóng tối, với cái sai. Nhưng bà biết làm gì đây khi thằng út chính là đứa con bà mang nặng đẻ đau. Đôi mắt Thanh Thủy là vũ khí lợi hại nhất trong chuyển tải cảm xúc. Ánh mắt ấy chuyển từ lấm lét che giấu sang sợ hãi và cuối cùng là tột cùng của nỗi đau. Chị đã đưa người xem từ mức cảm xúc thấp nhất, cao dần, đến bùng nổ vào phút cuối khiến nhiều khán giả đã sụt sùi theo tiếng lòng của người mẹ bất hạnh.
Vai diễn này đã giúp cho những khán giả yêu thương Thanh Thủy nhìn thấy lại hình ảnh tri âm nghệ thuật của mình. Đây chính là Thanh Thủy của đỉnh cao bi kịch tâm lý. Má ơi Út dìa! có thể xem là một trong những kịch mục giàu cảm xúc nhất của Idecaf trong năm 2024. Đương nhiên, dấu ấn trong vai diễn này của Thanh Thủy còn được sự hỗ trợ từ dàn diễn viên tham gia như: Quang Thảo rất tình cảm trong vai cậu út; Đại Nghĩa hài hước kiểu “vô tri” trong vai Ba Hòm; Quốc Thịnh duyên dáng trong nhấn nhá câu từ tạo tiếng cười bất ngờ vai người anh; Đình Toàn hóa thân vai thằng nghiện. Ngoài ra, cái không khí đậm đặc chất sông nước miền Tây trong vở diễn còn có sự đóng góp của họa sĩ Lê Văn Định.
Việc trở về Idecaf của Thanh Thủy sau hơn 10 năm rời xa đã được báo giới nhắc đến nhiều. Đó là hành trình đầy trăn trở. Quyết định này được xem là một sự thay đổi nội tâm rất lớn của một gương mặt nghệ sĩ gạo cội phía nam. Vậy nhưng, vào thời điểm chị bắt tay vào việc, tức dựng vở đầu tiên Bí mật giếng làng Khủm (tác giả Trung Dân, đạo diễn Thanh Thủy) rất nhiều chuyện không như ý xảy ra, tác động đến sự nhạy cảm trong tâm hồn và cảm xúc người nghệ sĩ như Thanh Thủy. Đến giờ, Idecaf vẫn còn nhiều khó khăn sau sự chia tay với NSƯT Thành Lộc, nhưng Thanh Thủy cùng cácnghệ sĩ khác rất quyết tâm và cố gắng vượt qua thử thách
Hiện tại, điều khiến cho các ông bầu sân khấu đau đáu là đo lường gu thưởng thức của công chúng. Idecaf cũng hoạt động theo hướng đó, thế nhưng, qua Má ơi út về, có thể thấy rằng dòng kịch Nam Bộ chất chứa tình người là một lựa chọn của sân khấu này. Có thể đây không phải là sở thích của nhiềukhán giả trẻ nhưng có lẽ, nó đủ chạm đến trái tim của nhiều người.