Mới đây, câu chuyện về 2 bộ phim Ròm và Everest - Người tuyết bé nhỏ đã làm dư luận xôn xao. Trong khi một bộ phim nước ngoài có cài cắm bản đồ hình lưỡi bò trong một số khung hình lọt lưới kiểm duyệt và ra rạp tại Việt Nam thì phim trong nước đoạt giải quốc tế vẫn phải chịu hình phạt nặng nề và chưa thể công chiếu.
Một trong 2 nhà đồng sản xuất Everest - Người tuyết bé nhỏ là Công ty Pearl Studio của Trung Quốc. Do đó, hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò dù chỉ xuất hiện thoáng qua trên phim, vẫn được xem là động thái cài cắm có chủ đích mà với những nhà kiểm duyệt phim , dù chỉ là một sơ hở nhỏ cũng làm nên câu chuyện lớn có liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết chưa thể kết luận ngay mà phải xem lại bản kiểm duyệt phim mà đơn vị phát hành đã trình lên hội đồng duyệt, sau đó mới kết luận.
Riêng bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia, người tham gia duyệt phim này, thừa nhận sai sót. Tuy nhiên, Bà Ngát nói rằng: “Mấy giây thì làm sao lúc nào cũng căng mắt ra, rồi cũng không để ý”.
Trước đó, phim Điệp vụ Biển Đỏ đã để lọt hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chứ ‘South China Sea’ (tức Biển Đông), phát loa yêu cầu một chiếc tàu khác rời khỏi vì đây là vùng biển huộc chủ quyền Trung Quốc. Thông điệp này không chỉ là cài cắm ý đồ xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền biển đào Việt Nam nữa mà là sự ngang nhiên tuyên bố.
Được biết khối lượng phim mà Hội đồng duyệt phim quốc gia phải xem để quyết định một bộ phim có được ra rạp hay không, mỗi năm, theo tiết lộ là khoảng 200 phim ngoại nhập và 40 phim nội.
Với số lượng này, với nhiều bộ phim có vấn đề có vấn đề, khi hỏi lại, Hội đồng duyệt phim cũng không thể nhớ hết được. Vậy nên sự sơ suất trong vài giây cũng sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng từ những ý đồ nguy hại núp bóng nghệ thuật.
Sai thì rút khỏi rạp, kiểm tra lại quy trình duyệt phim hoặc cho rằng có quá nhiều phim phải duyệt nên là gánh nặng cho hội đồng kiểm duyệt.
Trong khi hệ thống kiểm duyệt Việt Nam vẫn để lọt lưới những bộ phim cài cắm chủ đích tuyên truyền về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thì lại tỏ ra khắc nghiệt một cách thái quá với phim của các đạo diễn trong nước.
Bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy mới đây đã đoạt giải cao nhất hạng mục New Currents tại LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc) năm 2019. Theo Variety Magazine, Trưởng ban giám khảo của hạng mục này, đạo diễn người Anh Mike Figgis nhận xét rằng, "việc sử dụng các bối cảnh thực tế, sống động trong phim đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và một cái kết phim rất thỏa mãn."
Tuy nhiên, trước phim lên đường đi Busan, Cục Điện ảnh công bố phim Ròm ‘vi phạm pháp luật hiện hành’ khi chưa có giấy phép phổ biến phim đã tự đăng ký và gửi phim tham dự LHP quốc tế Busan và mới đây cho biết sẽ xử lý thật nghiêm trường hợp này.
Cho đến giờ, đã 40 ngày kể từ ngày phim Ròm được gửi đi kiểm duyệt, vẫn chưa biết được số phận của bộ phim này ra sao, có đến được với công chúng hay không.
Vấn đề chính của Ròm nằm ở phản hồi của Cục Điện ảnh: phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bạo lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn. Điều đó có nghĩa, nếu Ròm ra rạp tại Việt Nam, với những diễn biến trong phim, Ròm sẽ bị cắt gọn nhiều trước khi ra rạp.
Cho đến nay, mâu thuẫn giữa quyền lợi của người xem và trách nhiệm của Hội đồng duyệt phim quốc gia vẫn chưa bao giờ thôi hạ nhiệt. Người xem than trời vì phim ra rạp bị "gọt đầu gọt đuôi" trong khi Hội đồng duyệt phim cho rằng đó là cách bảo vệ thuần phong mỹ tục, văn hoá, chính trị... Nhưng oái oăm thay, cái gọi là trách nhiệm đó vẫn chưa được 11 thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia thực hiện đối với phim ngoại.
Mới đây, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa trả lời công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Theo văn bản này, VCCI ủng hộ đề xuất của cơ quan soạn thảo trong việc bãi bỏ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, bãi bỏ văn bản chấp thuận đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài và bãi bỏ quy định người nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim.
Tuy nhiên, qua rà soát các loại giấy phép và thủ tục hành chính tại Luật Điện ảnh, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bãi bỏ một số quy định khác, trong đó có thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim.
Theo VCCI, cơ chế kiểm duyệt đối với phim hiện nay đang rất bất cập khi độc quyền về kiểm duyệt phim.
Văn bản góp ý phân tích: theo Luật Điện ảnh trước đây, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ Văn hoá thể thao và du lịch, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành. Từ năm 2010 đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình.
Hơn nữa, về lâu dài, việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả. Nếu giả sử một hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Kể cả khi thành lập thêm các hội đồng ở Hà Nội và Tp.HCM thì cũng chỉ lên đến 2.160 phim mỗi năm. Đây sẽ là những con số hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới.
Với những lý do đó, cơ quan góp ý đề nghị cơ quan soạn thảo mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim theo hướng, Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim.
Luật Điện ảnh giao cho Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để kiểm duyệt phim. Bộ Văn hoá thể thao và du lịch tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim.
Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận.
Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.
Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế. Việc chuyển từ cơ chế Nhà nước độc quyền kiểm định hàng hoá sang cơ chế uỷ quyền cho nhiều đơn vị tư nhân có quyền kiểm định và Nhà nước giám sát chặt chẽ đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…, theo quan điểm của VCCI.
Đan Thùy